Thiếu hụt hiểu biết cả luật lẫn văn hóa – Đức Anh

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Trích đăng bài phỏng vấn TS Cù Huy Hà Vũ về vụ kiện bản quyền tác phẩm của “Chát với Mozart”

Thưa tiến sĩ, cảm tưởng đầu tiên của ông sau khi đọc bài này là gì?

Tôi luôn nói chân lý chỉ có thể có được thông qua tranh luận dân chủ và, tất nhiên, một cách có học. Vì vậy ý kiến trái chiều chỉ càng mài sắc quan điểm của tôi về Chat Với Mozart.

Vả lại, những chỉ trích của bà Thuỷ cũng không có gì làm tôi phải ngạc nhiên, bởi lẽ đó là vợ của nhạc sĩ Dương Thụ, một trong những người mà tôi liệt vào diện xâm phạm quyền tác giả của các nhạc sĩ cổ điển.

Có điều tôi thắc mắc là tại sao không phải là chính nhạc sĩ Dương Thụ đăng đàn mà lại là phu nhân. Phải chăng bà hiểu việc làm của ông hơn chính cả ông. Hay không phải với tư cách đương sự, muốn nói thế nào thì nói và không sợ bị hớ.

Chưa bàn đến lời cáo buộc có tính võ đoán “Rất tiếc những người làm luật trên thế giới đã không giết chết sự sáng tạo vốn là động lực và phương cách thúc đẩy sự phát triển của văn minh loài người theo cách hiểu luật “chặt khúc” của ông Vũ”.

Đây không phải là một vụ kiện bởi lẽ thuật ngữ này chỉ áp dụng khi vụ việc đưa ra toà và người đệ đơn phải là chủ sở hữu quyền tác giả. Vả lại, nếu xảy ra việc kiện tụng thì đối tượng phải là ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Dương Thụ cùng êkíp thực hiện “Chat Với Mozart” chứ không thể là vật vô tri như album này được!

Sau khi dẫn Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ (tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn), bà Thuỷ kết luận: “Vậy công nhận tác phẩm phái sinh tức công nhận quyền sáng tạo tác phẩm mới dựa trên những tác phẩm đã có. Album Chat Với Mozart là album ca khúc tiếng Việt (sáng tạo mới) dựa trên phần nhạc của các tác giả cổ điển (các nhạc sĩ Việt Nam không thay đổi nốt nhạc nào của tác phẩm nguyên bản)”.

Khá khen bà Thuỷ biết dùng thuật bắc cầu của toán học (A=B; B=C; vậy thì A=C) để chứng minh tính hợp pháp của Chat với Mozart. Tác phẩm phái sinh là “sáng tạo mới”, Chat Với Mozart là “sáng tạo mới”. Vậy nếu tác phẩm phái sinh là hợp pháp, Chat Với Mozart cũng hợp pháp. Tuy nhiên điều luật bà Thúy dẫn ra lại phản chính bà, hay nói đúng hơn “gậy bà đập lưng ông”.

Trước hết tại sao “tác phẩm phái sinh” thuộc quyền tài sản lại được bà viện dẫn thay vì tập trung bác quan điểm của tôi là êkíp thực hiện Chat Với Mozart xâm phạm quyền nhân thân của các tác giả cổ điển.

Đơn giản tác phẩm phái sinh là phạm trù duy nhất mà quyền tác giả cho phép sáng tạo trên cơ sở tác phẩm gốc. Do đó, hành vi đặt lời cho các nhạc phẩm cổ điển (không lời) của nhóm Mỹ Linh, Dương Thụ chỉ có thể là xâm phạm quyền tác giả.

Thực ra bà Thuỷ không lãng trí đến mức “nói trước quên sau”, không chỉ ngay cho độc giả xem đặt lời nằmở vị trí nào trong phạm trù tác phẩm phái sinh. Bởi làm như vậy là “tự phá” như trên vừa phân tích. Cho nên bà Thuỷ phải dùng chiêu lập lờ đánh lận con đen, chuyển hoá tác phẩm phái sinh thành “sáng tạo mới” để dễ bề lừa độc giả!

Bà Thuỷ còn viết rằng việc đặt lời cho nhạc phẩm không lời cũng đã có trên thế giới, nhiều làn điệu dân ca được đặt thêm lời mới…”người Trung Quốc không có suy luận kiểu ông Cù Huy Hà Vũ để buộc tội Nguyễn Du khi ông phóng tác một tác phẩm văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân (Kim Vân Kiều Truyện) thành một truyện thơ bất hủ”

Cứ cho rằng công dân nào đó của nước nào đó trên thế giới phổ lời các nhạc phẩm cổ điển nhưng họ không bị xử phạt hay bị kiện thì chuyện đó cũng không có gì là quá bất thường.

Có thể luật pháp nước đó không bảo hộ quyền tác giả. Có thể nước đó không tham gia Công ước Berne. Có thể quan chức có thẩm quyền ăn hối lộ mà nhắm mắt làm ngơ. Có thể chủ sở hữu tác quyền có liên quan chưa có thông tin về hành vi xâm phạm tác quyền nên chưa kiện, v.v…

Nhưng điều quan trọng hơn cả là mỗi quốc gia đều có luật pháp riêng biệt. Không thể lấy luật pháp của nước người áp vào nước mình. Ví như đừng thấy có những nước cho phép lấy bốn vợ thì ta cũng có quyền làm như vậy ở Việt Nam! Về phần làn điệu dân ca (tác phẩm khuyết danh tính tác giả), loại hình nghệ thuật này cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu Trí tuệ.

Điều 23 của Luật quy định tác phẩm nghệ thuật dân gian bao gồm “điệu hát, làn điệu âm nhạc” và tổ chức, cá nhân khi sử dụng phải dẫn chiếu xuất xứ và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm đó. Cụ thể hoá điều này, Nghị định 100/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự.

Luật Sở hữu Trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan tại Điều 20 quy định: “Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là việc nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm”.

Như vậy, Luật Sở hữu Trí tuệ và văn bản dưới luật không cho phép làm tác phẩm phái sinh cũng như phổ lời các làn điệu dân gian. Mặc dầu vậy, quan điểm cá nhân tôi cho rằng có thể đặt lời hoặc đặt lời mới cho làn điệu dân ca miễn là giữ gìn giá trị đích thực của làn điệu đó bởi dù sao Luật Sở hữu Trí tuệ không đặt vấn đề “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” như đối với tác phẩm có danh tính tác giả.

Còn lấy Truyện Kiều ra để biện hộ cho Chat Với Mozart thì quả thật ngớ ngẩn. Bà Thuỷ không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh vào thời Nguyễn Du luật pháp Trung Quốc có quy định bảo hộ quyền tác giả.

Kể cả có đi chăng nữa, người Trung Quốc cũng không thể buộc tội hay kiện Nguyễn Du xâm phạm quyền tác giả của Thanh Tâm Tài Nhân được!

Đơn giản là vì luật pháp Việt Nam thời Nguyễn không có quy định nào bảo hộ quyền tác giả và dĩ nhiên, càng không có chuyện bảo hộ tác quyền của người nước ngoài.

Tóm lại, một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp là bất hồi tố. Một hành vi không thể bị coi là vi phạm pháp luật một khi chưa được pháp luật điều chỉnh.

Tác phẩm sáng tác trên cơ sở phổ lời các nhạc phẩm không lời được công bố trước Pháp lệnh Bảo hộ Quyền Tác giả ngày 2/12/1994 không bị coi là xâm phạm quyền tác giả.

Nhưng bà Thuỷ viết “Một lời cáo buộc tầm phào, thiết nghĩ chỉ khiến người nghe phải bật cười. Thế nhưng, một chuyện tầm phào như vậy đã lôi được rất nhiều tờ báo vào cuộc, đẩy lên thành một scandal tầm ĩ , và đặc biệt, nó khiến cơ quan quản lý (Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội) rối như canh hẹ vì…không biết đúng sai thế nào”. Bà Thúy còn cho rằng sở dĩ như vậy là vì cơ quan này “không dám chịu trách nhiệm hay thiếu hụt sự hiểu biết cả về văn hoá lẫn luật pháp” để rồi kết luận “Sau Chat Với Mozart”, liệu còn sáng tạo nào nữa sẽ bị diệt vì sự thiếu hiểu biết này?”

Chuyện ai cười ai không quan trọng bằng ai là người cười sau cùng. Nhưng điều làm tôi quan tâm là cách diễn đạt của bà Thuỷ cũng như đối tượng bà nhằm vào. Bà Thuỷ phạm phải những sai lầm nghiêm trọng.

Thứ nhất, xử dụng từ “tầm phào” là sai bét. Theo Từ điển tiếng Việt (NXB KHXH 1988, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề tựa) “tầm phào” là “vu vơ, không nhằm mục đích gì cả” trong khi kiến nghị của tôi gửi Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội có mục đích rất rõ ràng. Những người thực hiện Chat Với Mozart phải bị xử phạt hành chính theo Nghị định 56 của Chính phủ. Phải chăng ý bà là “không đâu vào đâu cũng thành chuyện”?

Thứ hai, bà Thuỷ không có tự trọng. Một mặt bà chê báo chí vào cuộc vì chuyện “tầm phào” (hiểu theo nghĩa “không đâu vào đâu”) nhưng mặt khác bà lại phải cậy báo chí đưa nhời! Để tránh tiền hậu bất nhất, lẽ ra bà Thuỷ chỉ gửi thư cho các báo đề nghị đừng đăng ý kiến xoay quanh vụ bê bối này là đủ.

Đó là chưa nói theo Luật Báo chí, báo chí là “diễn đàn của nhân dân” và vì vậy cản trở báo chí đăng ý kiến của công dân dưới hình thức này hay hình thức khác là vi phạm pháp luật. Còn cái chuyện bà cáo buộc báo chí “đẩy lên thành một scandal tầm ĩ” thì báo chí sẽ trả lời vì đây không phải là trách nhiệm của tôi.

Thứ ba, những lời lẽ của bà Thuỷ dành cho Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội là sự xúc phạm và mâu thuẫn. Bằng việc không chấp nhận kiến nghị của tôi, cơ quan quản lý nhà nước này đã và đang ủng hộ chồng bà Thuỷ và nhóm thực hiện Chat Với Mozart đấy chứ!

Chả lẽ người ta ủng hộ mình lại là do “không dám chịu trách nhiệm hay thiếu hụt sự hiểu biết cả về văn hoá lẫn luật pháp”, do “không biết đúng sai thế nào”? Vậy nếu Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội làm ngược lại, tức theo kiến nghị của tôi, không hiểu bà Thuỷ sẽ phán Sở đến đâu nữa.

Bản thân tôi bị Sở bác mà cũng không dám phát ngôn như vậy. Tôi chỉ nói rằng Sở có quyền không chấp nhận kiến nghị của tôi nhưng mong rằng cơ quan này “dám làm, dám chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Tại sao Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội ủng hộ nhóm thực hiện Chat Với Mozart trong đó có chồng mình mà bà Thuỷ vẫn phản ứng đến như vậy?

Thì bà Thuỷ đã chẳng viết: “phía cấp phép vẫn thuyết phục nhóm thực hiện chương trình “tốt nhất là bỏ chương Chat Với Mozart đi”.

Chỉ đến khi nhóm tác giả này cương quyết sẽ huỷ bỏ toàn bộ chương trình nếu bị cắt một phần, giấy phép mới được cấp vào giờ chót!”. Nghĩa là Sở cấp phép một cách miễn cưỡng.

Về phần mình, tôi đồ rằng Sở làm như vậy là cực chẳng đã. Phần vì nhóm trên làm mình làm mấy như bà Thuỷ tự nói và phần chịu sức ép từ trong nhà.

Ông Trương Ngọc Ninh, nguyên Phó Giám đốc Sở, là thành viên hội đồng thẩm định chương trình biểu diễn của con dâu và con trai ông là Mỹ Linh và Anh Quân.

Tôi khẳng định việc ông Trương Ngọc Ninh có chân trong hội đồng trên là vi phạm nguyên tắc bảo đảm tính khách quan của công việc thẩm định
Yêu cầu pháp luật và thực tiễn cho thấy thành viên hội đồng thẩm định hay xét xử phải rút khi “đương sự” là người ruột thịt.

Còn chuyện bà Thuỷ viết rằng Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả Văn hóa Nghệ thuật Vũ Mạnh Chu khẳng định không có vấn đề vi phạm bản quyền trong trường hợp Chat Với Mozart?

Tôi không nghĩ rằng bà Thuỷ dám nói khống. Nhưng cổ nhân có câu “nói có sách, mách có chứng”. Nếu không có lập luận đàng hoàng dựa trên các quy định pháp luật cụ thể thì không thuyết phục được ai, không chỉ riêng tôi mà cả, và nhất là, công luận.

Bản thân tôi ngày 4/12 vừa qua đã gửi thư cho ông Cục trưởng Vũ Mạnh Chu đề nghị sớm cho tôi biết cơ sở pháp lý trong trường hợp ông khẳng định như vậy.

(nguồn sưu tầm)

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *