Tư vấn thủ tục thành lập và hoạt động đối với trường mầm non tư thục

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Xin chào Luật sư. Hiện tại tôi đang có dự định thành lập trường mầm non, tất cả vốn đầu tư do tôi tự bỏ ra. Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của Quý Luật sư giải đáp về trình tự, thủ tục để tôi có thể thành lập và triển khai hoạt động trường mầm non tư thục trong năm 2018 ? Cảm ơn Quý Luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn quý bạn đọc đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp của Công ty Xin giấy phép. Với nội dung câu hỏi này chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra câu trả lời như sau:

Trong trường hợp của anh/chị, do toàn bộ vốn đầu tư thành lập và hoạt động do anh/chị tự bỏ ra nên chúng tôi hiểu anh/chị đang có dự đinh thành lập, hoạt động trường mầm non tư thục.

Căn cứ tại Văn bản hợp nhất số: 04/VBHN-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24/12/2015, thì để có thể triển khai hoạt động, anh/chị phải thực hiện hai bước sau:

Bước 1: anh/chị xin thành lập trường mầm non tư thục;

Bước 2: anh/chị xin phép hoạt động giáo dục đối với trường mầm non tư thục;

Nội dung thủ tục cụ thể như sau:

1. Thủ tục thành lập trường mầm non tư thục

1.1. Điều kiện thành lập

Trường mầm non tư thục chỉ được thành lập khi có đủ các điều kiện sau:

Một là, có đề án thành lập nhà trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Hai là, đề án thành lập nhà trường, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường

1.2. Thẩm quyền cho phép thành lập

Hiện nay, tại khoản 1 Điều 9 của Văn bản hợp nhất số: 04/VBHN-BGDĐT thì Chủ tịch UBND cấp huyện là người có thẩm quyền quyết định cho phép thành lập đối với nhà trường mầm non tư thục.

1.3. Hồ sơ và trình tự, thủ tục cho phép thành lập trường mầm non tư thục

a) Hồ sơ cho phép thành lập nhà trường, bao gồm:

(1) Tờ trình đề nghị thành lập nhà trường của anh/chị, trong đó cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên nhà trường; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường;

(2) Đề án thành lập nhà trường, trong đó xác định sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị; tổ chức bộ máy hoạt động đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; các nguồn lực và tài chính; quy hoạch, kế hoạch và các giải pháp xây dựng, phát triển nhà trường trong từng giai đoạn.

Trong đề án cần nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện các kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong 3 năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển nhà trường, trong từng giai đoạn;

(3) Có văn bản về chủ trương giao đất hoặc hợp đồng nguyên tắc cho thuê đất, thuê nhà làm trụ sở xây dựng nhà trường, nhà trẻ với thời hạn dự kiến thuê tối thiểu 5 (năm) năm;

(4) Bản dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng trên khu đất xây dựng nhà trường hoặc thiết kế các công trình kiến trúc (nếu đã có trường sở), bảo đảm phù hợp với quy mô giáo dục và tiêu chuẩn diện tích sử dụng phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;

b) Trình tự, thủ tục cho phép thành lập nhà trường

Bước 1: Anh/chị lập hồ sơ theo quy định gửi UBND cấp huyện;

Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo và các phòng chuyên môn liên quan có ý kiến thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện thành lập nhà trường;

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của phòng giáo dục và đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định cho phép thành lập. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì Chủ tịch UBND cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Bước 4: Anh/chị nhận kết quả.

2. Thủ tục xin phép hoạt động giáo dục

2.1.1. Điều kiện hoạt động

Trường mầm non tư thục chỉ được phép hoạt động giáo dục khi có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, có quyết định cho phép thành lập nhà trường;

Thứ hai, có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;

Thứ ba, địa điểm xây dựng nhà trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy và người lao động;

Thứ tư, có từ ba nhóm trẻ trở lên với số lượng ít nhất 50 trẻ em và không quá 20 nhóm trẻ;

Thứ năm, có Chương trình giáo dục mầm non và tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Thứ sáu, có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và tổ chức các hoạt động giáo dục;

Thứ bảy, có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;

Thứ tám, có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Trong thời hạn 02 (hai) năm, nếu nhà trường, nhà trẻ có đủ các điều kiện quy định trên thì được cho phép hoạt động giáo dục. Hết thời hạn quy định nếu không đủ điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập nhà trường bị thu hồi.

2.2. Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục

Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện là người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với trường mầm non tư thục.

2.3. Hồ sơ, trình tự thủ tục cho phép hoạt động giáo dục

a) Hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục gồm:

– Bản sao chứng thực Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập nhà trường;

– Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục;

– Báo cáo chi tiết về tình hình triển khai Đề án đầu tư thành lập nhà trường. Báo cáo cần làm rõ những công việc cụ thể đã hoàn thành hoặc đang thực hiện: các điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, tài chính;

– Danh sách đội ngũ giáo viên trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; hợp đồng làm việc đã được ký giữa nhà trường với từng giáo viên;

– Danh sách cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt gồm Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, Trưởng các phòng, ban, tổ chuyên môn trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; hợp đồng làm việc đã được ký giữa nhà trường với từng cán bộ quản lý;

– Chương trình giáo dục mầm non, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non;

– Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện;

– Văn bản pháp lý xác nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê trụ sở nhà trường, nhà trẻ với thời hạn tối thiểu 5 (năm) năm;

– Các văn bản pháp lý xác nhận về số tiền hiện có do nhà trường đang quản lý, bảo đảm tính hợp pháp và cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng và chi phí cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường sau khi được cho phép hoạt động giáo dục; phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của nhà trường, trong giai đoạn 5 năm, bắt đầu từ khi nhà trường được tuyển sinh.

– Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường.

b) Trình tự, thủ tục cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường:

Bước 1: Trường mầm non chuẩn bị bộ hồ sơ;

Bước 2: Trường mầm non nộp tại Phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện.

Bước 3: Phòng giáo dục và đào tạo tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động giáo dục.

– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ tài liệu thì thông báo để nhà trường chỉnh sửa, bổ sung. Nếu hồ sơ đáp ứng đầy đủ các tài liệu quy định thì thông báo kế hoạch thẩm định thực tế tại nhà trường.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kế hoạch thẩm định thực tế, phòng giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các phòng có liên quan tổ chức thẩm định thực tế.

Bước 4: Sau khi thẩm định, nếu nhà trường đáp ứng các điều kiện quy định thì trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện ra Quyết định cho phép hoạt động giáo dục;

Bước 5: Trường mầm non nhận kết quả.

Trên đây là giải đáp của Công ty Xin giấy phép về Tư vấn thủ tục thành lập và hoạt động đối với trường mầm non tư thục?. Mọi vướng mắc, chưa rõ và cần hỗ trợ pháp lý vui lòng kết nối với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến: 0899456055 .

Rất mong được sự hợp tác pháp triển!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty Xin giấy phép

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *