Tìm hiểu luật đa dạng sinh học và luật công nghệ cao

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Hiện nay có rất nhiều định nghĩa về đa dạng sinh học, song định nghĩa chung nhất và phổ biến nhất được quy định trong Công ước quốc tế về đa dạng sinh học. Theo đó, “Đa dạng sinh học” có nghĩa là tính (đa dạng) biến thiên giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn bao gồm các hệ sinh thái tiếp giáp, trên cạn, biển, các hệ sinh thái thuỷ vực khác và các hệ sinh thái phức hợp khác mà chúng là một phần.

 

Phần thứ nhất

GIỚI THIỆU

LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

A.     MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

I. ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CÁC HỆ SINH THÁI ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI

 

  1. Khái niệm đa dạng sinh học

Hiện nay có rất nhiều định nghĩa về đa dạng sinh học, song định nghĩa chung nhất và phổ biến nhất được quy định trong Công ước quốc tế về đa dạng sinh học. Theo đó, “Đa dạng sinh học” có nghĩa là tính (đa dạng) biến thiên giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn bao gồm các hệ sinh thái tiếp giáp, trên cạn, biển, các hệ sinh thái thuỷ vực khác và các hệ sinh thái phức hợp khác mà chúng là một phần. Tính đa dạng này thể hiện ở trong mỗi bộ loài, giữa các loài và các hệ sinh thái (Điều 2 của Công ước).

Có thể coi đa dạng sinh học là khái niệm bao hàm đa dạng hệ sinh thái (số lượng các loài trong quần xã), đa dạng loàiđa dạng di truyền (tức là sự phong phú về gen).

–         Đa dạng hệ sinh thái: là tất cả mọi sinh cảnh, mọi quần xã sinh vật và mọi quá trình sinh thái khác nhau, cũng như sự biến đổi trong từng hệ sinh thái. Hiện nay không có định nghĩa và phân loại thống nhất về đa dạng hệ sinh thái ở mức toàn cầu, việc đánh giá định lượng về tính đa dạng ở mức quần xã, nơi cư trú hoặc hệ sinh thái còn gặp nhiều khó khăn do ở mỗi khu vực, mỗi vùng thì độ phong phú của các loài và các kiểu dạng loài là khác nhau.

–         Đa dạng loài là số lượng và sự đa dạng của các loài trong một khu vực, một vùng hoặc một nơi cư trú nhất định. Đa dạng hệ sinh thái thường được đánh giá qua tính đa dạng các loài thành viên, ví dụ, một loài cây của rừng mưa nhiệt đới là nơi cư trú của một hệ động vật không xương sống bản địa với một trăm loài, thì sự đa dạng sinh học lớn hơn so với một thực vật núi cao châu Âu không có một loài sinh vật nào phụ thuộc vào

–         Đa dạng di truyền là sự đa dạng, khác biệt về thành phần gen giữa các cá thể trong một loài, một quần xã hoặc giữa các loài, các quần xã. Một biến dị gen xuất hiện ở một cá thể do đột biến gen hoặc nhiễm sắc thể, ở các sinh vật sinh sản hữu tính có thể được nhân rộng trong quần thể nhờ tái tổ hợp.

Trong Luật đa dạng sinh học của nước ta được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, định nghĩa: Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Gen là một đơn vị di truyền, một đoạn của vật chất di truyền quy định các đặc tính cụ thể của sinh vật. Hệ sinh thái là quần xã sinh vật và các yếu tố phi sinh vật của một khu vực địa lý nhất định, có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau. Hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái hình thành, phát triển theo quy luật tự nhiên, vẫn còn giữ được các nét hoang sơ. Hệ sinh thái tự nhiên mới là hệ sinh thái mới hình thành và phát triển trên vùng bãi bồi tại cửa sông ven biển, vùng có phù sa bồi đắp và các vùng đất khác (Điều 3, Luật đa dạng sinh học năm 2008).

Tìm hiểu luật đa dạng sinh học và luật công nghệ cao

Ngoài ra đa dạng sinh học còn được định nghĩa trong Luật bảo vệ môi trường năm 2005 như sau: “Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái” (Khoản 16, Điều 3).

 

  1. Vị trí, vai trò của đa dạng sinh học

Cuộc sống của con người hoàn toàn phụ thuộc vào các hệ sinh thái để tồn tại và phát triển. Các hệ sinh thái trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp cho con người không khí, thức ăn, nước, năng lượng, nơi cư trú, dược phẩm (thuốc chữa bệnh), nguyên liệu để con người chế tạo ra các vật dụng phục vụ cuộc sống và bảo vệ con người trước những tai hoạ. Các hệ sinh thái lọc sạch không khí và nước, duy trì đa dạng sinh học, phân huỷ và tái quay vòng các chất dinh dưỡng, cũng như đảm bảo các chức năng quan trọng khác làm cho Trái đất có sự sống.

Các thành phần trong sinh quyển vận động và liên kết lại với nhau tạo ra những sản phẩm cung cấp cho con người. Các mối liên hệ qua lại này cho thấy sẽ không thể quản lý loài nếu thiếu sự quản lý đặc điểm di truyền và nơi sống của chúng, cũng không thể có được những biện pháp bảo tồn tối ưu nếu không có sự hiểu biết về các mối quan hệ giữa đa dạng sinh học và nhu cầu của con người. Tính đa dạng loài và gen di truyền, nơi cư trú và hệ sinh thái trong một quốc gia là những nguồn tài nguyên quan trọng cần được sử dụng bền vững trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Cho dù một quốc gia có tính đa dạng sinh học cao hay không, thì việc quản lý sử dụng tài nguyên sinh vật của quốc gia đó nên là một ưu tiên quốc gia để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của con người và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ toàn cầu của quốc gia.

Đa dạng sinh học là yếu tố đặc biệt quan trọng, sống còn đối với phát triển bền vững, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

            – Về mặt môi trường, đa dạng sinh học có khả năng điều hoà khí hậu, điều tiết mọi biến động của môi trường do thiên nhiên tạo ra và bảo vệ môi trường trước những biến động đó. Chu kỳ quang hợp hay đồng hoá chất diệp lục và việc chuyển hoá các chất vô cơ thành hữu cơ của thực vật trong thiên nhiên đã tạo nên sự sống cho tất cả sinh vật trên Trái đất, trong đó có con người. Những khu rừng được mệnh danh “lá phổi thế giới” là bộ máy tự nhiên khổng lồ lọc khí cacbonic và tạo ôxy để có môi trường trong lành cho con người hô hấp. Các hệ thực vật có chức năng bảo vệ vùng đầu nguồn, vùng ven biển, bảo vệ đất trong việc chắn sóng, bão, lũ, điều chỉnh và ổn định đất trên các vùng đất dốc làm giảm tác hại của lũ lụt và xói mòn đất.

            – Về kinh tế, đa dạng sinh học là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nguyên liệu chế biến thuốc, nước và nguyên liệu trong sản xuất cho con người. Giá trị trực tiếp và quan trọng nhất của các loài đối với con người là dùng làm thức ăn, rất nhiều loài động, thực vật có thể ăn được và một số loài đã được đưa vào nuôi trồng để cung cấp thức ăn cho con người. Các loại dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ sức khoẻ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt ở các nước kém phát triển việc chăm sóc sức khoẻ, thuốc chữa bệnh chủ yếu bằng dược phẩm truyền thống (nước ta gọi là đông y, thuốc nam).

–         Ngoài ra, đa dạng sinh học còn mang lại những giá trị vật chất khác từ các hệ sinh thái tự nhiên hoặc bán tự nhiên, như là nơi giải trí, du lịch, giáo dục, nghiên cứu,… Đa dạng sinh học cũng phản ánh sự phong phú cùng những nét đẹp của thiên nhiên dành cho một quốc gia

Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học tỷ lệ nghịch với sự phát triển và tiến hoá của loài người. Cùng với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội và để đáp ứng nhu cầu của mình, con người đã áp dụng khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích của con người, để cải tiến cuộc sống, thậm chí con người còn điều khiển tự nhiên, làm thay đổi tự nhiên. Do vậy, các hệ sinh thái đều chịu tác động của loài người, bị thay đổi, và tiến tới bị huỷ diệt. Khi đa dạng sinh học bị xâm phạm thì sự tồn tại của con người trên Trái đất sẽ bị đe doạ. Con người sẽ bị cạn dần nguồn thức ăn, thuốc chữa bệnh, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh …

Hàng năm, trên thế giới hàng triệu hecta rừng nhiệt đới, rừng mưa ôn đới, các khu rừng lâu năm dần bị thu nhỏ hoặc bị tàn phá, sự phong phú về loài giảm sút nghiêm trọng. Đa dạng sinh học của các hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái biển cũng đối mặt với sự suy giảm và thoái hoá nghiêm trọng, đặc biệt các hệ sinh thái nước ngọt đang phải đối phó với các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Các hệ sinh thái biển cũng đứng trước sự suy giảm của nhiều quần thể loài đơn nhất và những biến đổi sinh thái quan trọng. Một trong những biến đổi toàn cầu rõ ràng nhất là sự xáo trộn chu trình cacbon, dẫn đến sự tăng đều đặn mức cacbonic trong khí quyển do quá trình sản xuất công nghiệp, do phá rừng, đốt rừng hoặc bị cháy rừng, gây ra hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ôzôn và sẽ biến đổi mạnh mẽ khí hậu toàn cầu, hiện tượng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ con người.

 

đang bị suy giảm với tốc độ nhanh, thể hiện sự suy giảm và tuyệt chủng của một số loài. Do vậy, năm 1948 tại Fontainebleau (Pháp), Liên hợp quốc đã thành lập Tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế, viết tắt là IUPN (International Union for the Protection of Nature) nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đến năm 1956 tổ chức này đổi tên thành Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, viết tắt là IUCN (International Union for Conservation of Nature). Đến nay, rất nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đã được thành lập, như Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế – WWF (World Wide Fund for Nature), Hội bảo tồn sinh học (Society for Conservation Biology), Trung tâm Giám sát bảo tồn toàn cầu – WCMC (World Conservation Monitoring Centre), Cơ quan Bảo tồn quốc tế – CI (Conservation International)…

  1. Các nguyên nhân của sự suy giảm đa dạng sinh học

Sự suy giảm đa dạng sinh học và sự tuyệt chủng các loài đã và đang là mối lo chung của toàn nhân loại, nhiều loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, diện tích đất rừng ngày càng bị thu hẹp do nạn phá rừng hoặc cháy rừng làm mất nơi cư trú, mất nguồn thức ăn của chúng, việc săn bắt bừa bãi, thay đổi khí hậu và con người lấn chiếm đất đai cũng làm thu hẹp không gian sống của các loài động vật.

Các nguyên nhân dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học:

–         Gia tăng dân số loài người đã khiến con người mở rộng nơi cư trú sinh thái của mình và sử dụng ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống. Các chính sách giãn dân, khuyến khích việc chuyển các lao động thất nghiệp lên vùng đất hoang để khai thác, xây dựng vùng kinh tế mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm loài, quần thể và hệ sinh thái.

–         Việc săn bắt các động vật hoang dã, khai thác gỗ, sợi, nông sản quá mức của con người đã làm giảm đa dạng sinh học.

–         Các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp của con người đã gây ô nhiễm môi trường, xâm lấn nơi cư trú của các loài động thực vật. Việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, dẫn và tiêu nước ở các vùng đất ngập nước, các hoạt động đánh cá huỷ diệt, chuyển các vùng đất hoang thành đất nông nghiệp, đất đô thị…làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên thiên nhiên.

–         Suy giảm theo quy luật tự nhiên: Theo thời kỳ địa chất, tất cả các loài đều có một khoảng thời gian tồn tại nhất định, do vậy, sự suy giảm và đi đến tuyệt chủng của loài là một quá trình tự nhiên mà không có sự can thiệp của con người.

–         Suy giảm do sự xâm phạm của các loài sinh vật ngoại lai: Sinh vật ngoại lai xâm hại là những loài không có nguồn gốc bản địa. Chúng xâm nhập vào môi trường mới bằng nhiều cách: theo gió, theo dòng nguồn nước, theo các dòng di cư hoặc do con người mang đến, khi đã thích nghi với môi trường sống mới, các loài sinh vật ngoại lai sinh trưởng và phát triển rất nhanh, chúng phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa, lây truyền dịch bệnh, cạnh tranh hoặc giao phối với các loài bản địa, sử dụng sinh vật bản địa làm thức ăn và tiêu diệt chúng. Ví dụ, ốc bươu vàng được nhập khẩu vào nước ta từ 10 năm trước đây, loài ốc này đã sinh nở rất nhanh, đã lan tràn từ Đồng bằng Sông Cửu Long ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phá hại nghiêm trọng lúa và hoa màu của các địa phương trên cả nước.

–         Sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu toàn cầu làm thay đổi môi trường sống của các loài, nếu chúng không thể thích nghi được với môi trường mới hoặc sự di cư thì khả năng bị suy giảm, thậm chí bị tuyệt chủng là điều khó tránh khỏi.

–         Sự thay đổi trong thành phần hệ sinh thái, chẳng hạn như mất hoặc suy giảm của một loài có thể dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học. Ví dụ, việc loại trừ chó sói châu Mỹ ở miền nam

 

California đã dẫn đến giảm sút các quần thể chim hót trong vùng. Bởi vì, khi quần thể chó sói châu Mỹ giảm sút, quần thể con mồi của chúng là gấu trúc Mỹ sẽ tăng lên. Do gấu trúc Mỹ ăn trứng chim, nên khi số lượng chó sói ít hơn thì số lượng gấu trúc ăn trứng chim lại nhiều lên, kết quả là số lượng chim sẽ ít đi.

 

Sự suy giảm đa dạng sinh học chủ yếu do các tác động và ảnh hưởng của con người vào môi trường tự nhiên và hầu như bất kỳ dạng hoạt động nào của con người cũng gây biến đổi môi trường tự nhiên. Để ngăn ngừa sự suy giảm đa dạng sinh học do con người gây nên, trước mắt cần ngăn chặn việc xâm lấn, khai thác, săn bắt và ban hành chính sách, luật, công bố các khu bảo tồn…

 

 

 

      II. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT

NAM VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC TRƯỚC KHI BAN HÀNH LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học bằng nhiều biện pháp như công bố các khu vườn quốc gia, ban hành các chính sách, văn bản pháp luật, ban hành Sách đỏ Việt Nam và tham gia các công ước quốc tế trong lĩnh vực đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, trước khi ban hành Luật đa dạng sinh học, Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học thống nhất. Các quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học đang nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý khác nhau và mỗi văn bản chỉ đề cập đến một hoặc vài khía cạnh của đa dạng sinh học, điều này đã làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

–   Hiến pháp năm 1980, tại Điều 36 quy định “Các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sống”.

–   Hiến pháp năm 1992, tại Điều 29 cũng quy định “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường”.

–   Từ những năm 1970 nước ta đã tiến hành những hoạt động đầu tiên nhằm bảo tồn thiên nhiên, đó là việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng ngày 06 tháng 9 năm 1972. Theo Pháp lệnh, “Rừng là một bộ phận của môi trường sống, là tài sản quý báu của nước ta, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và văn hoá công cộng. Việc bảo vệ rừng phải do Nhà nước và toàn dân cùng làm…”. Pháp lệnh quy định: Cấm phá rừng. Những rừng tự nhiên và rừng trồng đều phải được bảo vệ nghiêm ngặt (Điều 3); Cấm mọi hành động chặt cây rừng trái với các điều quy định của Nhà nước (Điều 4); Cấm phát rừng, đốt rừng để làm nương rẫy; Cấm đốt lửa trong rừng và ven rừng để dọn đường, hạ cây, lấy củi, săn bắt thú rừng. Chính phủ quy định những khu rừng cấm nhằm bảo vệ thiên nhiên… ở những khu rừng này, cấm chặt cây, cấm săn bắn chim muông, thú rừng. Hội đồng Chính phủ quy định những loại thực vật, động vật quý và hiếm trong rừng cần phải đặc biệt bảo vệ và chế độ bảo vệ các loại đó. Đặc biệt, pháp lệnh đã quy định thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gọi là Kiểm lâm nhân dân.

–   Đến năm 1991, trên cơ sở của Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng năm 1972 và để đáp ứng tình hình thay đổi của đất nước, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật bảo vệ và phát triển rừng, theo Luật này, rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi huỷ hoại tài nguyên rừng. Việc khai thác các loại thực vật rừng, săn bắt động vật rừng phải tuân theo quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng; những loài thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm phải được quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt (Điều 19). Danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm do Hội đồng bộ trưởng quy định. Nghiêm cấm mọi hành vi phá rừng, đốt rừng; lấn, chiếm rừng, đất trồng rừng; khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng, chăn thả gia súc vào rừng trái quy định của pháp luật. Việc nhập nội giống thực vật rừng, động vật rừng phải bảo đảm những nguyên tắc sinh học và những quy định về kiểm dịch quốc gia, không gây hại đến hệ sinh thái và phải được Bộ Lâm nghiệp cho phép. Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 là một trong những luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ, xây dựng, phát triển, khai thác và sử dụng rừng; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm; góp phần vào việc phòng chống thiên tai.

Qua hơn mười năm thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991, tình trạng tàn phá rừng đã giảm, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc đã được phủ xanh, nhiều khu rừng được phục hồi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đổi mới đất nước, tình hình phát triển về kinh tế – xã hội của đất nước có nhiều thay đổi, nhiều quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước và công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 là cần thiết. Ngày 03 tháng 12 năm 2004 Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ và phát triển rừng mới thay thế Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991. Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 ra đời đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như giao rừng cho cộng đồng thôn, bản quản lý; vấn đề cho thuê rừng và đất lâm nghiệp; vấn đề xác định chủ rừng và quyền lợi, trách nhiệm của các chủ rừng; vấn đề triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, trấn áp các hành vi phá hoại tài nguyên rừng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững trong lâm nghiệp, nông nghiệp…

 

 

 

         Việc sử dụng tài nguyên không hợp lý cùng với hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh đã làm mất đi một nửa diện tích rừng, làm cho 40% diện tích lãnh thổ trở thành đất trống, đồi núi trọc, trơ sỏi đá; thế giới động vật, thực vật và nguồn lợi thuỷ sản bị suy giảm; chất lượng của môi trường có xu hướng giảm sút. Đó là nguy cơ lớn đối với quốc gia và dân tộc. Để khắc phục tình trạng này, ngày 20 tháng 9 năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị quyết số 246/HĐBT về việc đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mục đích của Nghị quyết đối với vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học là “Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, khôi phục và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ vốn gien tự nhiên, khôi phục và phát triển tài nguyên sinh vật, sử dụng hợp lý và tổng hợp các tài nguyên khoáng sản, đất, nước, rừng, biển, khí hậu, du lịch, từng bước khắc phục hậu quả về nhiều mặt của chiến tranh, bảo vệ có hiệu quả các hệ sinh thái trong điều kiện nhiệt đới của nước ta, chủ động đề phòng, ngăn chặn các tác động có hại đối với môi trường và tài nguyên”. Kể từ đây công tác bảo vệ môi trường đã thực sự trở thành sự nghiệp của Nhà nước, của toàn dân.

 

–   Các vấn đề môi trường luôn được kết hợp xem xét trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993 đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật về môi trường ở Việt Nam và tạo những chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế.

–   Ngày 25 tháng 6 năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm mục tiêu ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường của những nơi, những vùng đã bị suy thoái, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

 

 

         Tuy nhiên, trước những áp lực của tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự diễn biến sôi động và toàn diện của toàn cầu hoá và hội  nhập kinh tế quốc tế, Luật bảo vệ môi trường năm 1993 đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do vậy, ngày 29 tháng 11 năm 2005 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt

 

Nam khoá XI kỳ họp thứ 8 thông qua Luật bảo vệ môi trường mới thay thế Luật bảo vệ môi trường năm 1993. Theo Luật này “Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học. Đặc biệt, Điều 7 của Luật quy định những hành vi nghiêm cấm: Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật; khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép; xâm hại di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên…

         Trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học, Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định: Nhà nước thành lập các ngân hàng gen để bảo vệ và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm; khuyến khích việc nhập nội các nguồn gen có giá trị cao. Các loài động vật, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng phải được: Lập danh sách và phân nhóm để quản lý theo mức độ quý hiếm, bị đe doạ tuyệt chủng; phải xây dựng kế hoạch bảo vệ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc săn bắt, khai thác, kinh doanh, sử dụng; thực hiện chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ theo chế độ đặc biệt phù hợp với từng loài; phát triển các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

–   Luật Thuỷ sản được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003 quy định việc khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn thuỷ sản. Nguyên tắc hoạt động thuỷ sản phải bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Luật thuỷ sản năm 2003 quy định 18 hành vi bị cấm, trong đó nghiêm cấm nhiều hành vi làm tổn hại đến giống, loài và môi trường, như: Khai thác, huỷ hoại trái phép các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác; phá huỷ, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản ở sông, hồ, đầm, phá, eo, vịnh; khai thác các loài thuỷ sản thuộc danh mục cấm kể cả cấm có thời hạn, trừ trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học được Chính phủ cho phép; khai thác thuỷ sản nhỏ hơn kích cỡ quy định, trừ trường hợp được phép khai thác để nuôi trồng; lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn; khai thác thuỷ sản ở khu vực cấm, khu vực đang trong thời gian cấm; khai thác quá sản lượng cho phép; sử dụng thuốc, phụ gia, hoá chất thuộc danh mục cấm sử dụng để nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo quản thuỷ sản; đưa tạp chất vào nguyên liệu, sản phẩm thuỷ sản; thả thuỷ sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh vào nơi nuôi trồng hoặc vào các vùng nước tự nhiên…Việc khai thác thuỷ sản ở vùng biển, sông, hồ, đầm và các vùng nước tự nhiên phải bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, phải tuân theo các quy định về mùa vụ khai thác, thời hạn khai thác, vùng khai thác, chủng loại, kích cỡ và sản lượng được phép khai thác. Để bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Nhà nước ban hành các chính sách bảo tồn, đặc biệt là các loài thuỷ sản đang có nguy cơ tuyệt chủng, các loài quý, hiếm, các loài có giá trị kinh tế cao và các loài có ý nghĩa khoa học. Mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản, thực hiện các nghĩa vụ về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

–   Bên cạnh những văn bản pháp luật nói trên, Nhà nước ta cũng đã ban hành các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học nhằm ngăn ngừa, giáo dục và  răn đe, trừng phạt đối tượng có hành vi vi phạm, đồng thời cũng để tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn đa dạng sinh học. Bộ luật hình sự dành một chương (Chương XVII) quy định các tội phạm về môi trường. Điều 175 quy định tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng,  Điều 176 quy định tội vi phạm các quy định về quản lý rừng, Điều 182. Tội gây ô nhiễm không khí, Điều 183. Tội gây ô nhiễm nguồn nước, Điều 184. Tội gây ô nhiễm đất, Điều 185. Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, Điều 187. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật, Điều 188. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản, Điều 189. Tội huỷ hoại rừng, Điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, Điều 191. Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên). Người có hành vi phạm tội, tuỳ theo mức độ vi phạm nghiêm trọng và tính chất nguy hiểm có thể bị phạt tiền đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù đến mười lăm năm.

–   Quyết định số 845/TTg ngày 22 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam nhận định: Việc gia tăng quá nhanh dân số nước ta, việc diện tích rừng bị thu hẹp, việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển, việc áp dụng quá rộng rãi các giống mới trong sản xuất nông nghiệp… đã dẫn tới sự thu hẹp hoặc mất đi các hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ tiêu diệt 28% loài thú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư. Sự mất đi của một số loài là mất vĩnh viễn, đồng thời mất luôn cả nguồn tài nguyên di truyền. Trên thực tế, tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của ta nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Mục tiêu lâu dài của Kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam năm 1995 là bảo vệ đa dạng sinh học phong phú và đặc sắc của Việt Nam trong khuôn khổ phát triển bền vững. Kế hoạch cũng nêu ra mục tiêu trước mắt cần triển khai ngay là phải bảo vệ các sinh thái đặc thù của Việt Nam, các hệ sinh thái nhạy cảm đang bị đe doạ thu hẹp hay huỷ hoại do hoạt động kinh tế của con người. Bảo vệ các bộ phận đa dạng sinh học đang bị đe doạ do khai thác quá mức hay bị lãng quên. Phát huy và phát hiện các giá trị sử dụng của các bộ phận đa dạng sinh học trên cơ sở phát triển bền vững các giá trị tài nguyên, phục vụ các mục tiêu kinh tế của đất nước.

–    Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ hai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2007 về phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học”. Kế hoạch đề ra 16 mục tiêu cụ thể đến năm 2010 là:

+ Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống rừng đặc dụng (góp phần đạt tỷ lệ che phủ rừng 42 – 43%);

 

 

+ Phục hồi 50% diện tích rừng đầu nguồn đã bị suy thoái;

+ Bảo vệ có hiệu quả các loài động, thực vật quý, hiếm, nguy cấp có nguy cơ bị tuyệt chủng;

+ Bảo tồn 3 khu di sản thiên nhiên thế giới hoặc khu dự trữ sinh quyển thế giới và 5 khu di sản ASEAN được công nhận;

+ Nâng tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước và biển có tầm quan trọng quốc tế và quốc gia lên trên 1,2 triệu ha;

+ Phục hồi 200.000 ha rừng ngập mặn;

+ Xây dựng 5 khu đất ngập nước được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar);

+ Công bố, hoàn thiện hệ thống bảo tồn nhằm bảo tồn có hiệu quả các giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật nông nghiệp bản địa, quý, hiếm, có giá trị kinh tế – xã hội cao;

+ Xây dựng và phát triển mô hình sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn và loại trừ việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các động thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp;

+ Kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn và loại trừ việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các động thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp;

+ Kiểm soát, đánh giá và ngăn chặn các loại sinh vật lạ xâm lấn;

+ Kiểm định 100% các giống, loài, nguồn gen sinh vật nhập khẩu;

+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đa dạng sinh học và an toàn sinh học;

+ Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, chú trọng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học và quản lý an toàn sinh học;

+ Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; phấn đấu có trên 50% dân số thường xuyên được tiếp cận thông tin về đa dạng sinh học, an toàn sinh học và tham gia ý kiến trong việc ra quyết định cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học;

+ Bảo đảm 100% sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được phép lưu hành trên thị trường đã qua đánh giá rủi ro tại Việt Nam, được dán nhãn và bị theo dõi, giám sát theo quy định của pháp luật.

Định hướng đến năm 2020: Bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái phong phú của Việt Nam; quản lý an toàn sinh học một cách có hiệu quả để bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường và đa dạng sinh học; có những đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trong khu vực và toàn cầu; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học và an toàn sinh học mà Việt Nam là thành viên; Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật quản lý đa dạng sinh học và an toàn sinh học ở nước ta; Hoàn chỉnh hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (trên cạn, đất ngập nước và biển); phục hồi được 50% hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, nhạy cảm đã bị phá huỷ.

–  Ngày 26 tháng 8 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg ban hành quy chế quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen. Quy chế này quy định việc quản lý nhà nước về an toàn sinh học trong các hoạt động: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khảo nghiệm; sản xuất, kinh doanh và sử dụng; nhập khẩu, xuất khẩu, lưu giữ và vận chuyển; đánh giá, quản lý rủi ro và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen nhằm bảo vệ sức khoẻ con người, môi trường và đa dạng sinh học.

–    Ban hành Sách đỏ Việt Nam. Sách đỏ Việt Nam là danh sách các loài động, thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý, hiếm, đang bị đe doạ giảm sút về số lượng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khôi phục số lượng cá thể của các loài đang bị suy giảm. Sách đỏ Việt Nam do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thực hiện. Các tiêu chuẩn sử dụng trong Sách đỏ Việt Nam được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn của Sách đỏ IUCN. Sách đỏ Việt Nam góp phần vào việc đánh giá tình hình đa dạng sinh học ở Việt Nam, thể hiện một phần tình trạng sinh vật hoang dã trong thiên nhiên và dự đoán xu thế phát triển trong thời gian tới. Sách đỏ Việt Nam lần đầu tiên được xuất bản năm 1992 phần động vật và phần thực vật được xuất bản năm 1996. Sách đỏ Việt Nam đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được sử dụng rộng rãi ở các ngành, địa phương, làm căn cứ xem xét, đánh giá, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước về cấm săn bắt, khai thác, vận chuyển, buôn bán các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị đe dọa.

Kể từ khi ban hành Sách Đỏ Việt Nam 1992 – 1996, thực trạng thiên nhiên nước ta nói chung và đa dạng sinh học nói riêng đã có sự thay đổi. Nhiều loài động vật, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đã được bảo vệ, tình trạng săn bắt, chặt phá rừng đã hạn chế, không còn công nhiên như trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, xã hội và môi trường, khí hậu có những thay đổi đáng kể ảnh hướng tới đa dạng sinh học, do đó, việc cập nhật những thông tin mới là rất cần thiết. Sách đỏ Việt Nam năm 2004 đã được công bố nhằm đặt ra những nhiệm vụ cấp bách về bảo tồn tài nguyên sinh vật đang đứng trước sự suy giảm. So với số liệu công bố trong Sách đỏ Việt Nam 1992 – 1996 thì sự thay đổi các thành phần động vật, thực vật trong Sách đỏ Việt Nam năm 2004 đã ở mức báo động, cụ thể mức độ đe doạ của các loài trong Sách đỏ Việt Nam năm 1992 ở hạng nguy cấp thì năm 2004 đã thuộc diện rất nguy cấp hoặc bị coi là tuyệt chủng. Ngày 26 tháng 6 năm 2008, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 được công bố, theo số liệu trong tài liệu này thì Việt Nam có 882 loài ngoài tự nhiên (418 loài động vật, 464 loài thực vật) đang bị đe doạ. Trong đó có 116 loài động vật và 45 loài thực vật được coi là rất nguy cấp, đặc biệt có 9 loài động vật trước kia ở trong tình trạng đe doạ nhưng nay đã bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, lại có một số loài bị coi là tuyệt chủng trong tự nhiên hoặc bị tuyệt chủng ở Việt Nam thì được tìm thấy ở một số nước lân cận, đặc biệt có những loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao thì nay lại có dấu hiệu khôi phục số lượng cá thể và thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng cao nhờ những chính sách bảo tồn.

– Công bố các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Vườn quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được thành lập ngày 07 tháng 7 năm 1962 theo Quyết định số 72-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) nhằm bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh thái và các giá trị văn hoá, lịch sử. Để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam, Chính phủ đã công bố rất nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, như: Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (khu vực núi Phan-xi-păng, Lào Cai), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Tây trước đây, nay thuộc Hà Nội), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Vườn quốc gia Côn Đảo (đảo Côn Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu), Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), Vườn quốc gia Chư Mon Ray (Kon Tum), Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) …

         – Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và trước những biến động về môi trường, thiên nhiên, nhận thức vai trò to lớn của đa dạng sinh học đối với sự phát triển hiện tại và tương lai của cả loài người, Việt Nam đã tham gia rất nhiều các công ước quốc tế liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học nhằm bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam và toàn trái đất. Có thể kể đến một số thoả thuận và công ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Việt Nam đã tham gia như:

         + Công ước về đa dạng sinh học, 1992;

        + Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, 2000;

         + Công ước của Liên hợp quốc về sự biến đổi môi trường;

         + Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (còn gọi là Công ước Ramsar), 1971;

        + Nghị định thư bổ sung công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng, đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước, Pari, 1982;

        +  Cam kết quốc tế về phổ biến và sử dụng thuốc diệt côn trùng (còn gọi là Công ước FAO), 1985;

       + Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật, thực vật có nguy cơ bị đe dọa (còn gọi là Công ước CITES), 1973;

       + Công ước của Liên hợp quốc về sự biến đổi môi trường;

       + Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, 1992;

       + Công ước Viên 1985 về bảo vệ tầng ô zôn, 1985;

       + Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô zôn, 1987.

B.     NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

     I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC  

 

 

 

1. Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng vào bậc nhất thế giới. Các hệ sinh thái rừng, núi đá vôi, biển, ven biển, đất ngập nước, v.v…là nơi sinh sống và phát triển của nhiều loài hoang dã đặc hữu, có giá trị, trong đó có những loài không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Việt Nam cũng là nơi được biết đến với nhiều nguồn gen hoang dã có giá trị, đặc biệt là các cây thuốc, các loài hoa, cây cảnh nhiệt đới, v.v…. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

 

2. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường (bên cạnh các nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường) được đề cập đến trong Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các chủ trương trên của Đảng và Nhà nước chưa được luật hóa kịp thời, đầy đủ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

3. Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về đa dạng sinh học như: Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật bị đe dọa tuyệt chủng (CITES), Nghị định thư về an toàn sinh học (CARTAGENA), v.v… với nhiều cam kết quốc tế chưa được nội luật hóa.

4. Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học với tư cách là một lĩnh vực pháp lý cụ thể, độc lập tương đối. Luật Bảo vệ môi trường có những quy định mang tính nguyên tắc, bao trùm và khái quát về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nhưng các quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học đang nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý khác nhau và mỗi văn bản lại chỉ đề cập đến một hoặc vài khía cạnh của đa dạng sinh học. Điều này đã làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của việc áp dụng pháp luật trên thực tế. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung quan trọng của đa dạng sinh học vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh hoặc chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật như: bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước, các hệ sinh thái tự nhiên trên vùng núi đá vôi, gò, đồi thuộc vùng đất chưa sử dụng; tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; quản lý an toàn sinh vật biến đổi gen; kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường, v.v… Các nội dung này cần phải được luật hoá.

5. Từ thực trạng trên, cần thiết phải có một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, đề cập toàn diện đến các khía cạnh của đa dạng sinh học, luật hóa có hệ thống và thống nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội luật hóa các điều ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

II. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

Luật Đa dạng sinh học được soạn thảo trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:

1. Cụ thể hoá Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và luật hoá đường lối, chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được thể hiện trong các Nghị quyết qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Thống nhất và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, có tính đến định hướng cải cách hệ thống pháp luật về môi trường trong tương lai. Luật Đa dạng sinh học có phạm vi điều chỉnh hợp lý trên cơ sở phân định rõ ràng với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thuỷ sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3. Các điều, khoản của Luật Đa dạng sinh học được hình thành trên cơ sở các quy phạm pháp luật hiện hành về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, theo hướng kế thừa các quy phạm phù hợp, đã được kiểm nghiệm trên thực tế, điều chỉnh, sửa đổi các quy phạm không phù hợp và bổ sung các quy phạm còn thiếu.

4. Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng, hợp lý giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương.

5. Quan tâm đến lợi ích của các bên liên quan trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cơ sở công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo hướng thúc đẩy và hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo.

6. Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước; cụ thể hoá một số quy định trong các Điều ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

7. Đáp ứng yêu cầu cải cách công tác lập pháp, chi tiết đúng mức và có tính khả thi.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

1. Bố cục của Luật Đa dạng sinh học

Luật Đa dạng sinh học gồm có 8 chương và 78 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung bao gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc, chính sách và trách nhiệm quản lý của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học.

Chương II. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học bao gồm 8 điều (từ Điều 8 đến Điều 15), chia thành hai mục. Mục 1 quy định các căn cứ lập, nội dung quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, của bộ, ngành; công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Mục 2 quy định căn cứ, nội dung, lập, thẩm định, thông qua, điều chỉnh, công bố và thực hiện quy hoạch đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chương III. Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bao gồm 21 điều (từ Điều 16 đến Điều 36), chia thành hai mục. Mục 1 quy định về khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn; vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài-sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan; nội dung, lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn quốc gia; thẩm quyền ban hành quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia; lập, thẩm định và quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh; sử dụng đất trong khu bảo tồn; phân khu chức năng và ranh giới khu bảo tồn; trách nhiệm, tổ chức quản lý khu bảo tồn; quyền, trách nhiệm của Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sinh sống và có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn; quản lý vùng đệm khu bảo tồn và báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học. Mục 2 quy định về phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên; việc điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên; phát triển bền vững hệ sinh thái trên vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi và vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng.

Chương IV. Bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật gồm 18 điều (từ Điều 37 đến Điều 54) quy định về loài được xem xét đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; trình tự, thủ tục đề nghị, quyết định đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên; nuôi, trồng, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, lưu giữ, vận chuyển, cứu hộ các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và mẫu vật di truyền, sản phẩm của chúng; bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng; bảo vệ loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe doạ tuyệt chủng; điều tra và lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại.

Chương V. Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền bao gồm 14 điều (từ Điều 55 đến Điều 68), chia thành 3 mục. Mục 1 quy định về quản lý nguồn gen; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen; trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen; hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen; chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen. Mục 2 quy định lưu giữ và bảo quản mẫu vật di truyền; điều tra, thu thập, đánh giá, cung cấp, quản lý thông tin về nguồn gen; bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen. Mục 3 quy định trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học; lập, thẩm định báo cáo đánh giá rủi ro, công khai thông tin về mức độ rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học; cấp giấy chứng nhận an toàn của sinh vật biển đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen đối với đa dạng sinh học; quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học.

Chương VI. Hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học gồm 2 điều (Điều 69 và Điều 70), quy định về hợp tác quốc tế và việc thực hiện các điều ước quốc tế về đa dạng sinh học; hợp tác quốc tế với các nước có chung biên giới với Việt Nam.

Chương VII. Cơ chế, nguồn lực bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học bao gồm 5 điều (từ Điều 71 đến Điều 75), quy định về Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, quản lý thông tin, số liệu về đa dạng sinh học; báo cáo về đa dạng sinh học; kinh phí cho việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học và bồi thường thiệt hại về đa dạng sinh học.

Chương VIII. Điều khoản thi hành bao gồm 3 điều (từ Điều 76 đến Điều 78), quy định chuyển tiếp; hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

2. Những nội dung chính của Luật đa dạng sinh học

2.1.  Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật

Luật Đa dạng sinh học quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Đối tượng áp dụng của Luật Đa dạng sinh học bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam.

2.2. Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học (Điều 7)

         Điều 7 của Luật đa dạng sinh học quy định 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến đa dạng sinh học ở Việt Nam. Chế tài xử lý người có hành vi vi phạm các quy định này được quy định trong Nghị định về xử phạt hoặc bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự nếu đủ . Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể như sau:

­       Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.

­       Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

 

 

 

­       Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

 

 

 

­       Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

 

 

 

­       Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng c��y nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

 

 

 

­       Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.

 

 

 

­       Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.

 

 

 

­       Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

 

 

 

­       Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn. 

 

 

 

            2.3. Bảo tồn đa dạng sinh học

 

 

 

Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.

 

Nhà nước công bố các khu bảo tồn thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học. Hệ thống các khu bảo tồn của Việt Nam hiện nay có 211 khu, bao gồm: 128 khu bảo tồn rừng (Khu rừng đặc dụng), 15 khu bảo tồn biển, 68 khu bảo tồn đất ngập nước.

Khu bảo tồn thiên nhiên (sau đây gọi là khu bảo tồn) là khu vực địa lý được xác lập ranh giới và phân khu chức năng để bảo tồn đa dạng sinh học. Căn cứ vào mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn thiên nhiên được phân cấp thành khu bảo tồn cấp quốc gia và khu bảo tồn cấp tỉnh.

Chính phủ phân công cơ quan quản lý nhà nước lập dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, hệ thống các khu rừng đặc dụng phân bố rộng khắp trên các vùng sinh thái toàn quốc. Tuy nhiên phần lớn các khu rừng đặc dụng có đặc điểm là diện tích nhỏ, phân bố phân tán. Nhiều khu bảo tồn còn bao chiếm cả diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư, ranh giới một số khu bảo tồn trên thực địa chưa rõ ràng, còn có tranh chấp, tính liên kết các khu yếu, chưa hình thành được các hành lang liên kết các khu bảo tồn nhỏ, có nhiều đặc điểm giống nhau, nên các hoạt động bảo tồn trên phạm vi khu vực rộng cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, ranh giới các khu bảo tồn phần lớn chưa được phân định rõ ràng trên thực địa, các hoạt động xâm lấn, vi phạm trong các khu bảo tồn còn xảy ra.

Nguồn ngân sách cho bảo tồn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, các khu bảo tồn cấp tỉnh thuộc địa phương quản lý có nguồn ngân sách rất hạn chế cho các hoạt động bảo tồn, chưa có chính sách cụ thể để xã hội hóa công tác bảo tồn. Một số chính sách về khu bảo tồn còn thiếu, như chính sách đầu tư, quản lý vùng đệm v.v.

Để khắc phục những hạn chế này, Luật đa dạng sinh học đã có quy định chặt chẽ hơn về việc thành lập khu bảo tồn. Trước hết, dự án thành lập khu bảo tồn phải nêu rõ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, việc đáp ứng các tiêu chí cụ thể để thành lập khu bảo tồn, thực trạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài thuộc Danh mục các loài được ưu tiên bảo vệ, các loài hoang dã khác, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, diện tích và hiện trạng sử dụng đất, mặt nước, đất ở và dân cư sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn và phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kế hoạch quản lý khu bảo tồn, vị trí, ranh giới, diện tích vùng đệm của nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn. Khu bảo tồn dự định thành lập phải có quy hoạch chi tiết, bao gồm: vị trí và diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi hệ sinh thái, phân khu dịch vụ – hành chính; dự kiến ranh giới từng phân khu và toàn khu bảo tồn; phương án ổn định hoặc di chuyển các hộ gia đình, cá nhân hiện đang sinh sống trong khu bảo tồn. Khu bảo tồn phải có 2 phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái, tuỳ theo điều kiện thực tế, khu bảo tồn có thể có thêm phân khu dịch vụ – hành chính (điều 21). Hồ sơ, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia và cấp tỉnh theo quy định tại Điều 22, 23, 24 của Luật đa dạng sinh học. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Uỷ ban nhân dân các cấp có liên quan, ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong hoặc tiếp giáp khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn và ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn.

Khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm: Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan.

Vườn quốc gia là nơi có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên; có ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục; có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên và có giá trị du lịch sinh thái (Điều 17).

Khu dự trữ thiên nhiên là nơi có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Khu dự trữ thiên nhiên gồm có: Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia và Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh. Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh là khu thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm mục đích bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn (Điều 18).

Khu bảo tồn loài sinh cảnh là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục. Khu bảo tồn loài – sinh cảnh gồm có: Khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp quốc gia và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh. Khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh là khu thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm mục đích bảo tồn các loài hoang dã trên địa bàn (Điều 19).

Khu bảo vệ cảnh quan là nơi có hệ sinh thái đặc thù; có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; có giá trị về khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Khu bảo vệ cảnh quan gồm: Khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia và Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh. Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh là khu thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm mục đích bảo vệ cảnh quan trên địa bàn (Điều 20).

Việc quản lý khu bảo tồn thiên nhiên theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ. Khu bảo tồn cấp quốc gia có Ban quản lý, khu bảo tồn cấp tỉnh do Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn.

a. Quyền và trách nhiệm của Ban quản lý khu bảo tồn hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn:

­       Bảo tồn đa dạng sinh học phải tuân theo quy định của Luật đa dạng sinh học và quy chế quản lý khu bảo tồn;

­       Xây dựng, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư phục hồi hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;

 

 

 

­       Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, thu thập nguồn gen, mẫu vật di truyền; theo dõi, tổ chức thu thập thông tin, số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu và lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn; có biện pháp phòng, trừ dịch bệnh trong khu bảo tồn;

 

 

 

­       Kinh doanh, liên doanh trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật;

 

 

 

­       Phối hợp với lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn;

 

 

 

            – Được chia sẻ lợi ích từ hoạt động tiếp cận nguồn gen thuộc phạm vi khu bảo tồn;

 

 

 

            –  Quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

 

b. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn (Điều 30):

            – Khai thác nguồn lợi hợp pháp trong khu bảo tồn theo quy định của Luật đa dạng sinh học, quy chế quản lý khu bảo tồn và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

            – Tham gia, hưởng lợi ích từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong khu bảo tồn;

            – Hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư theo quy định của pháp luật;

            – Thực hiện quy chế quản lý khu bảo tồn;

            – Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

c. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn (Điều 31):

­       Khai thác nguồn lợi hợp pháp trong khu bảo tồn theo quy định của Luật đa dạng sinh học, quy chế quản lý khu bảo tồn và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

­       Tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen và các hoạt động hợp pháp khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật;

 

 

 

­       Thực hiện quy chế quản lý khu bảo tồn;

 

 

 

­       Tiến hành các hoạt động khác theo quy định của pháp luật;

 

 

 

­       Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

 

 

2.4.  Phát triển bền vững hệ sinh thái

 

 

 

Các quy định về phát triển bền vững hệ sinh thái tập trung tại mục 2, Chương III – Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.

 

 Các hệ sinh thái tự nhiên phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững. Hệ sinh thái rừng tự nhiên, hệ sinh thái tự nhiên trên biển phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc thống kê, kiểm kê vùng đất ngập nước tự nhiên là vùng đầm lầy, than bùn hoặc vùng nước thường xuyên hay tạm thời, kể cả vùng biển có độ sâu không quá 6m (sáu mét) khi ngấn nước thuỷ triều thấp nhất được thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải tiến hành điều tra, thống kê, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và xác lập chế độ phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên vùng núi đá vôi và vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng.

2.5. Bảo tồn các loài sinh vật

Chính phủ ban hành Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và quyết định loài được đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phải được điều tra, đánh giá quần thể theo định kỳ 3 năm một lần hoặc khi có nhu cầu để sửa đổi, bổ sung.

Tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án điều tra, nghiên cứu về loài sinh vật ở Việt Nam hoặc được giao quản lý rừng, khu bảo tồn, vùng đất ngập nước, vùng biển và các hệ sinh thái tự nhiên khác; Hội, hiệp hội và tổ chức về khoa học và công nghệ, môi trường có quyền đề nghị loài được đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm có: Tên phổ thông, tên bản địa, tên khoa học của loài được đề nghị; Vùng phân bố, số lượng cá thể ước tính, điều kiện sống và tình trạng nơi sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của loài được đề nghị; các đặc tính cơ bản, tính đặc hữu, giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hoá lịch sử của loài được đề nghị; mức độ bị đe doạ tuyệt chủng, chế độ quản lý, bảo vệ và yêu cầu đặc thù của loài được đề nghị (Điều 38).

Các loài được xem xét đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm: Loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm nguy cấp, quý hiếm. Khu vực có loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa phải được điều tra, đánh giá để lập dự án thành lập khu bảo tồn. Việc đưa loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và việc thả loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ cơ sở cứu hộ vào nơi sinh sống tự nhiên của chúng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Bên cạnh việc bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn thiên nhiên hay bảo tồn nội vi, còn có biện pháp bảo tồn ngoại vi, nghĩa là di dời các loài cây, con và các vi sinh vật ra khỏi môi trường sống thiên nhiên của chúng và thành lập các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Theo Điều 42 của Luật Đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Cơ sở nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Cơ sở cứu hộ loài hoang dã; Cơ sở lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hoá lịch sử; cơ sở lưu giữ bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền. Các cơ sở này phải có diện tích đất, chuồng trại, cơ sở vật chất đáp ứng các yêu cầu về nuôi, trồng, nuôi sinh sản, cứu hộ các loài hoang dã, lưu giữ và bảo quản nguồn gen, mẫu vật di truyền; có năng lực tài chính, khả năng quản lý và có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp.

Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học sẽ được hưởng các quyền lợi và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ sau:

­       Hưởng chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật;

­       Tiếp nhận, thực hiện dự án hỗ trợ từ tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

 

 

 

­       Hưởng các khoản thu từ hoạt động du lịch và các hoạt động khác của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;

 

 

 

­       Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phát sinh từ nguồn gen do mình quản lý;

 

 

 

­       Nuôi, trồng, nuôi sinh sản, cứu hộ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;

 

 

 

­       Trao đổi, tặng cho loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật;

 

 

 

­       Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền;

 

 

 

­       Đăng ký, khai báo nguồn gốc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

 

 

 

­       Có biện pháp phòng dịch, chế độ chăm sóc, chữa bệnh cho các loài tại cơ sở của mình;

 

 

 

­       Tháng 12 hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình trạng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại cơ sở của mình;

 

 

 

­       Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của mình hoặc thả loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ cơ sở cứu hộ của mình vào nơi sinh sống tự nhiên của chúng.

 

 

 

Trong thực tế, chúng ta đã có hệ thống bảo tồn bằng các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hỗ trợ tương đối hiệu quả cho công tác nghiên cứu, học tập về bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần phát triển kinh tế ở một số vùng. Các cơ sở bảo tồn này đang tồn tại dưới hình thức các vườn thực vật, lâm phần bảo tồn nguồn gen cây rừng, vườn cây thuốc và vườn động vật đã sưu tập được số lượng loài và cá thể tương đối lớn. Trong số đó, nhiều loài cây rừng bản địa đã được nghiên cứu và đưa vào gây trồng thành công; nhiều loài động vật hoang dã đã gây nuôi sinh sản trong điều kiện nhân tạo. Đặc biệt là các vườn cây thuốc chuyên đề hoặc các vườn cây thuốc trong các vườn thực vật đã đóng góp đáng kể trong công tác nghiên cứu dược liệu và gây trồng phát triển cây thuốc nam cung cấp nguyên liệu cho ngành dược.

 

 

 

Một số loài động thực vật hoang dã đã bị tiêu diệt trong tự nhiên đã được gây nuôi thành công như Hươu sao, Hươu xạ, Cá sấu hoa cà, thực vật có Sưa, Lim xanh… Một số khu thực nghiệm điển hình như: Vườn cây gỗ Trảng Bom (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai): có 155 loài, thuộc 55 họ và 17 loài tre nứa, Viện Dược liệu có trạm cây thuốc Sa Pa, sưu tập được 63 loài đang bảo quản các cây thuốc ở độ cao 1.500 m…

 

Đối với các loài hoang dã trong tự nhiên việc khai thác phải theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thuỷ sản và các quy định pháp luật khác có liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ công bố Danh mục loài hoang dã bị cấm khai thác trong tự nhiên và Danh mục loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên (Điều 44).

Cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, bị thương, bị bệnh phải được đưa vào cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng, chăm sóc và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng. Trường hợp cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên thì được xem xét đưa vào nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp. Tổ chức, cá nhân phát hiện cá thể loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, bị thương hoặc bị bệnh có trách nhiệm báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ sở cứu hộ nơi gần nhất. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc báo cơ sở cứu hộ nơi gần nhất (Điều 47).

Việc bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu, bảo vệ loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng, Luật Đa dạng sinh học đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức điều tra, đánh giá giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe doạ tuyệt chủng, thu thập bảo quản loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe doạ tuyệt chủng để đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 48, Điều 49).

2.6. Kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

Mục 3, Chương IV quy định cụ thể về việc quản lý, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, nhằm bảo tồn nguồn gen bản địa.

Sinh vật ngoại lai trước hết là những loài không có nguồn gốc bản địa. Khi được đưa đến một môi trường mới, một loài ngoại lai có thể không thích nghi được với điều kiện sống và do đó không tồn tại được. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, do ít các đối thủ cạnh tranh và thiên địch cùng với điều kiện sống mới thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh, lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Luật đa dạng sinh học đã xây dựng hệ thống kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại. Trước hết, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra để lập danh mục các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Danh mục loài ngoại lai xâm hại, các thông tin về khu vực phân bố, mức độ xâm hại của các loài ngoại lai xâm hại phải được công khai tới toàn dân.

Trong hoạt động nhập khẩu các loài sinh vật mới, cơ quan hải quan cửa khẩu có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu các loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập của loài ngoại lai từ bên ngoài để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại (Điều 51).

Việc nuôi trồng, phát triển các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được phép tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được phép của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 52).

Khi phát hiện loài ngoại lai xâm hại, tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất. Nhận được thông báo, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, quận hoặc cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp kiểm soát.

3. Quản lý nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen

Luật đa dạng sinh học đã đưa các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen vào Chương V –  Bảo tồn và phát triển tài nguyên di truyền. Theo đó, Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức và cá nhân sẽ được nhà nước giao quyền quản lý nguồn gen, cụ thể là Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn quản lý nguồn gen thuộc phạm vi khu bảo tồn. Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở bảo quản và lưu giữ nguồn gen quản lý nguồn gen thuộc cơ sở của mình. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, sử dụng đất, rừng, mặt nước quản lý nguồn gen thuộc phạm vi được giao quản lý, sử dụng. Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý các nguồn gen trên địa bàn (Điều 55).

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen có quyền điều tra, thu thập nguồn gen, trao đổi, chuyển giao, cung cấp nguồn gen được giao quản lý cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; được hưởng các lợi ích do tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn gen chia sẻ theo thỏa thuận và quy định của pháp luật (Điều 56).

Đồng thời, tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen có nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các hoạt động trao đổi, chuyển giao, cung cấp nguồn gen cho tổ chức, cá nhân khác để sử dụng cho mục đích nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm thương mại; thỏa thuận việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phép tiếp cận nguồn gen, kiểm soát việc điều tra, thu thập nguồn gen của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc quản lý nguồn gen (Điều 56).

Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải có các nội dung chính sau:

–         Mục đích tiếp cận nguồn gen;

–         Nguồn gen được tiếp cận và khối lượng thu thập;

 

 

 

–         Địa điểm tiếp cận nguồn gen;

 

 

 

–         Kế hoạch tiếp cận nguồn gen;

 

 

 

–         Việc chuyển giao cho bên thứ ba kết quả điều tra, thu thập nguồn gen;

 

 

 

–         Hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;

 

 

 

–         Các bên tham gia nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;

 

 

 

–         Địa điểm tiến hành nghiên cứu phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại từ nguồn gen;

 

 

 

–         Chia sẻ lợi ích thu được với Nhà nước và các bên có liên quan, bao gồm cả việc phân chia đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.

 

 

 

Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc tiếp cận nguồn gen và gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen.

 

 

 

Tổ chức, cá nhân chỉ được phép tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập nguồn gen khi đã được cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen như sau:

 

+ Đơn đề nghị tiếp cận nguồn gen;

+ Bản sao hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen.

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen có quyền từ chối không cấp giấy phép khi có một trong những yếu tố sau: Nguồn gen của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc việc sử dụng nguồn gen có nguy cơ gây hại đối với con người, môi trường, an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia.

Đối tượng được phép tiếp cận nguồn gen phải thực hiện đúng thoả thuận về chia sẻ lợi ích từ nguên gen với tổ chức, cá nhân quản lý nguồn được quy định tại Điều 60 của Luật. Theo đó, lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen phải được chia sẻ cho Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen và các bên liên quan khác được quy định trong Giấy phép tiếp cận nguồn gen. Lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen phải được chia sẻ trên cơ sở hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cùng các quy định khác của pháp luật có liên quan. Các quy định này có thể coi là nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thứ ba của Nghị định thư CARTAGENA về An toàn sinh học “phân phối công bằng và hợp lý những lợi ích thu được từ tiếp cận và sử dụng nguồn gen”.

Việc lưu giữ và bảo quản lâu dài mẫu vật di truyền của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài nhập khẩu phục vụ công tác nghiên cứu, nhân giống, lai tạo giống, ứng dụng và phát triển nguồn gen thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ. Tổ chức, cá nhân phát hiện, lưu giữ mẫu vật di truyền của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên có trách nhiệm báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp xử lý (Điều 62).

Bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen được Nhà nước bảo hộ. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.

Để phòng ngừa và hạn chế những rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học, Luật quy định Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ để được cấp giấy chứng nhận an toàn của sinh vật biển đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen đối với đa dạng sinh học và phải có các điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, công nghệ, cán bộ chuyên môn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra, nhập khẩu, mua, bán, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, phải lập báo cáo đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học, phải công khai thông tin về mức độ rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học.

4.      Hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học

Việt Nam tham gia rất nhiều điều ước quốc tế về đa dạng sinh học, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và mở rộng hợp tác về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

 

 

 

Việc hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục đích bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái ở Việt Nam và trên trái đất. Đặc biệt, Nhà nước ưu tiên hợp tác với các nước có chung biên giới với Việt

Nam bằng các hoạt động sau đây:

­       Trao đổi thông tin, dự báo tình hình, biến động về đa dạng sinh học; 

­       Phối hợp quản lý hành lang đa dạng sinh học, tuyến di cư xuyên biên giới của các loài; bảo vệ các loài di cư;

 

 

 

­       Tham gia các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, các chương trình, dự án bảo vệ các loài di cư và bảo vệ hành lang đa dạng sinh học (Điều 70).

 

 

 

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học.

 

 

 

5.      Cơ chế bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học ở Việt

Nam

­       Nhà nước đầu tư cho việc điều tra cơ bản hệ sinh thái tự nhiên, loài hoang dã, giống cấy trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm, nguồn gen có giá trị phục vụ công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

 

 

 

­       Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội.

 

 

 

­       Thông tin, số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học phải được thu thập và quản lý thống nhất trong Cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia.

 

 

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng báo cáo về đa dạng sinh học. Báo cáo về đa dạng sinh học là một phần của Báo cáo môi trường quốc gia.

 

 

 

Báo cáo về đa dạng sinh học phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

 

­       Hiện trạng và diễn biến của các hệ sinh thái tự nhiên chủ yếu;

­       Hiện trạng, vùng phân bố, số lượng cá thể ước tính, đặc điểm của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, sinh vật biến đổi gen và  loài ngoại lai xâm hại;

 

 

 

­       Thực trạng bảo tồn đa dạng sinh học; áp lực, thách thức đối với đa dạng sinh học;

 

 

 

­       Yêu cầu đặt ra đối với đa dạng sinh học;

 

 

 

­       Đánh giá lợi ích của bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đối với phát triển kinh tế – xã hội;

 

 

 

­       Giải pháp và kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

 

 

 

Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và được chia sẻ thông tin về đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật (Điều 72).

 

 

 

Tổ chức, cá nhân xâm hại khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị, loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, hành lang đa dạng sinh học thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra đối với đa dạng sinh học được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tiền bồi thường thiệt hại về đa dạng sinh học được đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định của Luật đa dạng sinh học và các quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 75).

 

Luật đa dạng sinh học có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, do vậy các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh đã thành lập theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật thủy sản trước khi Luật này có hiệu lực nếu đáp ứng các tiêu chí xác lập khu bảo tồn theo quy định của Luật này thì không phải ra quyết định thành lập lại. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận đã cấp cho các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trước khi Luật này có hiệu lực nếu phù hợp với quy định của Luật này thì vẫn có giá trị thi hành.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ hai

 

GIỚI THIỆU

LUẬT CÔNG NGHỆ CAO

A.     MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

I. VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

 

 

 

Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững đất nước.

 

Theo quy định của Luật khoa học và công nghệ năm 2000, hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

Đảng và Nhà nước đặt nhiệm vụ đến năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, do vậy vai trò của khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc ngày càng vững mạnh. Khoa học công nghệ đóng góp rất lớn vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm cho kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, từng bước hội nhập với sự phát triển của thế giới và khu vực. Sự phát triển khoa học công nghệ sẽ nảy sinh một hình thái kinh tế mới gọi là nền kinh tế tri thức.

            Trong lĩnh vực quân sự, khoa học và công nghệ đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nhiều thành tựu mới về khoa học-công nghệ, nhiều dự án, đề tài đã được nghiên cứu áp dụng, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo đảm trang bị, kỹ thuật, hậu cần của quân đội.

            Trong lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ đã góp phần tạo ra các loại thuốc kháng sinh, vắc-xin để chữa trị các bệnh hiểm nghèo.     

            Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất có hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi và cây trồng. Như việc sử dụng cây trồng biến đổi gen để tăng khả năng chịu úng, chịu hạn, chống sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng hoặc để cải thiện đàn gia súc, rút ngắn thời gian chọn lọc giống, áp dụng công nghệ sinh sản gia súc như cấy truyền phôi, thụ tinh trong ống nghiệm, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học; tăng chất lượng và mức độ an toàn của thức ăn gia súc bằng cách dùng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên thay thế cho hormon, kháng sinh

            Trong lĩnh vực công nghệ thông tin là ngành sử dụng máy tínhphần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền, phát và thu thập thông tin thì khoa học công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc khai thác, quản lý và sử dụng nguồn thông tin trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

            Trong lĩnh vực công nghiệp, khoa học công nghệ giữ vai trò chính yếu quyết định nền công nghiệp của một nước ở cấp độ nào, nếu một quốc gia đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ càng sớm thì quốc gia đó có nền công nghiệp phát triển, kinh tế phồn thịnh và ngược lại quốc gia không quan tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ thì quốc gia đó có nền công nghiệp lạc hậu, kinh tế trì trệ, kém phát triển. Cụ thể, đối với một nước công nghiệp thì máy móc, thiết bị hiện đại sẽ đem lại năng suất lao động cao, tiết kiệm nhiên liệu, thời gian, độ chính xác lớn, của cải làm ra nhiều hơn, còn đối với nước lạc hậu, khoa học công nghệ kém phát triển thì phải sử dụng phần lớn là sức lao động con người, năng suất và chất lượng thấp, tiêu tốn nhiều thời gian để sản xuất…

Công nghệ caocông nghệ có ứng dụng các thành tựu khoa họccông nghệ tiên tiến, phát triển nhất hiện nay nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, có giá trị lớn. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nền sản xuất của mỗi nước chiếm vị trí quan trọng. Nhiều nước đã có chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn có ứng dụng công nghệ cao như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung QuốcIsrael là các điển hình cho chiến lược đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao. Israel, là một nước đang phát triển, trong vòng 20 năm trở lại đây đã trở thành quốc gia có nền công nghệ cao hùng mạnh trên thế giới, chuyển đổi căn bản từ một nước của hợp tác xã nông nghiệp thành một trung tâm công nghệ hiện đại. Mỗi năm đất nước này có tới hàng ngàn hãng công nghệ mới ra đời, thu hút một lượnng lớn những người lao động có trình độ và chất lượng cao, có tác động mạnh đến mức độ đầu tư và phát triển của đất nước.

            Một số lĩnh vực công nghệ cao hiện nay: công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ tự động hoá (người máy, robot).

Hiện nay, tiêu chí chính để đánh giá một quốc gia mạnh hay yếu là dựa vào trình độ khoa học, công nghệ của quốc gia đó phát triển ở mức nào.

            II. KHÁI QUÁT VỀ HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG, NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG NGHỆ CAO TRONG THỜI GIAN QUA TẠI VIỆT NAM

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt của công nghệ cao trên thế giới trong những thập kỷ vừa qua đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước trên toàn thế giới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân ở mỗi quốc gia.

Ý thức được vai trò của khoa học và công nghệ, Đảng và Nhà nước ta đã và đang dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển khoa học và công nghệ, coi phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đồng thời đặc biệt chú trọng việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Những năm qua, nước ta đã nỗ lực nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao và đã đạt được một số kết quả sau:

            Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu và công nghệ tự động hoá trên thực tế đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước. Ngoài ra, nhiều đề tài, dự án ứng dụng công nghệ cao cũng được triển khai ở cấp bộ, ngành, địa phương và cấp cơ sở.

            Đến nay công nghệ thông tin đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội như ngân hàng, dầu khí, hàng không, bưu chính viễn thông v.v… Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, vào thương mại điện tử tăng nhanh. Một số công nghệ hiện đại được ứng dụng thành công như mạng viễn thông số hóa thế hệ sau (NGN), mạng cáp quang, công nghệ GSM và CDMA. Các công nghệ mới như 3G, 4G, WiMax, và mobile TV đang được tiếp tục thử nghiệm để đưa vào ứng dụng. Ngoài các tuyến cáp quang như SEA-ME-WE-3, Thailand-Vietnam-Hong Kong, còn có hệ thống cáp ngầm Á-Mỹ được hoàn thành vào cuối 2008. Công nghệ WiFi ngày càng trở nên phổ biến hơn.

            Kết quả ứng dụng công nghệ sinh học nổi bật nhất thể hiện ở việc sử dụng công nghệ, thiết bị nhập khẩu và các nguyên liệu trong nước để sản xuất ra một số loại vắc-xin, các loại thuốc kháng sinh phòng các bệnh hiểm nghèo như viêm gan A, B, uốn ván, bạch hầu, v.v. (đã chủ động sản xuất 9/10 loại vác xin cho tiêm chủng mở rộng), đã tạo ra được các chế phẩm sinh học đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong khu vực phục vụ chuẩn đoán, chữa bệnh (vắc-xin phòng viêm gan B có thể xuất khẩu sang Nhật Bản). Chúng ta đã có thể làm chủ và phổ biến công nghệ nuôi cấy mô để nhân nhanh những giống cây trồng, chọn tạo vật nuôi có giá trị kinh tế và năng suất cao; chọn tạo được nhiều sinh phẩm để sản xuất nấm ăn từ các sản phẩm phụ của nông nghiệp như rơm, rạ, bã mía, vỏ cây, quả; sản xuất được kháng sinh thô cho gia súc và gia cầm. Trong y tế, công nghệ vi sinh đã được ��ng dụng để sản xuất.

            Trong lĩnh vực công nghệ vật liệu, nhiều loại vật liệu tiên tiến đã được ứng dụng trong các ngành xây dựng, cơ khí chế tạo, điện tử, đóng tàu thủy. Ví dụ vật liệu polymer-composite đã được ứng dụng trong lĩnh vực đóng tàu biển hoặc tàu phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải. Chúng ta đã sản xuất vật liệu cách điện silicon rubber, các thiết bị chống ăn mòn hoá chất, các thiết bị có tính năng mới cho máy phát điện và sứ cách điện, v.v.

            Công nghệ tự động hoá được ứng dụng trong các ngành như khai thác dầu khí, viễn thông, điện lực, vật liệu xây dựng, hàng không v.v… góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ tự động hoá đã nâng cao được năng suất lao động lên gấp đôi, giải phóng nhiều lao động để bổ sung cho các công đoạn khác (điển hình là Công ty supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao); ứng dụng tự động hoá tích hợp giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng.

            Công nghệ vũ trụ, ngày 19 tháng 4 năm 2008 Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 vào quỹ đạo ở toạ độ 1320 Đông. Sự kiện này đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nguồn tài nguyên trên quỹ đạo, góp phần hoàn thiện mạng lưới thông tin quốc gia, hiện đại hoá hệ thống truyền dẫn mạng viễn thông và  có tác động lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta, đồng thời nâng cao chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế. Vinasat-1 có chiều cao 4m, nặng 2.600 kg, dung lượng 20 bộ phát đáp (8 bộ băng tần C, 12 bộ băng tần Ku) có thể duy trì tuổi thọ 15-20 năm. Trong đó, vùng phủ sóng của băng tần Ku sẽ là diện tích của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar. Băng C phủ rộng hơn, bao trùm Đông Nam châu Á, Đông Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.         

            Tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên, nhìn chung hoạt động ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao những năm qua còn nhiều bất cập. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao chưa trở thành nhu cầu bức thiết hay sự sống còn của đa số các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quy mô ứng dụng công nghệ cao còn quá nhỏ hẹp; chưa chú trọng và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho các hoạt động công nghệ cao. Việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao những năm qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, nhưng mới chỉ đạt kết quả bước đầu khiêm tốn, chủ yếu là nghiên cứu để ứng dụng, ít có các công nghệ mới được sáng tạo ra ở Việt Nam.

B.     NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CÔNG NGHỆ CAO

            Hệ thống pháp luật hiện hành trong lĩnh vực công nghệ cao nước ta không đầy đủ, không thống nhất và thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế, chính sách và biện pháp để huy động nguồn lực của xã hội cho tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao nhằm phát huy vai trò dẫn đường của công nghệ cao đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và khoa học và công nghệ. Do vậy, việc ban hành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội nhằm tạo ra bước đột phá trong ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay là kết sức cần thiết.

 

 

 

Ngày 13 tháng 11 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Công nghệ cao. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.

 

            I. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHỆ CAO

Luật công nghệ cao được xây dựng theo các quan điểm và nguyên tắc cơ bản sau:

      1. Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng nhằm tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc và thông thoáng cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là chính sách coi đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ cao là giải pháp đặc biệt, có tính đột phá để nhanh chóng nâng cao năng xuất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, của từng ngành kinh tế – kỹ thuật và của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động công nghệ cao thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thông thoáng, thuân lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc đầu tư, tiến hành các hoạt động công nghệ cao theo định hướng ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Nhà nước.

3. Nhà nước xác định rõ hướng ưu tiên, trọng điểm trong ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, đồng thời dành kinh phí, cơ chế, chính sách đặc biệt cho công nghệ cao, trực tiếp đầu tư những dự án quan trọng để xây dựng và tăng cường tiềm lực về vật chất – kỹ thuật và nhân lực nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ cao, hoặc những dự án về công nghệ cao có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao; kế thừa các quy định hiện hành về công nghệ cao đã được thực tiễn kiểm nghiệm; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật về công nghệ cao của các nước và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.

            II. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CÔNG NGHỆ CAO

Luật công nghệ cao gồm 35 điều, được chia thành 06 chương, quy định về những vấn đề: chính sách của nhà nước đối với ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; xác định công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; các biện pháp chung thúc đẩy ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; các biện pháp phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế – kỹ thuật; nhân lực công nghệ cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao. Cụ thể như sau:

            1. Chính sách của nhà nước đối với ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (Điều 4)

Để thể chế hoá chủ trương về ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao của Đảngvà Nhà nước, Luật khẳng định Nhà nước thực hiện chính sách sau đây:

            a. Huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác cho hoạt động công nghệ cao nhằm phát huy vai trò chủ đạo của công nghệ cao trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

            b. Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu.

            c. Tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và các hoạt động công nghệ cao khác.

            d. Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

e. Dành ngân sách nhà nước và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao, nhập khẩu một số công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

            2. Về xác định công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển (Điều 5 và Điều 6)

   Để phát huy hiệu quả trong việc thực hiện chính sách ứng dụng và phát triển công nghệ cao, Luật quy định hoạt động này phải có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể là phải tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong một số lĩnh vực công nghệ như công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa và giao cho Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao khi cần thiết. Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghệ phải phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất nước, có tính khả thi và đáp ứng một trong các điều kiện:

­       Có tác động mạnh và mang lại hiệu quả lớn đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh;

­       Góp phần hiện đại hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có;

 

 

 

­       Là yếu tố quan trọng quyết định việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế – xã hội cao.

 

 

 

Việc lựa chọn sản phẩm công nghệ cao cần được khuyến khích phát triển phải là sản phẩm công nghệ cao được tạo ra từ công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và đáp ứng các điều kiện:

 

 

 

­       Có tỷ trọng giá trị gia tăng cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm;

 

­       Có tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế – xã hội lớn;

 

 

 

­       Có khả năng xuất khẩu hoặc thay thế sản phẩm nhập khẩu;

 

 

 

­       Góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

 

 

 

3. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8)

 

 

 

Luật công nghệ cao quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực khoa học công nghệ như sau:

 

            – Lợi dụng hoạt động công nghệ cao gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

            – Thực hiện hoạt động công nghệ cao gây hậu quả xấu đến sức khoẻ, tính mạng con người, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; huỷ hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

            – Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ cao.

            – Tiết lộ, cung cấp trái pháp luật bí mật về công nghệ cao.

            – Giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động công nghệ cao.

            – Cản trở trái pháp luật hoạt động công nghệ cao.

4. Biện pháp thúc đẩy ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao

Để tránh tình trạng đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ tràn lan, tản mạn và kém hiệu quả, Luật quy định rõ những trường hợp được ưu đãi, hỗ trợ, mức ưu đãi, hỗ trợ đối với từng nhóm hoạt động như sau:

a. Đối với ứng dụng công nghệ cao (Điều 9).

Hoạt động công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và được ưu đãi, hỗ trợ trong những trường hợp sau:

­       Sử dụng kết quả nghiên cứu về công nghệ cao để đổi mới công nghệ, đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm;

­       Sản xuất thử nghiệm sản phẩm;

 

 

 

­       Làm chủ, thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt

 

Nam.

Mức ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động ứng dụng công nghệ cao như sau:

 

 

 

­       Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, , thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

 

­       Được xem xét hỗ trợ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và kinh phí khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;

 

 

 

­       Hưởng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

 

 

 

            b. Đối với việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (Điều 11).

 

 

 

   Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ưu đãi, hỗ trợ khi:

 

­       Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao;

­       Nghiên cứu tạo ra công nghệ cao thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài;

 

 

 

­       Nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao mới.

 

 

 

            Mức ưu đãi, hỗ trợ đối với việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao được quy định như sau (Điều 12):

 

 

 

­       Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

 

­       Được xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường;

 

 

 

­       Tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ cao, cao.

 

 

 

– Chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao được giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

 

 

 

– Phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu hình thành do liên kết giữa tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu và hoạt động từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

 

            c. Đối với việc chuyển giao công nghệ cao (Điều 13).

            – Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ cao phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

            – Nhà nước dành kinh phí nhập khẩu một số công nghệ cao, máy móc, thiết bị công nghệ cao trong nước chưa tạo ra được để thực hiện dự án quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

            d. Đối với việc phát triển thị trường công nghệ cao, thông tin, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao (Điều 14).

            – Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường công nghệ cao; cung ứng dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, giám định công nghệ cao;

            – Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao.

            5. Biện pháp thúc phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế – kỹ thuật

            a. Nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao (Điều 15):

­       Sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao;

­       Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao;

 

 

 

­       Đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ cao;

 

 

 

­       Xây dựng công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao.

 

 

 

b. Trong lĩnh vực nông nghiệp,Điều 16 quy định việc phát triển công nghệ cao phải tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

 

 

 

­       Chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao;

 

­       Phòng, trừ dịch bệnh;

 

 

 

­       Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao;

 

 

 

­       Tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp;

 

 

 

­       Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp;

 

 

 

­       Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

 

 

 

­       Phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

 

 

 

c. Thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao, Điều 17 quy định:

 

 

 

­       Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển và được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế nhập khẩu;

 

­       Doanh nghiệp hoạt động tại Việt

 

Nam sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ưu tiên xét chọn tham gia thực hiện dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

d. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp công nghệ cao:

 

 

 

            Điều 18 quy định Doanh nghiệp công nghệ cao phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

­       Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

­       Tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt

 

Nam phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu;

­       Doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên;

 

 

 

­       Số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động;

 

 

 

­       Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

 

 

 

Doanh nghiệp công nghệ cao có đủ các điều kiện quy định nêu trên thì được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

 

 

 

e. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Điều 19)

 

            Điều 19 quy định Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

­       Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;

­       Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;

 

 

 

­       Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao;

 

 

 

­       Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

 

 

 

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được xem xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

 

 

 

f. Quy định thành lập doanh nghiệp công nghệ cao (Điều 20)

 

– Đối tượng được thành lập doanh nghiệp công nghệ cao: tổ chức khoa học và công nghệ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên.

– Tổ chức khoa học và công nghệ thành lập hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác thành lập doanh nghiệp công nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ như sau: Giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước để thành lập doanh nghiệp công nghệ cao; góp một phần tài sản nhà nước của tổ chức khoa học và công nghệ công lập để thành lập doanh nghiệp công ngh��� cao; các ưu đãi áp dụng đối với doanh nghiệp công nghệ cao.

– Cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

            g. Cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Điều 21 quy định cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao phải có đủ các điều kiện sau đây:

­       Hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;

­       Đội ngũ chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài chính, quản lý doanh nghiệp;

 

 

 

­       Khả năng liên kết với các cơ sở sản xuất, nghiên cứu, đào tạo phục vụ hoạt động ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

 

 

 

Nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ như sau (Đièu 22):

 

 

 

­       Giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;

 

­       Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

 

 

 

­       Được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và nguồn kinh phí khác có nguồn gốc ngân sách nhà nước.

 

 

 

Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao tại cơ sở ươm tạo được ưu đãi, hỗ trợ như sau:

 

 

 

­       Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

 

­       Được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và nguồn kinh phí khác có nguồn gốc ngân sách nhà nước.

 

 

 

Nhà nước đầu tư, tham gia đầu tư xây dựng một số cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng.

 

 

 

h. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao (Điều 23).

 

– Mục tiêu: thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trong nước và hình thành, phát triển công nghiệp công nghệ cao.

– Trọng tâm hoạt động: tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ cao trong một số lĩnh vực công nghệ có ý nghĩa then chốt và phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của đất nước; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân trong nước và ngoài nước tham gia Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

– Các nhiệm vụ chủ yếu: xây dựng lộ trình, biện pháp ứng dụng, phát triển công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trong Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; lựa chọn đề tài, dự án, đề án để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 23 của Luật này; phát triển nhân lực công nghệ cao; hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động công nghệ cao theo mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.

– Nguồn tài chính thực hiện Chương trình gồm:

+ Ngân sách nhà nước dành cho Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Khoản ngân sách này không thuộc loại chi ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động khoa học, công nghệ;

+ Kinh phí từ các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước;

+ Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

            i. Quan điểm của Nhà nước đối với đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao (Điều 24 và Điều 25).

­       Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao tại Việt Nam.

­       Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

 

 

 

­       Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia là tổ chức tài chính nhà nước để đầu tư vốn, cung cấp dịch vụ tư vấn cho tổ chức, cá nhân hình thành và phát triển doanh nghiệp ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

 

 

 

Nguồn tài chính hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia bao gồm: Vốn điều lệ của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia được hình thành từ ngân sách nhà nước và được bổ sung từ ngân sách nhà nước trong quá trình hoạt động; tài trợ, vốn góp của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; các khoản thu từ hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia; các khoản vốn huy động hợp pháp khác.

 

 

 

Đối tượng được Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia đầu tư là tổ chức, cá nhân có ý tưởng công nghệ cao và kinh doanh công nghệ cao, có kết quả nghiên cứu sáng tạo về công nghệ cao, có công nghệ cao cần được hoàn thiện; doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

 

            6. Nhân lực cho công nghệ cao

Nhân lực công nghệ cao là đội ngũ những người có trình độ, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao, quản lý hoạt động công nghệ cao, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Việc đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao là một trong những biện pháp hàng đầu bảo đảm thành công trong việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, vì vậy, Luật đã dành cho vấn đề này một chương riêng và khẳng định rõ các chính sách và biện pháp cụ thể như sau:

            a. Đào tạo nhân lực công nghệ cao (Điều 27).

– Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển nhân lực công nghệ cao; dành ngân sách, các nguồn lực, áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật để phát triển nhân lực công nghệ cao.

– Ngân sách giáo dục và đào tạo hằng năm phải có kinh phí để chọn cử học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật để đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.

– Chương trình, dự án, đề tài về ứng dụng và phát triển công nghệ cao sử dụng ngân sách nhà nước được dành kinh phí cho đào tạo nhân lực công nghệ cao phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt.

– Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao được ưu tiên xét tuyển để nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của Nhà nước.

b. Cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao (Điều 28).

– Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết với tổ chức khác để đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao.

– Cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ: hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu; tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ về khoa học, công nghệ và các quỹ khác; chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ cao cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

– Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường đại học thực hiện đào tạo nhân lực công nghệ cao được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo.

– Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.

c. Đối với việc thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao (Điều 29).

– Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao, bao gồm: Tạo môi trường sống và làm việc thuận lợi cho hoạt động công nghệ cao; chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm; bổ nhiệm vào vị trí then chốt để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước; ưu đãi cao nhất về ; tạo điều kiện tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ cao; tôn vinh, khen thưởng người có thành tích xuất sắc.

            7. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao

Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao là một trong những yếu tố và điều kiện bảo đảm thành công cho hoạt động công nghệ cao. Luật quy định một số chính sách và biện pháp cụ thể cho việc này như sau:

            a. Đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao.

Điều 30 quy định:

­       Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao gồm khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở nghiên cứu, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ cao.

­       Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ phát triển công nghệ cao, Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

 

 

            b. Khu công nghệ cao (Điều 31).

 

 

 

            Khu công nghệ cao có những nhiệm vụ sau:

 

­       Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao;

­       Liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao;

 

 

 

­       Đào tạo nhân lực công nghệ cao;

 

 

 

­       Tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm công nghệ cao từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao;

 

 

 

­       Thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động công nghệ cao.

 

 

 

            Điều kiện thành lập khu công nghệ cao được quy định như sau:

 

 

 

+ Phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao và nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này.

 

+ Có quy mô diện tích thích hợp, địa điểm thuận lợi về giao thông và liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao;

+ Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ thuận lợi đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao; cung ứng dịch vụ công nghệ cao;

+ Có nhân lực và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.

c. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

            Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nhiệm vụ được quy định tại Điều 32 như sau:

­       Thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

­       Liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp;

­       Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp;

­       Tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

­       Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

            Điều kiện thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy định gồm:

 

 

 

+ Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp và nhiệm vụ theo quy định;

 

+ Có quy mô diện tích, điều kiện tự nhiên thích hợp với từng loại hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp; địa điểm thuận lợi để liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao;

+ Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ thuận lợi đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thử nghiệm và trình diễn ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp;

+ Có nhân lực và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp.

            d. Biện pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghệ cao (Điều 33).

­       Trong quy hoạch sử dụng đất đai phải dành đất cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghệ cao.

­       Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với đất để xây dựng cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, cơ sở thử nghiệm, trình diễn, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, hạ tầng thông tin, giao thông, điện, nước, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải trong khu công nghệ cao, và những ưu đãi khác do Chính phủ quy định theo thẩm quyền.

 

 

 

­       Nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng thông tin, giao thông, điện, nước, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải trong khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ ba

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. THỰC TRẠNG HỆ SINH THÁI VIỆT NAM VÀ YÊU CẦU BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Quốc gia Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương, ven biển Thái Bình Dương, với địa hình đa dạng, gồm: đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa. Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp, đường bờ biển dài 3.260 km ở phía Đông, Nam và Tây Nam của lãnh thổ, phần Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam mở rộng về phía Đông và Đông Nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ. Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Do cấu tạo của địa hình thấp dần theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, những dãy núi đồ sộ nằm ở phía Tây và Tây Bắc (đỉnh Phan-xi-phăng cao nhất bán đảo Đông Dương, 3.143m) càng ra phía đông, các dãy núi thấp dần và thường kết thúc bằng một dải đất thấp ven biển nên khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm không đồng nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hình thành nên các miền và vùng khí hậu khác nhau rõ rệt. Khí hậu thay đổi theo mùa và theo vùng từ thấp lên cao, từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây. Miền Bắc (từ đèo Hải Vân trở ra) có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 4 mùa rõ rệt (Xuân – Hạ – Thu – Đông), chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Miền Nam (từ đèo Hải Vân trở vào) ít chịu ảnh hưởng của gió mùa nên khí hậu nhiệt đới nóng quanh năm và chia thành hai mùa rõ rệt (mùa khô và mùa mưa). Cũng do sự đa dạng của tự nhiên, có nơi có khí hậu ôn đới như Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), có nơi có khí hậu lục địa như tỉnh Lai Châu, Sơn La. Việt Nam có một mạng lưới sông ngòi dày đặc (2.360 con sông dài trên 10 km), chảy theo hai hướng chính là Tây Bắc – Đông Nam. Hai sông lớn nhất là sông Hồng và sông Mê Công tạo nên hai vùng đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu. Hệ thống các sông suối hàng năm được bổ sung tới 310 tỷ m3 nước, chế độ nước của sông ngòi chia thành mùa lũ và mùa cạn. Với dạng địa hình và kiểu khí hậu như vậy đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên, do vậy nước ta là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên, phong phú. Các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái núi đá vôi…là những nét đặc trưng của vùng bán đảo nhiệt đới, là nơi sinh sống và phát triển của nhiều loài hoang dã đặc hữu, có giá trị, trong đó có những loài không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Các kết quả điều tra cho thấy 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loại đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Hệ thực vật phong phú, đa dạng (khoảng 14.600 loài thực vật), thảm thực vật chủ yếu là rừng rậm nhiệt đới, gồm các loại cây ưa ánh sáng, nhiệt độ lớn và độ ẩm cao. Quần thể động vật cũng rất phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm được ghi vào Sách đỏ của thế giới. Hiện nay, đã liệt kê được 275 loài thú có vú, 828 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng thể, 2.400 loài cá, 5.000 loài sâu bọ. (Các rừng rậm, rừng núi đá vôi, rừng nhiều tầng lá là nơi cư trú của nhiều loài khỉ, vẹc, vượn, mèo rừng. Các loài vẹc đặc hữu của Việt Nam là vẹc đầu trắng, vẹc quần đùi trắng, vẹc đen. Chim cũng có nhiều loài chim quý như trĩ cổ khoang, trĩ sao… Núi cao miền Bắc có nhiều thú lông dày như gấu ngựa, gấu chó, cáo, cầy…). Việt Nam cũng là nơi được biết đến với nhiều nguồn gen hoang dã có giá trị, đặc biệt là các cây thuốc, các loài hoa, cây cảnh nhiệt đới.

 Về giá trị kinh tế, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… khai thác từ nguồn đa dạng sinh học, ước tính hàng năm đem lại cho nước ta hàng tỷ USD. Đa dạng sinh học cũng đồng thời đóng vai trò chủ chốt đối với sinh kế của một bộ phận không nhỏ dân cư của nước ta. Đặc biệt, là người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, các nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh là thu nhập chủ yếu của họ đều dựa vào khai thác tài nguyên sinh học.

Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy thoái nhanh (nhất là hệ sinh thái rừng). Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Diện tích rừng bị suy thoái trầm trọng do việc khai thác sản lượng gỗ quá mức, so với năm 1943 độ che phủ của rừng chiếm 43% diện tích lãnh thổ, đến năm 1995 độ che phủ của rừng chỉ còn 28,2% diện tích lãnh thổ. Nhà nước đã có nhiều biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng và xây dựng Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 3 triệu ha rừng sản xuất). Đến năm 2005, độ che phủ rừng của cả nước đã đạt 36,7%, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2010 tăng độ che phủ rừng trên 40% diện tích cả nước. Tuy nhiên, diện tích trồng rừng vẫn tăng hàng năm nhưng số lượng và chất lượng rừng còn kém, phần lớn rừng được trồng là rừng kinh tế, sản xuất cây lấy gỗ ngắn ngày, các loại cây nguyên liệu, chưa chú ý đến trồng cây bản địa, cây đa mục đích, chưa ưu tiên trồng rừng tại khu vực đầu nguồn.

Suy giảm tài nguyên rừng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp nguồn nước, làm tăng mức độ lũ lụt, sói lở, rửa trôi, bào mòn đất đai; Rừng bị mất đã làm cho tính đa dạng, phong phú của tài nguyên rừng bị mất theo, nhiều loài động thực vật rừng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, tập quán săn bắt thú bừa bãi để lấy thịt, da, lông, sừng và các sản phẩm khác, nạn buôn bán động vật quí hiếm trái phép đã khiến cho nguồn tài nguyên động vật bị đe doạ nghiêm trọng, một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như tê giác, trâu rừng, bò xám, hươu sao, hươu xạ…

Rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển ở nước ta cũng bị phá huỷ nghiêm trọng, do sự phát triển của các khu nông nghiệp, khu dân cư, khu nuôi trồng thuỷ hải sản ven biển, ven sông. Việc quai đê lấn biển lấy đất rừng ngập mặn trồng lúa, đắp đầm, ao với diện tích lớn cũng thu hẹp bãi bồi ven sông ven biển, làm giảm lượng phù sa bồi đắp cho các bãi triều, mất đi bình phong bảo vệ đê, biển. Hành vi này là nguyên nhân của hiện tượng nước biển xâm nhập sâu vào đất liền khi triều cường, làm cho đất canh tác và nước bị nhiễm phèn chua, làm giảm nguồn lợi sinh vật cũng như giống thủy sản tự nhiên.

Việc phát triển các khu công nghiệp, việc xả thải bừa bãi vào nguồn nước và môi trường đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường rất nặng, việc khai thác bừa bãi không đúng kỹ thuật làm cạn kiệt và ô nhiễm nước ngầm. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn, bụi, khí thải, tiếng ồn. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do các điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng yếu kém, sử dụng không hợp lý các loại hoá chất trừ sâu, phân bón hoá học trong nông nghiệp, xử lý chưa tốt khí thải và chất thải từ các làng nghề, thiếu nguồn nước hợp vệ sinh để cung cấp cho sinh hoạt đe doạ sự diệt vong của các loài thuỷ sinh.

Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Nhiều loài đã trở nên hiếm, một số loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Tình hình nêu ở trên cho thấy việc bảo tồn tính đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài, nhất là đối với các loài quí hiếm là một vấn đề cấp bách.

  II. SỰ TUYỆT CHỦNG

      Sự suy giảm đa dạng sinh học có nhiều dạng nhưng trong đó có một dạng quan trọng nhất và không thể đảo ngược lại được, đó là sự tuyệt chủng của loài.

      Một loài bị coi là tuyệt chủng khi không còn một cá thể nào của loài đó còn sống tại bất kỳ nơi nào trên trái đất. Nếu như một số cá thể của loài còn sống do có sự kiểm soát, chăm sóc, nuôi dưỡng của con người, thì loài này đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên.

            Theo quy luật tự nhiên, tất cả các loài đều có một khoảng thời gian tồn tại hạn chế, loài này mất đi thì sẽ có loài khác hình thành và tốc độ hình thành loài thường ngang bằng hoặc nhanh hơn tốc độ tuyệt chủng để thế giới tự nhiên luôn cân bằng và tiến hóa. Bởi vậy sự tuyệt chủng của loài là một quá trình tự nhiên mà không có sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra bởi con người đang xảy ra với một tốc độ nhanh gấp nhiều lần tốc độ tuyệt chủng tự nhiên của loài, thậm chí dẫn đến hiện tượng tuyệt chủng hàng loạt. Lịch sử địa chất trái đất đã ghi nhận những đợt tuyệt chủng hàng loạt, làm biến mất nhiều loài động vật mà ngày nay chúng chỉ được biết đến qua tên và hóa thạch của chúng như khủng long siêu bộ, khủng long có cánh, voi ma mút, thằn lằn rùa cổ rắn, thằn lằn cá…Việc con người khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên như săn bắt, phá rừng, sử dụng quá mức đất đai canh tác, thăm dò và khai thác thiếu quy hoạch, các hoạt động du lịch, các cuộc chiến tranh làm ô nhiễm mặt nước, khô cạn ao hồ… đang hủy hoại môi trường, đe dọa trực tiếp đến sự sống trên trái đất. Gần đây, con người liên tiếp phải gánh chịu những thiên tai, thảm họa bất ngờ từ thiên nhiên như bão, lũ, sóng thần, động đất, … làm nhiều người thiệt mạng.  Sự mất mát các loài xảy ra như trong thời gian hiện nay đã không theo bất kỳ một quy luật nào và hậu quả trong tương lai là khôn lường, đe doạ trực tiếp đến sự sống của loài người.

      Để đối phó với nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên trái đất và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài, đòi hỏi sự nỗ lực cao của mỗi con người, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

         III. MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC

  1. Công ước quốc tế về đa dạng sinh học[1]

Công ước quốc tế về đa dạng sinh học (sau đây gọi tắt là Công ước) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển, do Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992. Đây là một công ước khung và để mở cho các quốc gia và các tổ chức kinh tế khu vực tán thành gia nhập, các điều khoản của Công ước chỉ đưa ra định hướng chung và mục tiêu cần đạt được, tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, các bên ký kết, phê chuẩn sẽ sẽ triển khai thực hiện công ước phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.

Công ước để mở cho các quốc gia và tổ chức kinh tế khu vực ký tại Rio de Janeiro từ ngày 05 tháng 6 năm 1992 đến ngày 14 tháng 6 năm 1992, và ký tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York từ 15 tháng 6 năm 1992 đến 04 tháng 6 năm 1993.

Thời gian bắt đầu có hiệu lực của Công ước: Công ước bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày thứ 90, sau ngày mà bản văn kiện thứ 30 phê chuẩn, chấp thuận, tán thành hoặc gia nhập đã đươc lưu ký. Đến năm 2008 đã có 191 thành viên phê chuẩn Công ước. Ban thư ký Công ước, đặt trụ sở tại Montreal, Canada.

a, Mục tiêu của Công ước (Điều 1): Công ước có ba mục tiêu chính:

–         Bảo toàn đa dạng sinh học;

–         Sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học

 

 

 

–         Bảo đảm chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích có được từ việc khai thác, sử dụng nguồn gen.

 

 

 

b, Các nguyên tắc (Điều 3): Các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc luật pháp quốc tế có toàn quyền khai thác các tài nguyên của họ theo luật pháp quốc gia; và có trách nhiệm bảo đảm rằng các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền hay kiểm soát của quốc gia không làm phương hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực không thuộc thẩm quyền quốc gia.

 

 

 

c, Các biện pháp chung để bảo tồn và sử dụng bền vững: 

 

Mỗi bên ký kết, tuỳ theo khả năng và điều kiện của mình sẽ: xây dựng chiến lược, kế hoạch hoặc chương trình về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học hoặc điều chỉnh lại các chiến lược, kế hoạch, chương trình hiện hành cho phù hợp với mục đích của Công ước (Điều 6).

Các bên phải đẩy mạnh việc tuyên truyền và giáo dục công chúng về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, đưa chủ đề này vào chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

d, Bảo tồn nội vi (bảo tồn tại chỗ)

Mỗi bên ký kết sẽ thực hiện đến mức tối đa và phù hợp các nội dung:

–         Thành lập hệ thống các khu bảo vệ hoặc các khu cần áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo tồn đa dạng sinh học.

–         Ở những nơi cần thiết, chỉ đạo việc lựa chọn thành lập và quản lý các khu bảo vệ hoặc các khu cần áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo tồn đa dạng sinh học.

 

 

 

–         Để bảo đảm thực hiện việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, cần điều chỉnh hoặc quản lý nguồn tài nguyên sinh học quan trọng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở trong hoặc ngoài khu bảo vệ.

 

 

 

–         Đẩy mạnh việc bảo vệ hệ sinh thái, các môi trường sống tự nhiên và duy trì sự tồn tại của số lượng quần thể các loài trong môi trường tự nhiên.

 

 

 

–         Đẩy mạnh sự phát triển mạnh mẽ và lâu dài về mặt môi trường các khu vực liền kề với các khu bảo tồn nhằm bảo vệ tốt hơn các khu vực này.

 

 

 

–         Khôi phục và phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và xúc tiến khôi phục lại các loài đang bị đe doạ. Ngoài ra, thông qua các việc triển khai và thực hiện các kế hoạch hoặc các chiến lược quản lý khác lưu hành các cơ thể sống đã bị làm biến đổi do công nghệ sinh học mà việc sử dụng và lưu hành chúng dường như có thể tác động xấu tới môi trường và do vậy có thể gây phương hại đến bảo toàn và sử dụng lâu bền đa dạng sinh học. Đồng thời cũng cần lưu ý các rủi ro gây ra cho sức khoẻ con người.

 

 

 

e, Bảo tồn ngoại vi (bảo tồn bên ngoài)

 

 

 

Điều 9 của Công ước quy định mỗi bên ký kết sẽ thực hiện một cách tối đa và phù hợp, chủ yếu nhằm bổ sung cho quy định quốc gia các nội dung sau:

 

–         Ưu tiên áp dụng các quy định của nước xuất xứ trong việc bảo tồn ngoại vi các bộ phận hợp thành của đa dạng sinh học.

–         Thiết lập và duy trì các điều kiện cho bảo toàn ngoại vi, nghiên cứu thực vật, động vật, vi sinh vật, chủ yếu ở nước xuất xứ nguồn gen.

–         Thực hiện các biện pháp phục hồi và khôi phục các loài đang bị đe doạ và tái nhập chúng trở lại vào môi trường sống tự nhiên của chúng theo các điều kiện thích hợp.

–         Điều tiết và quản lý việc thu thập tài nguyên sinh học từ môi trường sống tự nhiên cho mục đích bảo toàn ngoại vi mà không đe doạ đến các hệ sinh thái và lượng  quần thể nội vi của các loài, trừ những nơi cần phải tiến hành các biện pháp ngoại vi hiện đại nêu trên.

–         Hợp tác trong việc hỗ trợ tài chính và những hỗ trợ khác cho việc bảo toàn ngoại vi và thiết lập, duy trì các phương tiện bảo toàn ngoại vi ở các nước đang phát triển.

g, Quy định về tiếp cận nguồn gen

–         Công nhận các quốc gia có toàn quyền đối với tài nguyên thiên nhiên của mình, quyền tiếp cận nguồn gen thuộc về chính phủ quốc gia và được quy định trong luật pháp quốc gia.

–         Mỗi Bên ký kết sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn gen của các Bên ký kết vì mục đích môi trường và không đưa ra những hạn chế đi ngược lại mục đích của Công ước này.

 

 

 

–         Một sự tiếp cận chỉ được công nhận khi nó dựa trên các điều kiện được sự đồng ý lẫn nhau và tuân theo các khoản của Điều này.

 

 

 

–         Sự tiếp cận nguồn gen phải được sự đồng ý của Bên ký kết cung cấp nguồn gen, trừ khi có sự ấn định khác. Mỗi Bên ký kết sẽ ban hành luật pháp, quy định hành chính hoặc biện pháp thích hợp nhằm mục đích chia sẻ một cách trung thực và công bằng kết quả nghiên cứu, triển khai và lợi ích thu được từ hoạt động thương mại, từ việc sử dụng nguồn gen với bên ký kết khác theo điều kiện thoả thuận giữa các bên.

 

 

 

Nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, ngày 28/5/1993 Việt

 

Nam ký tham gia Công ước và được Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước đa dạng sinh học ngày 16/11/1994 đã trở thành thành viên chính thức của Công ước.

2.      Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp[2]

Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora), gọi tắt là Công ước CITES là sự đồng thuận quốc tế giữa chính phủ các quốc gia nhằm bảo đảm việc buôn bán quốc tế các mẫu động vật, thực vật hoang dã không bị đe doạ đến sự sống còn của chúng. Công ước CITES là bản thảo phác hoạ kết quả được thông qua trong nghị quyết năm 1963 tại hội nghị các thành viên của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Công ước đã được đại diện của 80 quốc gia ký tại Washington DC (Mỹ) hồi tháng 3 năm 1973 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1975. Công ước CITES được lập bằng 5 ngôn ngữ: Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, các bản dịch đều có giá trị như nhau.

 

 

 

Công ước CITES được mở rộng cho tất cả các quốc gia tham gia, văn bản phê chuẩn, chấp thuận, tán thành sẽ được nộp cho chính phủ Thụy Sỹ là chính phủ đăng cai Công ước. Đến nay đã có 175 quốc gia là thành viên của Công ước CITES.

 

Công ước CITES có 25 điều, nội dung của Công ước đề cập đến các nguyên tắc chung, các biện pháp và nghĩa vụ của các thành viên thực hiện việc cấm buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng được ghi trong bản phụ lục kèm theo của Công ước. Gồm 3 phụ lục sau:

a,  Phụ lục I bao gồm những loài đe doạ bị tuyệt chủng do hoặc có thể do buôn bán. Việc buôn bán thương mại giữa các nước trên thế giới các loài thuộc Phụ lục I này bị cấm hoàn toàn. Trong trường hợp ngoại lệ (như quà tặng hoặc trao đổi giữa các vườn bảo tồn), thì việc trao đổi mẫu vật những loài này phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt để không tiếp tục gây nguy hiểm cho sự tồn tại của chúng và chỉ được phép thực hiện khi được cho phép trước và có giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu, hoặc chứng chỉ tái xuất.

b, Phụ lục II bao gồm những loài mặc dù hiện tại chưa bị đe doạ tuyệt chủng nhưng có thể bị tuyệt chủng nếu việc buôn bán mẫu vật những loài đó không tuân theo quy tắc nghiêm ngặt, những loài này sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu việc buôn bán quốc tế quá mức mà không được kiểm soát chặt chẽ và điều chỉnh kịp thời. Các loài ghi trong Phụ lục II được phép buôn bán quốc tế thông qua việc kiểm soát và hạn chế của các nước thành viên, việc xuất khẩu, nhập khẩu bất kỳ mẫu vật nào của những loài thuộc Phụ lục II phải được phép trước và có giấy phép xuất khẩu hoặc chứng chỉ tái xuất.

c, Phụ lục III bao gồm tất cả những loài mà theo quy định của quốc gia thành viên đặt ra nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế việc khai thác và cần thiết phải có sự hợp tác với quốc gia thành viên khác để kiểm soát việc buôn bán. Những loài thuộc Phụ lục III là những loài chưa được ghi vào Phụ lục I và Phụ lục II được các nước thành viên sử dụng để kiểm soát việc buôn bán các loài động thực vật hoang dã của nước họ và yêu cầu quốc gia thành viên khác hỗ trợ bảo vệ. Những loài thuộc Phụ lục III được phép buôn bán trong điều kiện có kiểm soát (ít chặt chẽ hơn các loài thuộc Phụ lục II). Tuy nhiên, việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu bất kỳ mẫu vật nào thuộc Phụ lục III này của bất kỳ nước nào cũng đòi hỏi phải có giấy phép xuất khẩu, trường hợp tái xuất phải có chứng chỉ tái xuất do nước tái xuất cấp.

Các loài động vật, thực vật ghi trong Phụ lục I và II có thể được bổ sung hoặc chuyển dịch do thỏa thuận của các nước thành viên tại hội nghị toàn thể họp 2 năm một lần hoặc bỏ phiếu gửi qua bưu điện trong thời gian giữa 2 kỳ hội nghị. Việc sửa đổi, bổ sung các loài trong các phụ lục phải được ít nhất 2/3 quốc gia thành viên bỏ phiếu thông qua.

Công ước CITES và các phụ lục của Công ước là công cụ pháp lý nhưng đòi hỏi phải có luật pháp quốc gia. Quốc gia thành viên có nghĩa vụ tiến hành những biện pháp thích hợp để thi hành có hiệu lực các điều khoản ghi trong Công ước CITES, gồm những biện pháp sau:

­       Thiết lập một cơ quan thẩm quyền quản lý Nhà nước và một cơ quan thẩm quyền khoa học;

­       Cấm buôn bán các mẫu vật vi phạm Công ước; phạt việc buôn bán, lưu giữ các mẫu vật, hoặc cả hai hành vi này;

 

 

 

­       Tịch thu hoặc trả lại cho nước xuất khẩu các mẫu vật đó.

 

 

 

Trong trường hợp tịch thu mẫu vật thì mẫu vật sẽ được giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý của nước tịch thu; Sau khi trao đổi ý kiến với quốc gia xuất, cơ quan có thẩm quyền quản lý trên sẽ trả lại mẫu vật cho quốc gia đó và quốc gia này sẽ chịu tiền phí tổn, hoặc mẫu vật sẽ được trả lại cho trung tâm cứu nạn hay một nơi nào đó mà cơ quan có thẩm quyền quản lý của nước tịch thu cho là thích hợp và phù hợp với mục tiêu của Công ước CITES. Cơ quan có thẩm quyền quản lý của nước tịch thu có thể xin ý kiến cơ quan thẩm quyền khoa học, hoặc xin ý kiến Ban thư ký để quyết định, kể cả việc chọn các trung tâm cứu nạn hoặc địa điểm khác. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm mọi mẫu vật sống được chăm sóc thích hợp nhằm hạn chế tối đa các tổn thương về sức khỏe hay bị đối xử thô bạo trong quá trình vận chuyển hoặc quá cảnh.

 

 

 

–         Mỗi quốc gia thành viên sẽ duy trì những số liệu về buôn bán các loài nêu trong Phụ lục I, II và III, cụ thể là tên và địa chỉ của người xuất, người nhập; số lượng và kiểu giấy phép, chứng chỉ; những nước tham gia buôn bán; số lượng, chất lượng và hình thức của mẫu vật; tên loài, nếu thích hợp thì ghi cả kích thước và giới tính của mẫu vật.

 

Để bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời phối hợp có hiệu quả với cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và điều chỉnh việc buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, ngày 20/01/1994 Việt Nam gia nhập vào Công ước CITES và trở thành thành viên thứ 121 của Công ước. Để thực hiện tốt Công ước CITES, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và Quyết định số 74/2008/QĐ-BNN ngày 20/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Tại Việt Nam cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES là “Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” (viết tắt là Cơ quan quản lý CITES Việt Nam), được thành lập theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BNN ngày 23/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Cơ quan có thẩm quyền khoa học CITES là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu Hải Sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Cơ quan thẩm quyền quản lý có trách nhiệm liên hệ với các nước thành viên và Ban thư ký Công ước CITES, đồng thời cấp giấy phép hoặc chứng chỉ về các hoạt động buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Cơ quan thẩm quyền khoa học có trách nhiệm tư vấn khoa học cho cơ quan thẩm quyền quản lý và xác nhận việc nhập nội mẫu vật không làm tổn hại hoặc đe doạ sự tồn tại của loài có liên quan.

 

 

 

3.      Công ước quốc tế về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước

 

Công ước quốc tế về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước (Convention on Wetlands of International Importance, especially as Waterfowl Habita), công ước này được ký bởi các chính phủ tại hội nghị ở thành phố Ramsar, Iran ngày 02/02/1971, do vậy Công ước này còn được gọi là Công ước Ramsar. Đây là một công ước khung, là cơ sở để các quốc gia thành viên thực hiện các hoạt động và hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và mức độ sử dụng các vùng đất ngập nước và tài nguyên trong vùng đất ngập nước này. Đến nay Công ước Ramsar đã có 159 thành viên, với 1.847 vùng đất ngập nước, tổng diện tích đất ngập nước là 181 triệu héc ta được ghi nhận trong Danh sách Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi là khu Ramsar).

 

 

 

a, Thế nào là đất ngập nước?

 

Đất ngập nước theo quy định tại Điều 1 của Công ước Ramsar là những vùng đầm lầy, sình lầy, vùng than bùn hoặc vùng nước tự nhiên hay nhân tạo, thường xuyên có nước hay tạm thời, với nước đọng hay nước chảy, nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, bao gồm cả các vùng nước biển có độ sâu không quá 6 mét khi thuỷ triều thấp.

Với mục đích bảo vệ chặt chẽ có hệ thống những nơi này, Điều 2.1 của Công ước Ramsar quy định rằng những vùng đất ngập nước phải được ghi vào Danh sách những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và mỗi vùng đất ngập nước có thể sát nhập cả các vùng ven sông, ven biển kề cận với vùng đất ngập nước và các đảo hoặc các phần thuộc vùng nước biển có độ sâu hơn 6 mét khi thuỷ triều xuống thấp nằm trong ranh giới đất ngập nước, đặc biệt quan trọng như là nơi cư trú của loài chim nước.

Đất ngập nước có 5 loại chính được công nhận:

–         Vùng ven biển (đất ngập nước dọc bờ biển, gồm: đầm phá ven biển, mỏm đá dọc bờ biển và rạn san hô);

–         Cửa sông (gồm vùng châu thổ, vùng đầm lầy chịu ảnh hưởng của thuỷ triều, rừng đước ngập nước);

 

 

 

–         Hồ (hệ thống các ao hồ);

 

 

 

–         Vùng ven sông (đất ngập nước dọc theo các con sông, con suối);

 

 

 

–         Vùng đầm lầy (những vùng đất thấp bị ngập nước, vũng lầy, bãi sa lầy.

 

 

 

Ngoài ra, đất ngập nước do con người tạo ra như các ao, hồ nuôi cá, tôm, khu nuôi trồng thuỷ sản, đất trồng cây nông nghiệp, hồ muối, hồ chứa nước, nơi xử lý chất thải và các con kênh đào, sông đào.

 

 

 

b, Tại sao phải bảo vệ đất ngập nước?

 

Đất ngập nước là một môi trường sản xuất lớn nhất thế giới, là nguồn gốc của sự đa dạng sinh học, cung cấp nước và chứa đựng khả năng tạo ra rất nhiều loài động vật, thực vật cho sự sống. Chúng nuôi dưỡng và là nơi tập trung lớn của các loài chim, bò sát, động vật lưỡng cư, động vật không xương sống. Chúng có vai trò quan trọng và thiết yếu về sức khoẻ, sự thịnh vượng và sự an toàn đối với con người sống trong khu vực và gần khu vực đất ngập nước. Đất ngập nước còn là một “nhà kho” quan trọng của nguồn gen các loài cây họ gạo, các loài cây trồng trên đất ngập nước nói chung, phần lớn là nguồn thức ăn chính của con người.

Sự tiêu dùng nước sạch trên toàn cầu đã lên đến hơn sáu lần từ giữa năm 1990 và 1995 – lớn hơn gấp đôi so với sự gia tăng dân số. Một phần ba dân số thế giới ngày nay phải trải qua tình trạng sống căng thẳng về nguồn nước, đến năm 2025 trên hai phần ba con người trên trái đất sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất ngập nước, con người đã làm cho nguồn tài nguyên này bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngập nước, cải tạo thành các khu nuôi trồng thuỷ hải  sản, đánh bắt thuỷ sản bằng các phương pháp có tính huỷ diệt, chặt phá rừng ngập mặn, rừng đước, rừng sú vẹt, phá huỷ các rạn san hô, xả thải vào nguồn nước hoặc sử dụng không hợp lý hoá chất bảo vệ thực vật và phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp đã làm ô nhiễm nguồn nước và suy thoái nghiêm trọng đất ngập nước, đe doạ sức khoẻ và sự tồn tại của con người.

c, Nghĩa vụ của thành viên Công ước Ramsar

Để bảo vệ nguồn đất ngập nước, Công ước quy định mỗi thành viên phải thực hiện những nghĩa vụ sau:

–   Chỉ định những vùng đất ngập nước thích hợp trong phạm vi lãnh thổ của mình để đưa vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Ranh giới mỗi vùng đất ngập nước phải được mô tả chính xác và đồng thời được phân định trên bản đồ và ranh giới đó có thể sát nhập cả các vùng ven sông và ven biển kề cận với vùng đất ngập nước, các đảo hoặc các phần thuộc vùng nước biển có độ sâu hơn 6 mét khi thuỷ triều xuống thấp nằm trong ranh giới đất ngập nước, đặc biệt quan trọng như là nơi cư trú của loài chim nước.

­       Đất ngập nước chỉ được lựa chọn đưa vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế khi chúng có ý nghĩa quan trọng quốc tế, đáp ứng các điều kiện về sinh thái học, thực vật học, động vật học, khoa học nghiên cứu về hồ hoặc thuỷ học.

­       Nghiêm cấm việc gây tổn hại, không thừa nhận vùng đất ngập nước đã được ghi  trong Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế trên lãnh thổ quốc gia.

 

 

 

­       Chỉ định ít nhất một vùng đất ngập nước để đưa vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế khi ký Công ước hoặc khi nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước Ramsar.

 

 

 

­       Có quyền bổ sung vào Danh sách các vùng đất ngập nước thuộc phạm vi lãnh thổ của mình để mở rộng ranh giới các vùng đất ngập nước hoặc vì lợi ích quốc gia cấp thiết của mình mà xoá bỏ hay hạn chế bớt ranh giới vùng đất ngập nước đã đưa vào Danh sách thì trong thời gian sớm nhất phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền về bất kỳ sự thay đổi nào.

 

 

 

­       Xem xét trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện Công ước, quản lý và tăng cường mở rộng nơi cư trú của loài chim nước, cả nơi được chỉ định vào Danh sách và nơi mà quốc gia sử dụng quyền thay đổi vùng đất ngập nước thuộc thẩm quyền quốc gia đã được ghi trong Danh sách.

 

 

 

­       Phải lập và thực thi kế hoạch nhằm xúc tiến việc bảo tồn các vùng đất ngập nước bao gồm cả các vùng được ghi trong Danh sách và mức độ hợp lý về sử dụng những vùng đất ngập nước này trong phạm vi lãnh thổ của họ.

 

 

 

­       Phải trang bị một cách nhanh nhất những kiến thức về đặc điểm sinh thái học của bất kỳ vùng đất ngập nước nào thuộc thẩm quyền quản lý, bao gồm cả những vùng đã thay đổi trong Danh sách, vùng đang thay đổi hoặc vùng chờ thay đổi dựa vào kết quả phát triển kỹ thuật, ô nhiễm hoặc can thiệp khác của con người.

 

 

 

­       Phải đẩy mạnh việc bảo tồn các vùng đất ngập nước và loài chim nước bằng cách thiết lập những khu dự trữ tự nhiên trên vùng đất ngập nước, dù vùng đó có trong Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế hay không.

 

 

 

­       Ở nơi nào mà một bên tham gia vì lợi ích quốc gia cấp thiết mà xoá bỏ hoặc hạn chế bớt ranh giới vùng đất ngập nước đã đưa vào Danh sách thì Bên đó phải đền bù tối đa mọi tổn thất về tài nguyên đất ngập nước và nhất là phải tạo thêm các khu dự trữ thiên nhiên bảo vệ cho loài chim nước ở tại vùng đó nay ở nơi khác, một tỷ lệ thoả đáng với nơi cư trú ban đầu.

 

 

 

­       Cố gắng làm tăng trưởng số lượng chim nước ở các vùng đất ngập nước thích hợp.

 

 

 

­       Khuyến khích việc nghiên cứu và trao đổi số liệu, ấn phẩm về các vùng đất ngập nước và hệ động vật, hệ thực vật của chúng.

 

 

 

­       Đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ có thẩm quyền trong các lĩnh vực nghiên cứu, quản lý và bảo vệ đất ngập nước.

 

 

Nhận thức được tầm quan trọng của đất ngập nước, Việt Nam đã ký gia nhập Công ước Ramsar vào năm 1989, là thành viên thứ 50 và là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tham gia công ước này. Thông qua việc phê chuẩn Công ước Ramsar, Chính phủ đã cam kết thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước tiêu biểu, ngày 23 tháng 9 năm 2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2003/NĐ-CP về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước. Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (thuộc tỉnh Nam Định) được công nhận là khu đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam khi chính thức gia nhập Công ước Ramsar và là khu Ramsar thứ 50 của thế giới. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn, đây là một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Đến năm 2005 khu đất ngập nước Bàu Sấu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) đã chính thức được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng thứ 1.499 của thế giới theo Danh sách Ramsar, đồng thời là khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam. Diện tích đất ngập nước được công nhận trong khu Bàu Sấu là 13.759 ha, trong đó 151 ha đất ngập nước quanh năm và 5.360 ha đất ngập nước theo mùa, còn lại là các diện tích nằm dưới mực nước biển 115m.

 


[1] Xem toàn bộ nội dung Công ước tại trang Web: http://www.nea.gov.vn/html/DDSH/index3.html

[2] Xem toàn bộ nội dung Công ước CITES tại trang Web: http://www.nea.gov.vn/html/DDSH/index3.html

(: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *