Tư vấn phân chia tài sản thừa kế khi có hai vợ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Xin chào luật sư luật minh khuê, tôi tên tài muốn luật sư giải đáp về việc phân chia tài sản đúng theo pháp luật. Cụ thể như sau: gia đình tôi gồm có: ba, mẹ, bà nội, anh, chị và tôi là út trong gia đình. Ba mẹ tôi lấy nhau vào năm 1975 và sinh được 3 người con.

Tuy nhiên, sau đó ba mẹ tôi có mâu thuẫn với nhau, ba tôi ở với người đàn bà khác từ 1992 đến 2017 và có đăng ký kết hôn. Năm 2017, không may ba tôi đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông và không có di chúc của ba tôi để lại thừa kế. Vậy luật sư cho hỏi trường hợp này ai là người được công nhận là vợ và chia thừa kế tài sản của bố tôi như thế nào?

Luật sư trả lời:

Căn cứ quy định:

1. Sống với nhau như vợ chồng từ năm 1975 có phải là vợ chồng hợp pháp không?

Về nguyên tắc việc chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện việc đăng ký kết hôn sẽ không làm phát sinh quan hệ vợ chồng hợp pháp. Bởi theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình việc đăng ký kết hôn là thủ tục bắt buộc để quan hệ vợ chồng phát sinh.

Tuy nhiên Luật hôn nhân gia đình bắt đầu được ban hành từ năm 1986, với các trường hợp đã sống với nhau trước thời điểm năm 1986 thì sẽ không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn vì không có văn bản hướng dẫn, vì thế pháp luật tạo điều kiện bằng cách công nhận cho những trường hợp chung sống với nhau trước ngày 3/1/1987 là hôn nhân hợp pháp. Điều đó có nghĩa, với những trường hợp sống chung trước ngày 3/1/1987 pháp luật chỉ khuyến khích đăng ký kết hôn chứ không bắt buộc.

Chính vì vậy trường hợp của gia đình bạn, bố mẹ bạn được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp.

2. Việc kết hôn với người thứ hai có vi phạm pháp luật không?

Thực tế, khi bố bạn đăng ký kết hôn với người thứ hai thì cơ quan nhà nước cũng không biết về việc bố bạn từng có vợ, hơn nữa tình trạng cá nhân của bố bạn vẫn đang độc thân. Như đã phân tích ở trên trong trường hợp này, việc đăng ký kết hôn với người thứ hai chưa bị coi là vi phạm pháp luật, tuy nhiên việc kết hôn đó sẽ không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp. Vì ở nước ta chỉ bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng, mẹ bạn đã được công nhận là vợ hợp pháp thì trường hợp ngay cả khi người thứ hai có đăng ký kết hôn thì cũng không được công nhận.

3. Chia tài sản thừa kế trong trường hợp này như thế nào?

Theo quy định của Bộ luật dân sự, trường hợp người có tài sản mất mà không để lại di chúc chỉ định người thừa kế thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.

Chia di sản thừa kế theo pháp luật sẽ căn cứ vào hàng thừa kế, theo thứ tự hàng thừa kế thứ nhất sẽ hưởng thừa kế trước, hàng thừa kế thứ nhất gồm: bố, mẹ, vợ, con. Như đã phân tích ở trên, trong trường hợp này chỉ có mẹ của bạn là vợ hợp pháp của bố bạn, nên trường hợp này khi chia tài sản thừa kế người vợ được chia tài sản là mẹ của bạn chứ không phải là người phụ nữ sống chung với bố bạn sau này.

Vì tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung nên trường hợp này, khi bố bạn mất đi thì mẹ bạn sẽ có quyền được nhận một nửa tài sản, nửa tài sản còn lại sẽ chia đều cho những người thừa kế là: bà nội, vợ và các con (4 suất thừa kế)

4. Nếu giữa bố tôi và người phụ nữ kia có tài sản chung thì giải quyết như thế nào?

Trường hợp này, dù hôn nhân của bố và mẹ bạn là hợp pháp nhưng không thể phủ nhận rằng, tài sản mà bố bạn có được không chỉ là tài sản chung của vợ chồng mà đó còn là tài sản chung với người đã kết hôn sau này. Về nguyên tắc định đoạt tài sản chung thì các chủ sở hữu chung đều có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Vì thế mặc dù người phụ nữ kia không được nhận di sản thừa kế của bố bạn, nhưng phải chia cho họ một nửa tài sản.

Trường hợp này việc chia thừa kế sẽ được tiến hành như sau: tài sản được chia đôi cho bố bạn và người phụ nữa sống chung – mỗi người một phần. Phần tài sản sau khi được chia của bố bạn sẽ dùng để chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như trường hợp ở trên.

5. Trường hợp có tranh chấp về chia thừa kế thì giải quyết như thế nào?

Nếu các bên không thể thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản thừa kế thì phương án giải quyết tranh chấp là khởi kiện đến Tòa án cấp huyện có thẩm quyền.

Trường hợp này cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện gồm có:

1. Đơn khởi kiện

2. Bản sao chứng thực giấy chứng tử của bố bạn

3. Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân như: giấy khai sinh, sổ hộ khẩu

4. Giấy tờ chứng minh việc chung sống của bố, mẹ

5. Tài liệu chứng minh về tài sản của bố bạn để lại.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: để được giải đáp.

Trân trọng./.

Trần Nguyệt- Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự –

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *