Tư vấn giải quyết tranh chấp về bảo hộ nhãn hiệu sở hữu trí tuệ ?

Tranh chấp về quyền sở hữu đối với nhãn hiệu là điều mà các doanh nghiệp nên hết sức tránh phải đổi đầu bằng cách tự bảo vệ mình trước khi xảy ra các tranh chấp không đáng có. xin giấy phép phân tích một số tranh chấp điển hình và cách thức giải quyết tranh chấp này tại Việt Nam:

Mục lục bài viết

1. Cách giải quyết tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu độc quyền ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Công ty thương mại A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu RS (viết tắt tên nhãn hiệu do khách hàng cung cấp) và hình ngày 8/2/2014 và được cấp văn bằng bảo hộ ngày 25/02/2015 cho các sản phẩm thiết bị và dụng cụ y tế.

Trên cơ sở giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu được cấp, công ty A đã gửi công văn yêu cầu thanh tra bộ khoa học và công nghệ xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu RB và hình của công ty tnhh thương mại B. Được biết công ty B là đối tác kinh doanh và là một trong các đại lý phân phối sản phẩm thiết bị và dụng cụ y tế của công ty SI của Hàn Quốc. Công ty SI của Hàn Quốc đã bắt đầu đăng kí kinh doanh tại hàn quốc từ năm 1996 chuyên sản xuất các sản phẩm thiết bị và dụng cụ y tế và đăng kí nhãn hiệu RS và hình tại Hàn Quốc. Từ năm 2009, công ty SI đã tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại tại việt nam và bán các sản phẩm thiết bị và dụng cụ y tế.

Năm 2011, công ty SI tham gia triển lãm quốc tế ngành y dược của Việt Nam (medi vietnam-phamexpo) lần thứ 18 và trong thời gian triển lãm đã thiết lập quan hệ với nhiều đối tác của việt nam, trong đó có công ty B. Công ty A đã đặt hàng thông qua thư điện tử để mua các sản phẩm thiết bị và dụng cụ y tế của công ty SI trong các năm 2011, 2012, 2013. Tháng 8/2013, công ty A yêu cầu công ty SI cung cấp giấy ủy quyền để họ đấu thầu một dự án bệnh viện đa khoa ở tỉnh CT với gói thầu thiết bị xây lắp số 8 liên quan đến thiết bị y tế. Trong giấy tờ ủy quyền có nêu rõ công ty A là đại diện bán hàng hợp pháp của công ty SI. Hãy phân tích vụ việc và đưa ra giải pháp, căn cứ pháp lý để công ty SI có thể bảo vệ nhãn hiệu của họ tại việt nam ?

Cảm ơn Luật sư!

Tư vấn giải quyết tranh chấp về bảo hộ nhãn hiệu sở hữu trí tuệ ?

Luật sư tư vấn luật sở hữu trí tuệ trực tuyến, gọi ngay:

Trả lời:

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Điều 72 () quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ:

“Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”

Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nếu muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp thông qua một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam – Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Trong trường hợp, cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, phải nộp hồ sơ đăng ký thông qua đại diện hợp pháp (thực tế là tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp) tại Việt Nam.

Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ bao gồm:

+ Tên đầy đủ và địa chỉ, ĐT của người nộp đơn.

+ Mẫu nhãn hiệu dự định bảo hộ;

+ Danh mục hàng hoá và/ hoặc dịch vụ của đơn.

+ Giấy ủy quyền (đại diện cung cấp khi nhận được yêu cầu);

Hồ sơ đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp hồ sơ phải được làm bằng tiếng Việt. Cục Sở hữu trí tuệ xử lý hồ sơ đăng ký theo trình tự sau đây:

+ 1 tháng kể từ ngày nộp đơn là thời gian thẩm định về mặt hình thức.

+ 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ là thời gian công bố đơn.

+ Thời gian thẩm định nội dung là 8 tháng kể từ ngày công bố đơn.

+ Thời gian 1 tháng để cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ thường kéo dài hơn rất nhiều, từ 16 đến 18 tháng. Lý do là số lượng đơn trong Cục Sở hữu trí tuệ quá tải về số lượng, dẫn tới thời gian thẩm định có thể kéo dài hơn.

Trong trường hợp này, do phía công ty SI và đại diện phân phối ở Việt Nam là Công ty TNHH B chưa tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam nên không đương nhiên được bảo hộ nhãn hiệu. Nếu phía Công ty SI chứng minh được nhãn hiệu mà Công ty A đã đăng ký là nhãn hiệu của mình từ trước, có hợp đồng bán các sản phẩm cho công ty A và ủy quyền cho Công ty A làm đại diện thương mại cho mình tại Việt Nam thì có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ văn bằng bảo hộ đã cấp cho Công ty A và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Mất tiền tỷ vì bị từ chối bảo hộ nhãn hiệu

Mới đây, Công ty S. nhận được quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho công ty này (gọi tắt là cấp bằng). Công ty S. tạm tính việc từ chối này sẽ khiến công ty hao tốn vài tỷ đồng.

Ý tưởng trùng nhau

Cách đây hơn hai năm, Công ty S. nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xin được đăng ký nhãn hiệu “Boom Space Không gian bùng nổ” cho ba nhóm dịch vụ là dịch vụ quảng cáo, dịch vụ thiết kế quảng cáo và dịch vụ tổ chức sự kiện. Dự kiến nếu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng thì Công ty S. được độc quyền sử dụng nhãn hiệu này và không ai được dùng nhãn hiệu trùng hay tương tự.

Tuy nhiên, hơn một năm sau, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo rằng Cục dự định không cấp bằng cho nhãn hiệu này.

Sau đó, Công ty S. có gửi văn bản nêu ý kiến phản đối. Đến cuối tháng 6 vừa qua, Cục đã ra quyết định chính thức từ chối cấp bằng.

Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng nhãn hiệu “Boom Space Không gian bùng nổ” tương tự, gây nhầm lẫn với một số nhãn hiệu đã có đơn đăng ký trước đó. Cụ thể là nhãn hiệu “Boom.vn” do một công ty nộp đơn trước hai tháng; nhãn hiệu “Boom” và “Boom Online” do một công ty khác nộp đơn trước một tháng, nhãn hiệu “Space” do một công ty khác đã được bảo hộ…

Quảng bá trước, đăng ký sau: Quá mạo hiểm!

Công ty S. cho biết trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, công ty đã xem xét đến các nhãn hiệu khác có vẻ trùng, tương tự với nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, công ty cho rằng “Boom Space Không gian bùng nổ” hoàn toàn có thể được bảo hộ. Do đó, công ty không đồng ý với kết luận của Cục và sẽ có khiếu nại sau.

Công ty S. cho biết do nhu cầu kinh doanh cấp thiết nên công ty đã triển khai, quảng bá cho nhãn hiệu “Boom Space Không gian bùng nổ” từ đầu năm 2007 song song với việc đăng ký bảo hộ. Nếu không được bảo hộ, có thể công ty sẽ phải xây dựng nhãn hiệu khác. Hơn hai năm qua, công ty cũng đã tốn kém khá nhiều cho việc quảng cáo, khuếch trương. Chi phí xây dựng nhãn hiệu này lâu nay lên đến hàng tỷ đồng xem như mất không. Đó là chưa kể giá trị vô hình, vì hiện đã có rất nhiều khách hàng quen thuộc với nhãn hiệu này của công ty.

Ông Nguyễn Thành Long, Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh, cho biết doanh nghiệp thường gặp tình trạng sử dụng nhãn hiệu, quảng bá nhãn hiệu trong khi chưa chắc chắn có được bảo hộ độc quyền hay không. Khi nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ thì doanh nghiệp phải bỏ luôn nhãn hiệu đó, xây dựng nhãn hiệu khác. May mắn hơn thì doanh nghiệp có thể giữ lại một phần nhãn hiệu nhưng cũng phải thay đổi ít nhiều mới có thể được bảo hộ. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tốn kém chi phí để quảng bá nhãn hiệu mới.

Ông Long cũng cho biết thông thường khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể tra cứu những nhãn hiệu đã được nộp đơn đăng ký trước đó khoảng một tháng. Nếu thấy có khả năng nhãn hiệu bị từ chối thì doanh nghiệp có thể tìm phương án khác, thay đổi đơn. Sau khi nộp đơn khoảng sáu tháng, doanh nghiệp cũng cần tra cứu lại lần nữa xem trong thời gian qua có nhãn hiệu nào trùng, tương tự với nhãn hiệu của mình hay không. Đến lúc này, doanh nghiệp có thể chắc chắn hơn về khả năng được bảo hộ và có thể đưa nhãn hiệu vào sử dụng thực tế. Nếu có thể chờ được thì doanh nghiệp nên chờ có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xong xuôi rồi hẵng khai thác nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, việc chờ đợi kéo dài hàng năm trời có thể sẽ khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.

(Theo Quỳnh Như, báo Pháp luật TP. HCM)

(: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

3. Sẽ rút ngắn thời gian cấp bảo hộ nhãn hiệu

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đang xem xét rút ngắn thời gian cấp bảo hộ nhãn hiệu từ 12 tháng xuống còn 9 tháng.

>>

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng bị chiếm đoạt nhãn hiệu ở một số thị trường nước ngoài và phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để đòi lại.

Điển hình như nhãn hiệu bánh phồng tôm “Sa Giang” bị đối tác đăng ký tại Pháp và châu Âu, cà phê “Trung Nguyên” bị mất nhãn hiệu tại Mỹ, hay thuốc lá “Vinataba” bị đối tác đăng ký tại 12 nước (ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…).

Theo ông, đến thời điểm này, Việt Nam đã có khoảng 115.000 nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ trong nước và hơn 1.000 nhãn hiệu hàng hóa đăng ký bảo hộ tại nước ngoài.

So với năm trước, tỷ lệ tăng trưởng về nhãn hiệu đăng ký bảo hộ năm nay dự kiến đạt mức 20%.

4. Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài không quá khó ?

Trao đổi với VnExpress chiều nay, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, ông Lê Xuân Thảo nhận định, bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài không quá khó, chủ yếu là doanh nghiệp chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc làm này.

Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài?

– Việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Thường những nhãn hiệu có uy tín, như Cà phê Trung Nguyên, Vinataba… hay bị vi phạm, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Trên thực tế, nếu các doanh nghiệp muốn xác lập được thị trường ở nước ngoài thì trước hết, trong chiến lược tiếp cận, họ phải có kế hoạch về nhãn hiệu và bản quyền tại thị trường đó. Chẳng hạn, năm 2006 hàng hoá của mình sẽ sang Mỹ thì phải chuẩn bị làm hồ sơ và thủ tục giấy tờ ngay từ năm nay.

Nói tóm lại, chiến lược đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài phải gắn với chiến lược xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.

Hiện nay rất ít doanh nghiệp VN chú ý đến việc phải bảo vệ thương hiệu của mình ở các nước khác. Đó là do nhận thức của doanh nghiệp hay do quy trình đăng ký thương hiệu ở nước ngoài quá khó?

– Rõ ràng là hiện nay, rất nhiều nhãn hiệu hàng hoá bị vi phạm trắng trợn, một trong những nguyên nhân là do chính doanh nghiệp đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Thường thì các doanh nghiệp chỉ nhắm vào vấn đề marketing chứ không chú ý nhiều đến thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp không hiểu được khi đăng ký ở nước ngoài thì mình sẽ được hưởng lợi như thế nào, hiệu quả ra sao…

Việc đăng ký thương hiệu ở nước ngoài không phải là quá khó bởi trên thực tế chỉ có mấy thị trường chính. Đó là thị trường châu Âu, Mỹ, châu Phi, Nhật và Trung Quốc. Tuỳ từng nơi nhưng nói chung, thời gian đăng ký và được cấp bằng vào khoảng từ 12 đến 15 tháng. Chi phí cho một lần bảo hộ cũng chỉ khoảng 1.000-2.000 USD. Cứ 10 năm một lần, doanh nghiệp phải chi ra một khoản tiền nhất định để duy trì những thương hiệu đã đăng ký. So với những lợi ích mà doanh nghiệp thu được thì chi phí này là không đáng kể.

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, đến cuối năm 2003, số lượng nhãn hiệu hàng hoá mà các doanh nghiệp ASEAN đăng ký bảo hộ tại VN nhiều gấp 3 lần so với nhãn hiệu hàng hoá VN đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Số nhãn hiệu của VN đăng ký ở nước ngoài theo Thoả ước Madrid cũng chỉ có 54 nhãn hiệu.

Ông có thể giải thích rõ hơn về quy trình đăng ký thương hiệu tại các thị trường nói trên?

Đối với các nước như Mỹ, Nhật, cách duy nhất để doanh nghiệp VN nhận được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá là đăng ký trực tiếp tại từng cơ quan sở hữu trí tuệ của họ.

Còn nếu đăng ký nhãn hiệu thông qua Thoả ước Madrid , đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu phải được làm bằng tiếng Pháp và phải kèm theo mẫu nhãn hiệu. Trong đơn cần chỉ rõ các nước thành viên Thoả ước Madrid mà người nộp đơn muốn nhãn hiệu được bảo hộ. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Nước xin đăng ký theo thoả ước này cũng đồng thời phải là nước thành viên của thoả ước.

Khác với hệ thống Madrid, đăng ký theo thể thức CTM của châu Âu không yêu cầu doanh nghiệp phải gia nhập vào hệ thống này. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký một lần thương hiệu sẽ được bảo hộ tại tất cả các nước ở châu Âu. Thể thức CTM có ưu điểm là thủ tục nộp đơn đăng ký đơn giản, tiết kiệm chi phí. Người nộp đơn khi muốn chuyển đổi đơn đăng ký CTM thành đơn đăng ký quốc gia tại từng nước thuộc châu Âu sẽ được bảo lưu ngày nộp đơn CTM. Đơn đăng ký CTM khi bị từ chối đăng ký ở một trong các nước thành viên có thể chuyển đổi thành đơn đăng ký quốc gia ở các nước khác.

Rất nhiều người cho rằng, hệ thống thông tin cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở VN còn rất thiếu. Ý kiến của ông?

Hiện ở VN mới chỉ có 30 công ty hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ – con số này quả là ít ỏi nếu đem so sánh với các nước khác. Tuy nhiên theo tôi, những thông tin cơ bản về vấn đề này đã được các công ty sở hữu trí tuệ và Cục sở hữu trí tuệ VN đăng tải rộng rãi trên mạng Internet. Như vậy, doanh nghiệp không nên đổ lỗi do thiếu thông tin mà nên xem lại chính mình. Có thể thấy rằng, phần lớn doanh nghiệp trong nước còn cảm thấy mới mẻ và lạ lẫm với khái niệm sở hữu trí tuệ.

Ông có nhận xét gì về hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ hiện nay của VN?

– Hiện nay, VN chưa có luật về sở hữu trí tuệ, song các luật liên quan tới lĩnh vực này cũng đã liệt kê những đối tượng bảo hộ gần đủ so với thế giới. Tiêu chuẩn bảo hộ cũng đã phù hợp với thế giới. Chẳng hạn, sáng chế thì phải đảm bảo tính mới mẻ, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng trong công nghiệp.

Tuy nhiên, thủ tục dưới luật hiện còn rất rườm rà, chưa tạo điều kiện cho người nộp đơn. Không những thế, việc thực thi quyền vẫn tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn, doanh nghiệp nộp tiền cho nhà nước để đăng ký một nhãn hiệu, khi xảy ra vi phạm, đáng lý ra doanh nghiệp chỉ phải thông báo lên các cơ quan chức năng để giải quyết, thì doanh nghiệp lại phải là người làm từ A đến Z, từ thu thập điều tra chứng cứ đến làm đơn kiện lên toà…

Ông có lời khuyên gì muốn gửi tới các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, nhất là khi VN chuẩn bị ra nhập Tổ chức thương mại Thế giới WTO?

Theo tôi, trước hết doanh nghiệp nên “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu” như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu. Muốn thế, doanh nghiệp nên có bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Nếu tự mình không bảo vệ được, thì doanh nghiệp có thể nhờ sự giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng, hay thông qua các công ty sở hữu trí tuệ có uy tín ở trong nước.

: (biên tập)

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH MINH KHUÊ

Điện thoại yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn luật Sở hữu Trí tuệ: 0986.386.648

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email:

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *