Công ty tôi đi đổi hoá đơn

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Công ty tôi nhận Đăng ký kinh doanh từ ngày 11/4/1995. Trụ sở khi đăng ký kinh doanh là nhà riêng của một sáng lập viên tại số 4, nhà A 36 tập thể Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội. Nhưng để giao
dịch, kinh doanh từ đó đến nay chúng tôi đã chuyển 4 lần địa điểm gồm:

  • Lần thứ nhất, nhờ tại tầng 4 nhà 12 C2 Thái Hà.
  • Lần thứ hai thuê một căn hộ tại nhà số 5M12 Lô Láng Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Lần thứ ba, nhờ tại nhà số 5m16 Lô Láng Trung quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Lần thứ tư thuê một phòng tầng 4 trụ sở Công ty Tạp phẩm – bảo hộ lao động thuộc Bộ Thương mại tại số 30 Đoàn Thị Điểm.

Trong 4 lần thay đổi địa điểm, có hai lần phải trả tiền thuê nhà nhưng chỉ có lần thứ tư này là có được khấu trừ thuế, do đơn vị cho thuê là một cơ quan nhà nước.

Tất cả các lần thay đổi địa điểm, Công ty tôi đều gửi văn bản báo cáo với cơ quan Thuế, Sở KH và ĐT thành phố, thông báo với cán bộ chuyên quản thuế, mọi sự liên hệ giữa chúng tôi với cơ quan thuế chưa hề xảy ra một sự hiểu lầm nào . Lần này Công ty tôi không phải đi mua hoá đơn mới mà là đổi Hoá đơn cũ không còn giá trị sử dụng theo quy định của Tổng cục Thuế. Nhưng vẫn được hướng dẫn làm đủ các thủ tục như sau:

1.Làm đơn xin mua Hoá đơn (theo mẫu)

2. Photo bản Đăng ký kinh doanh của Công ty

3. Biên bản họp Hội đồng thành viên thống nhất thuê văn phòng mới.

4. Quyết định của Chủ tịch Hội đồng thành viên giao nhiệm vụ cho Giám đốc Công ty ký hợp đồng thuê văn phòng.

5. Công văn gửi cơ quan Thuế báo cáo về việc thuê văn phòng mới.

6. Hợp đồng thuê nhà làm văn phòng có xác nhận của phường nơi mở văn phòng (trường hợp của Công ty tôi không phải qua phường vì ký Hợp đồng với Cơ quan Nhà nước).

7. Vẽ sơ đồ trụ sở đăng ký kinh doanh (số 4 nhà A 36 tập thể Yên Lãng theo hướng dẫn phải qua phường xác nhận, nhưng có lẽ vì thấy Công ty tôi toàn các cụ tuổi 68 hoặc trên 70 nên có chiếu cố là sơ đồ này chỉ cần đóng dấu Công ty).

8. Photo mã số Thuế.

9. Bản cam kết sử dụng Hoá đơn.

10. Báo cáo sử dụng Hoá đơn.

11. Bảng kê hàng hoá dịch vụ bán ra.

12. Một xin mua Hoá đơn ghi người mua là Giám đốc do chính Giám đốc ký.

Sau khi có 12 loại giấy tờ trên, được cán bộ Thuế xác nhận là đủ, Giám đốc Công ty phải mang theo CMT đi cùng cô kế toán ra mua Hoá đơn. Sau khi qua cán bộ Thuế kiểm tra ký xác nhận, được cán bộ Thuế dẫn vào gặp cán bộ ký duyệt bán Hoá dơn (có lẽ vị này là cấp cán bộ phòng, sau khi xem xong hồ sơ của Công ty tôi đã nói: vì Công ty các bác thành lập từ lâu mà lúc đó trong giấy Đăng ký kinh doanh không ghi tên giám đốc công ty, nên phải về bổ sung biên bản phân công giám đốc và ghi rõ trách nhiệm của giám đốc được giao, tất nhiên cán bộ Thuế đã có lời xin lỗi vì khi xem hồ sơ đã sơ suất không để ý tới chi tiết này. Khi về xem lại bản phân công Giám đốc thời 1995 không thấy có ghi phần (trách nhiệm của giám đốc được giao) nên dặn nhau nếu có bị hỏi thêm về việc này thì cứ sự thực mà trình bày. Nhưng may sao không bị hỏi gì thêm.

 

Qua việc đi đổi Hoá đơn này, chúng tôi có một số cảm nhận như sau:

– Đúng là vừa qua có hiện tượng của một số doanh nghiệp lạm dụng Hoá đơn để chiếm dụng tiền Nhà nước, như các báo cáo đã được các Cơ quan Thông tin đại chúng đưa, sự việc này thực sự nghiêm trọng nhưng dù nghiêm trọng đến mấy thì đó vẫn chỉ là số ít, thậm chí rất ít trong tổng số của những người làm ăn chân chính, và hiện tượng gian lận này có thể còn được biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, nguyên nhân không phải không có trách nhiệm của Cơ quan Thuế nay vì một số ít người làm ăn sai trái lại bắt cả vạn doanh nghiệp phải vạ lây, đó là điều không công bằng. Hãy thử nhẩm tính xem, để làm các thủ tục trên và đi lại vài lần với hàng vạn doanh nghiệp thì xã hội đã tổn phí bao nhiêu thời gian, công sức và đã ai dám đảm bảo rằng làm như vậy sẽ không còn có hiện tượng lạm dụng Hoá đơn để kiếm lời bất chính.

– Không thể gọi đây là biện pháp quản lý hành chính đơn thuần, mà đây có thể hiểu như một mệnh lệnh hành chính, theo điều 41 của Luật Doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của Giám đốc Doanh nghiệp thì chữ ký của họ đã được pháp luật thừa nhận trong trường hợp này nếu họ đã thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của việc mua Hoá đơn, họ chỉ cần làm một Giấy giới thiệu rồi cử một cán bộ trong Công ty đi mua Hoá đơn là đủ, tại sao phải chính họ tự ký một Giấy giới thiệu và lại giới thiệu chính mình rồi cầm chính tờ giới thiệu đó kèm theo CMT nhân dân trực tiếp ra mua Hoá đơn, ở đây có một câu hỏi là cấp nào hoặc sự việc nào phải mời đích danh Giám đốc đến giải quyết? Ngay cả Cơ quan pháp luật như CA, Toà án, khi có việc cũng tùy mức mà làm Giấy mời hoặc Giấy triệu tập còn ở đây chỉ cần một ý kiến của cán bộ chuyên quản Thuế báo qua nhân viên kế toán Doanh nghiệp là Giám đốc phải mang theo Giấy giới thiệu và CMT ra trình trước cán bộ Thuế, mọi người đều biết đây là sự vô lý, trái pháp luật, nhưng vì sự sinh tồn của Doanh nghiệp nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

– Quy định này còn có khía cạnh bất công bằng ở chỗ, vì một số ít người làm sai lại bắt số đông phải gánh chịu, và tại sao chỉ bắt các Doanh nghiệp dân doanh làm thủ tục này, còn các Doanh nghiệp quốc doanh lại không? Điều đó có nghĩa là Nhà nước không tin vào chính sách, hôm nay bắt các Giám đốc Doanh nghiệp tự ra (trình diện) mua Hoá đơn, ngày mai lại có thể vì một lý do thuận tiện giữ mình của một cơ quan công quyền nào đó lại có thể có những quy định khác, mà không một Giám đốc Doanh nghiệp nào lường trước được.

– Những người ra các qui định này chắc chưa nghĩ đến hậu quả của nó là trong lúc Đảng và Nhà nước đang rất nỗ lực để củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực huy động nguồn lực trong dân. Chủ trương này như một gáo nước lạnh đổ lên đầu các Doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đây là sự việc thứ hai gây xôn xao dư luận sau vụ thu Thuế Môn bài (tuy đã có sửa sai, nhưng nội dung sửa sai lại thiếu sự minh bạch, vì không thấy đề cập đến việc hoàn lại số Thuế đã thu sai này).

– Những người ra các quy định này chắc cũng chưa nghĩ đến một hậu quả nữa là, việc bắt các Giám đốc Doanh nghiệp tự mình đi mua hoá đơn với các thủ tục phiền phức này, làm cho người ta cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi nhiều lúc tự nghĩ rằng hay vì mình lớn tuổi nên có mặc cảm chăng, nhưng khi hỏi một số các vị Giám đốc trẻ tuổi, thì họ còn có những suy luận gay gắt hơn chúng tôi nhiều.

Tôi không nghĩ rằng các cán bộ Thuế muốn gây phiền hà cho Doanh nghiệp mà không loại trừ vị họ lo sợ trước trách nhiệm mà cấp trên (khoán) cho họ nên tốt nhất là làm sao càng kỹ càng tốt, vì chúng tôi nghe cán bộ đi làm thủ tục về báo cáo thì không thấy ai chê trách thái độ của cán bộ Thuế và khi có thiếu sót trong hướng dẫn phải làm lại hoặc làm bổ sung thì sẵn sàng xin lỗi Doanh nghiệp, nên khó có thể bực mình vớihọ được.

 

Kiến nghị:

  1. Đầu tiên chúng tôi kiến nghị nhanh chóng bãi bỏ các qui định phiền hà trên hoặc ít nhất phải có biện pháp giảm bớt các thủ tục phiền hà, đặc biệt phải ngay lập tức bỏ quy định bắt Giám đốc trực tiếp đi làm việc này. Ngoài ra chúng tôi cũng kiến nghị về địa điểm trụ sở Công ty một thủ tục bắt buộc để mua Hoá đơn, đây là một quy định không sai, nhưng phải thấy đặc điểm của Doanh nghiệp chưa dễ khắc phục trong một thời gian ngắn, nếu không có cách nhìn nhận đúng, cùng tìm biện pháp giải quyết thì các Doanh nghiệp chỉ còn có hai cách, một là đóng cửa Doanh nghiệp đây, là điều mà cả Doanh nghiệpvà Nhà nước đều không muốn; hai là tìm mọi cách, không loại trừ cả nói dối để được tồn tại.
  2. Đã đến lúc phải làm rõ trách nhiệm của những người cho phép ban hành các quy định này, nếu cấp dưới tự đặt thêm các thủ tục để giữ an toàn cho mình thì cũng phải có thái độ xử lý nghiêm minh, phải tránh hiện tượng đã xảy ra nhiều lần là mỗi khi phát hiện thấy sai sót gì cần phải xử lý thì hầu như chỉ có người thừa hành phải chịu, còn người ra quyết định lại vô can (kể cả khi phải ra trước pháp đình).
  3. Hoàn trả lại các Doanh nghiệp phần Thuế Môn bài đã thu không đúng hoặc ít nhất cũng công khai cách giải quyết theo nguyên tắc không thể coi đó là chuyện đã rồi.
  4. Các Doanh nghiệp dân doanh hiện còn nhỏ và rất nhỏ, cho nên bất cứ chính sách nào không thấy rõ đặc điểm này thì chính sách đó không thể đi vào cuộc sống dễ dàng được. Hiện nay phổ biến là các cơ quan làm Luật đang phấn đấu để làm sao Luật càng đầy đủ, càng chi tiết để việc quản lý xã hội càng tốt hơn điều đó là đúng nhưng chắc phải có thời gian, do đặc điểm trên, nên nhiều luật khi xử lý trong cuộc sống thì cả người làm Luật lẫn đối tượng thi hành Luật đều cảm thấy chưa thực hiện ngay được, thí dụ Luật Môi trường, Luật Lao động v.v nếu cứ chiểu theo Luật để kiểm tra thì tuyệt đại bộ phận các Doanh nghiệp dân doanh đều có thể bị xử phạt, và trong một thời gian ngắn cũng chưa thể thực thi được. Riêng đối với Luật môi trường thì hầu hết các Doanh nghiệp quốc doanh cũng không dễ thực hiện ngay được, do đó chúng tôi kiến nghị gặp trường hợp đó, nếu các Cơ quan thực thi pháp luật thấy được các đặc điểm trên cùng hợp tác với Doanh nghiệp để có những kiến nghị hợp lýthì chắc chắn sự ngăn cách giữa Cơ quan công quyền với Doanh nghiệp sẽ gần nhau hơn và pháp luật sẽ dễ đi vào cuộc sống hơn.

Bộ phận thuế – Minh Khuê (biên tập)

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *