Tranh chấp về quyền phát sóng phim

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Gần hai năm trước, Công ty Ảnh Vương đã nộp đơn kiện Công ty Phượng Tùng ra TAND TP.HCM vì cho rằng “đối thủ” đã xâm phạm đến quyền phát sóng độc quyền, làm thiệt hại 100% tiền mua bản quyền của mình. Tuy nhiên, đeo được một thời gian, nguyên đơn đã rút yêu cầu…

Đòi bồi thường hơn 800 triệu đồng vì cho rằng bị đơn xâm phạm quyền phát sóng phim Hoàng Phi Hồng, Dì Thập Tam và Đấu Sỹ Thiên Vương.

Bị phát sóng trước

Ảnh Vương trình bày công ty đã mua quyền phát hành bộ phim Hoàng Phi HồngDì Thập Tam từ Công ty San Yang (Mỹ). Vì thế, từ năm 2005 đến 2010, công ty được độc quyền phát hành phim trên truyền hình ở Việt Nam.

Đến đầu năm 2008, San Yang giao giấy chứng nhận bản quyền, chuyển hai bộ phim trên cho Ảnh Vương để phát sóng trên Đài PT-TH Bình Dương… Tiếp đó, sau khi đã nhận ủy thác nhập khẩu của Ảnh Vương, Trung tâm Dịch vụ PT-TH Bình Dương đã nhập khẩu 40 đĩa phim này từ San Yang.

Nhưng trong khi Ảnh Vương đang làm thủ tục xin giấy phép phổ biến phim thì Phượng Tùng lại cung cấp hai bộ này cho đài TH Bắc Giang, Bắc Ninh phát sóng vào tháng 7, tháng 8-2008.

Ảnh Vương liền khởi kiện, yêu cầu ngay lập tức đình chỉ phát sóng hai bộ phim trên hai đài Bắc Ninh, Bắc Giang, đồng thời buộc Phượng Tùng bồi thường hơn 800 triệu đồng cho các khoản mua bản quyền, tổn thất cơ hội kinh doanh…

Ít lâu sau, Ảnh Vương lại cho rằng tháng 9-2008, Phượng Tùng tiếp tục xâm phạm khi cho phát phim Đấu Sỹ Thiên Vương trên các đài Hà Nội 2, Hậu Giang, Kiên Giang. Từ đó, Ảnh Vương thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, buộc Phượng Tùng bồi thường gần 125 triệu đồng vi phạm quyền phát sóng bộ phim Hoàng Phi Hồng... Riêng với vụ Đấu Sỹ Thiên Vương, Phượng Tùng phải bồi thường gần 700 triệu đồng. Tổng cộng hai khoản là hơn 800 triệu đồng.

>>    

 

Hòa giải không thành

Ngược lại, Phượng Tùng nói phim Hoàng Phi Hồng, Dì Thập Tam là của mình và được toàn quyền khai thác ở Việt Nam. Từ đó, Phượng Tùng yêu cầu tòa buộc Ảnh Vương phải bồi thường 800 triệu đồng tiền thất thu trong kinh doanh.

Giải quyết vụ án, hòa giải lần thứ nhất, tòa đã bác yêu cầu khởi kiện bổ sung của Ảnh Vương do vượt quá phạm vi ban đầu. Đồng thời, tòa cũng không hòa giải thành phần còn lại do hai bên không ai chịu ai. Chưa kể, khi làm việc, Phượng Tùng khẳng định đã liên lạc với Fafilm Việt Nam mua quyền phát hành nên cần phải đưa đơn vị này tham gia…

Yêu cầu này sau đó đã được tòa đáp ứng. Tuy nhiên, trong các phiên hòa giải sau, hai bên vẫn không có được tiếng nói chung.

Đình chỉ vì nguyên đơn rút đơn

Sau một thời gian đeo đuổi, giữa năm 2009, Ảnh Vương đã rút đơn khởi kiện. Công ty này cho biết đang khó khăn khi liên hệ với nhà sản xuất phim do việc mua bản quyền phim qua trung gian và xảy ra đã lâu, từ năm 2004. Do vậy, công ty chưa thể cung cấp cho tòa bản chính phát sóng. Trước yếu tố này, TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Phía Fafilm Việt Nam kháng cáo, yêu cầu hủy quyết định đình chỉ trên để tiếp tục giải quyết yêu cầu của mình. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác vì của Fafilm đến sau khi tòa sơ thẩm ra quyết định đình chỉ. HĐXX cũng nhận định nếu Fafilm muốn xem xét yêu cầu của mình có thể khởi kiện một vụ án khác với bị đơn là Công ty Ảnh Vương.

Rối vì nhiều công ty có quyền khai thác

Trước đó, được đưa vào vụ án, Fafilm Việt Nam cho rằng mình có giấy chứng nhận quyền khai thác phim Hoàng Phi Hồng, Dì Thập Tam của Công ty Khổng Thị Hong Kong. Trước đó, Khổng Thị Hong Kong đã chuyển giao quyền phát hành bộ phim cho Công ty Điện ảnh Thịnh Thế. Và công ty này đã chuyển giao quyền phát hành phim này cho Fafilm… Fafilm phản tố, yêu cầu tòa xác định quyền phát hành bộ phim Hoàng Phi HồngDì Thập Tam là của mình.

Trước lý lẽ của Fafilm, Ảnh Vương yêu cầu cung cấp các chứng cứ chứng minh quyền phát hành bộ phim trên cùng giấy phép phổ biến phim do Cục Điện ảnh ký.

Phản bác, Fafilm nhấn mạnh theo Luật Điện ảnh, giám đốc các đài PT-TH được quyền ký các quyết định phát sóng các bộ phim trên đài của mình. Còn Cục Điện ảnh chỉ cấp giấy phép cho việc phát hành phim bằng video.

Đáp lại, Ảnh Vương cho rằng giám đốc của đài PT-TH chỉ được ký quyết định phát sóng với những bộ phim mà đài đó nhập khẩu và hợp tác sản xuất. Còn trong các trường hợp khác phải có giấy phép phổ biến của Cục Điện ảnh.

Hai bên không ai chịu ai cho đến khi Ảnh Vương rút đơn kiện…

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – HOÀNG YẾN

Trích dẫn từ: http://phapluatp.vn/

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

 

 

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *