Ngân hàng có được quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần qua Tòa án không?

Chào Luật sư, mong Luật sư tư vấn cho tôi về việc ngân hàng có được quyền thu giữ, niêm phong nhà đất là tài sản thế chấp mà không cần xử lý tài sản thế chấp qua Tòa án và Cơ quan thi hành án hay không?

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của

>>

Chào Luật sư, tôi đang gặp phải một vấn đề như thế này: Năm 2013 tôi có vay vốn ngân hàng và thế chấp bằng tài sản là nhà đất mang tên vợ chồng tôi. Do tôi kinh doanh thua lỗ nên hiện không có đủ khả năng để trả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Hôm trước tôi có nhận được thông báo của bên Ngân hàng về việc thu giữ, niêm phong tài sản của tôi. Theo tôi được biết Ngân hàng muốn thu giữ bán đấu giá nhà đất của tôi thì phải khởi kiện lên Tòa án, khi có bản án của Tòa thì yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp. Việc Ngân hàng ra quyết định thu giữ niêm phong tài sản của tôi như vậy có đúng hay không? Mong nhận được giải đáp của Luật sư!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Xin giấy phép. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật dân sự 2015

– Nghị quyết 42/2017/QH14

2. Luật sư tư vấn:

Về việc xử lý tài sản thế chấp, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định các phương thức xử lý tài sản thế chấp như sau:

Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Căn cứ vào quy định trên, việc ngân hàng có được quyền bán đấu giá tài sản thế chấp hay không phụ việc vào việc trên hợp đồng thế chấp các bên có thỏa thuận được về việc phương thức xử lý tài sản thế chấp đó là Ngân hàng bán đấu giá tài sản. Bạn lúc đầu đồng ý, sau đó không đồng ý hoặc không đồng ý về một số vấn đề, thì ngân hàng cũng không xử lý được tài sản. Trường hợp này được coi là có tranh chấp và Ngân hàng phải nộp đơn khởi kiện lên Tòa án để có bản án, quyết định của Tòa án, sau đó đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp.

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của Ngân hàng, căn cứ Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực vào ngày 15/08/2017 quy định thì:

“Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này”.

Với quy định nêu trên, Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần phải thông qua tòa án để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên Ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện mà Ngân hàng khi tiến hành thu giữ tài sản như sau:

Thứ nhất, xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; và trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Thứ hai, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật.

Thứ ba, giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật.

Thứ tư, tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại Nghị quyết.

Khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, Ngân hàng phải công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ cho bên bảo đảm và các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Căn cứ vào quy định trên, bạn cần xem xét kỹ trong hợp đồng thế chấp có nội dung thỏa thuận về việc các bên đồng ý cho Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm hay không. Nếu có thì việc Ngân hàng thu giữ tài sản của bạn là có căn cứ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận số: để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *