Đặc trưng của thuế thu nhập doanh nghiệp

Bản chất của thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được thể hiện bởi các thuộc tính bên trong vốn có của nó, những thuộc tính đó có tính ổn định tương đối qua các giai đoạn phát triển. Nghiên cứu về thuế TNDN, người ta nhận thấy thuế TNDN có những đặc trưng cơ bản của nó.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Thuế của

>>

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Xin giấy phép. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Chuyên viên tư vấn:

Bản chất của thuế TNDN được thể hiện bởi các thuộc tính bên trong vốn có của nó, những thuộc tính đó có tính ổn định tương đối qua các giai đoạn phát triển. Nghiên cứu về thuế TNDN, người ta nhận thấy thuế TNDN có những đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất. đối tượng chịu thuế của thuế TNDN là thu nhập có nguồn gốc phát sinh chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đây có thể được xem là một trong những đặc trưng cơ bản của của thuế TNDN. Pháp luật thuế TNDN quy định các khoản thu nhập của các tổ chức kinh doanh và các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức phi kinh doanh đều là đối tượng chịu thuế TNDN. Thuế TNDN là loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập của doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế phát sinh. Thu nhập nhập chịu thuế của các tổ chức kinh doanh bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập khác phát sinh trong quá trình tổ chức kinh doanh tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, mức độ động viên của NSNN đối với loại thuế này phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả kinh doanh cũng như quy mô lợi nhuận của doanh nghiệp. Và trong đó các khoản thu nhập có nguồn gốc phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là đối tượng chịu thuế chủ yếu của thuế TNDN.

Đối với thuế GTGT, thuế TTĐB thường là một số tiền cộng thêm vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ, người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ là người tập hợp và nộp thuế vào kho bạc. Vì vậy, nó chủ yếu phụ thuộc vào mức tiêu dùng hàng hóa. Khác với thuế TTĐB và thuế GTGT, thuế TNDN được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế. Do thuế TNDN được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế, nên chỉ khi các tổ chức kinh doanh có lợi nhuận mới phải nộp thuế TNDN. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các tổ chức kinh doanh có thể tiến hành tìm kiếm lợi nhuận bằng nhiều hình thức không được pháp luật cho phép. Thu nhập có được từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp không thể là đối tượng chịu thuế của thuế TNDN. Vì vậy, một khoản thu nhập của các cơ sở kinh doanh được xem là đối tượng chịu thuế TNDN khi và chỉ khi đó là khoản thu nhập hợp pháp của các chủ thể được phép tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, ngoài thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, các chủ thể tiến hành sản xuất, kinh doanh có thể có những khoản thu nhập khác. Thu nhập khác là khoản thu nhập không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập này có được từ nhiều nguồn khác nhau như: quà biếu, quà tặng từ các cá nhân, tổ chức khác, thanh lý tài sản, tiền thu được từ các khoản nợ khó đòi đã xóa sổ nhưng nay đòi lại được,… Những thu nhập này tuy không mang tính chất thường xuyên, không xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính của cơ sở kinh doanh nhưng thực chất cũng là sự nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn thu cho cơ sở kinh doanh. những thu nhập này cũng chính là thu nhập có được trong quá trình hoạt động và tồn tại của cơ sở kinh doanh. Do đó, pháp luật thuế TNDN đã xác định đây cũng là khoản thu nhập thuộc đối tượng chịu thuế của thuế TNDN.

Như vậy, đối tượng chịu thuế TNDN sẽ bao gồm thu nhập có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập khác mà cơ sở kinh doanh có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Hay nói cách khác là toàn bộ thu nhập có được từ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp là thu nhập sẽ chịu thuế TNDN. Doanh nghiệp nào có thu nhập chịu thuế càng cao thì sẽ phải nộp thuế thu nhập càng nhiều và ngược lại, các doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế thấp hoặc gặp khó khăn về tài chính sẽ chỉ nộp thuế ít thậm chí được giảm thuế, miễn thuế.

Thứ hai, thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu.

Thuế trực thu bao gồm các loại thuế như thuế thu nhập, thuế đánh vào của cải, thuế đánh vào đối tượng thường trú. Chúng được gọi là thuế trực thu vì người có nghĩa vụ nộp thuế thường là người gánh chịu thuế. Người nộp thuế không thể chuyển nghĩa vụ thuế sang cho các đối tượng khác. Nói cách khác, Nhà nước đã tiến hành điều tiết trực tiếp một phần thu nhập của các tổ chức, cá nhân vào ngân sách Nhà nước. Khi miễn giảm thuế trực thu cho đối tượng nộp thuế cũng chính là miễn giảm cho người chịu thuế. Vì vậy, trong các loại thuế trực thu chứa đựng rất nhiều các trường hợp miễn giảm thuế. Thuế trực thu cá biệt hóa người chịu thuế nhằm thực hiện vai trò điều tiết của thuế và thực hiện công bằng xã hội. Mặc dù thuế trực thu có ưu điểm đảm bảo cho sự công bằng trong việc điều tiết thu nhập thặng dư của người nộp thuế, nhưng thường gây ra phản ứng về thuế của người nộp thuế do không có sự chuyển dịch về thuế và có một sự đảm bảo chắc chắn rằng phải thực hiện một nghĩa vụ nộp tiền. Chủ thể chịu thuế trong thuế trực thu cảm nhận gánh nặng về thuế nên thường sinh ra tâm lý trốn thuế, làm giảm số thuế mình phải nộp bằng nhiều cách thức khác nhau như: khai giảm thu nhập, kê khai nhiều khoản chi phí sẽ được khấu trừ trước khi tính thuế,…

Nói thuế TNDN là một loại thuế trực thu bởi tính chất trực thu được biểu hiện ở sự đồng nhất giữa đối tượng nộp thuế theo luật và đối tượng chịu thuế theo ý nghĩa kinh tế. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đồng thời cũng là người chịu thuế. Đặc điểm của thuế trực thu là việc đánh thuế có tính đến khả năng của nguời nộp thuế. Được xem là loại thuế trực thu nhưng đôi khi đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp có thể chuyển gánh nặng về thuế cho các đối tượng khác. Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể chuyển cho cổ đông, cho người tiêu dùng hoặc cho cả người lao động trong doanh nghiệp. Thuế TNDN có tính trung lập vậy nên nó được đảm bảo hơn do điều tiết phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Thuế TNDN là thuế trực thu, ngoài mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nó còn có mục tiêu điều tiết kinh tế, điều hòa thu nhập xã hội nên thường gắn với chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước. Vì vậy, thuế TNDN có nhiều khả năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập ổn định và phát triển, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động đặc thù (phụ nữ, người tàn tật…), giải quyết việc làm và các vẫn đề xã hội. Chính bởi mục tiêu điều tiết kinh tế, điều hòa xã hội mà pháp luật thuế thu nhập các nước thường có những quy định về chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế để đảm bảo chức năng khuyến khích của thuế thu nhập hoặc thực hiện việc áp dụng đánh thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần đối với một số khoản thu nhập chịu thuế để thực hiện các mục tiêu điều tiết. Tuy nhiên, thuế TNDN thường không sử dụng thuế suất lũy tiến mà sử dụng thuế suất thống nhất. Mức thuế suất khác nhau có thể áp dụng đối với các nhóm đối tượng hoặc một số loại thu nhập khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu chính sách thuế của mỗi nước.

Việc tiến hành thu thuế TNDN là nhằm mục đích điều tiết thu nhập của các tổ chức khi họ tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ khái niệm về thuế TNDN cũng giúp chúng ta phân biệt được thuế TNDN và các loại thuế khác.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận số: để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Thuế – Công ty luật Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *