Độc quyền rửa ảnh

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

TAND tỉnh An Giang vừa xử phúc thẩm một vụ án khá hay về việc vi phạm luật cạnh tranh. Theo đó tuyên Ban Quản lý Đội Nhiếp ảnh thị xã Châu Đốc và Doanh nghiệp tư nhân Th. (Ảnh màu Th.) phải bồi thường cho ba tiệm ảnh khác trên 330 triệu đồng vì đã vi phạm luật cạnh tranh, kinh doanh không bình đẳng.

Ký hợp đồng độc quyền rửa ảnh

Năm 1993, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Núi Sam được thành lập, mục đích giúp cho hoạt động hành nghề chụp ảnh của các bác “phó nháy” tại khu di tích chùa Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) nề nếp, trật tự hơn.

Sau đó, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Núi Sam đổi tên thành Đội Nhiếp ảnh thị xã Châu Đốc. Với khoảng 200 thợ chụp ảnh tham gia. Với lực lượng đông đảo này, mỗi ngày hàng ngàn bức ảnh của du khách do Đội thực hiện được rửa ra.

Từ khi thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Núi Sam cho đến năm 2007, bốn tiệm rửa ảnh là Ảnh màu Th., O1., O2. và Đ. thống nhất với Câu lạc bộ việc tráng rọi ảnh sẽ được xoay vòng giữa bốn tiệm này. Mỗi ngày các hội viên nhiếp ảnh đến rửa tại một tiệm.

Đầu năm 2008, do giá vật liệu phục vụ tráng rọi ảnh tăng cao, cả bốn tiệm đã đàm phán với Đội nhiếp ảnh Núi Sam theo hướng tăng giá rửa ảnh.

Trong khi các bên chưa ngã ngũ giá cả thế nào thì bỗng dưng Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Châu Đốc (tên gọi lúc bấy giờ) ký hợp đồng rọi ảnh độc quyền với Ảnh màu Th.. Một phó phòng của Phòng này đã ký tên chứng thực vào hợp đồng. Theo đó, gần 200 thợ chụp ảnh trong đội tập hợp toàn bộ số ảnh chụp trong ngày đem lại tiệm Th. rọi mà không được rọi ở ba tiệm còn lại như trước đây nữa.

>>

   

 

 Kiện vì cho rằng vi phạm luật cạnh tranh

Bị mất khách hàng truyền thống, ba tiệm rửa ảnh còn lại đã phản đối. Do vậy, bản hợp đồng nói trên được thanh lý.
Tuy nhiên, được một thời gian, Đội nhiếp ảnh Núi Sam lại tái ký hợp đồng rửa ảnh riêng với Ảnh màu Th. một lần nữa. Lần này hợp đồng còn được chứng thực của phòng công chứng đàng hoàng. Xem như “chính thức” loại các tiệm ảnh còn lại … khỏi cuộc chơi.

Bức xúc trước chuyện này, các tiệm trên đã gửi đơn khiếu nại. Nhưng kết quả không như ý.

Cuối cùng, ba chủ tiệm ảnh đã quyết định nộp đơn kiện Ban Quản lý Đội Nhiếp ảnh thị xã Châu Đốc và Ảnh màu Th.. Đơn kiện có nội dung yêu cầu tòa án hủy hợp đồng “độc quyền” nói trên và buộc các bị đơn phải bồi thường thiệt hại.

Cuối năm 2009, TAND thị xã Châu Đốc xử sơ thẩm đã bác đơn kiện của các nguyên đơn. Tòa cho rằng hai hợp đồng rửa ảnh trên không sai. Bởi Ban quản lý đội nhiếp ảnh không phải là cá nhân hay tổ chức kinh doanh nên không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh. Nhưng dù vậy, ban này vẫn có quyền làm đại diện cho các nhiếp ảnh viên để giao dịch và ký hợp đồng với Ảnh màu Th.

Phía nguyên đơn đã kháng cáo.

Khác với quan điểm của cấp sơ thẩm, ngày 12-3-2010 vừa qua, TAND tỉnh An Giang đã xét xử phúc thẩm vụ án này, chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Tòa cho rằng : bản hợp đồng trên có mục đích nhằm loại bỏ các tiệm rửa ảnh khác là không công bằng, vi phạm Luật Cạnh tranh. Chưa kể hợp đồng cũng không rõ ràng, không công khai giá rọi ảnh…

Ngoài ra, dựa vào các chứng từ, hóa đơn của cơ quan thuế, tòa xác định các nguyên đơn bị thiệt hại tổng cộng hơn 330 triệu đồng. Các bị đơn phải bồi thường cho các nguyên đơn số tiền này.

 

Cạnh tranh phải trung thực, sòng phẳng

Theo Luật Cạnh tranh, việc cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng… Cạnh tranh không lành mạnh (gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác…) sẽ làm phá vỡ các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại (hoặc có thể gây thiệt hại) cho người khác. Riêng các cơ quan nhà nước cũng không được phép phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường.

Trong kinh doanh, những thỏa thuận theo kiểu ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận… cũng đều bị nghiêm cấm.

Do vậy, theo tôi, trong vụ này, phán quyết của cấp phúc thẩm là hợp lý.

Luật sư PHAN THANH SƠN, Đoàn Luật sư tỉnh Dăk Lăk

(Nguồn : Báo Pháp luật TP.HCM)

 (: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *