Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Singapore

Singapore là một trong những quốc gia phát triển bậc nhất Đông Nam Á và việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia này là điều đặc biệt quan trọng trước khi kinh doanh. Luật Sư tư vấn các thông tin pháp lý để có thể bảo hộ thành công nhãn hiệu tại thị trường Singapore

Mục lục bài viết

1. PHẦN CHUNG

1.1. Nhãn hiệu hàng hóa là gì?

Theo luật Singapore, nhãn hiệu hàng hóa là bất cứ dấu hiệu, hình ảnh nào có thể phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại của người khác và những dấu hiệu đó có thể bao gồm chữ cái, từ ngữ, tên gọi, chữ ký, chữ số, hình mẫu bao gói, nhãn hàng, hình mô phỏng, màu sắc hoặc tổng hợp các yếu tố đó.

Những dấu hiệu đó không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước liên quan đến hàng hóa/dịch vụ cùng loại, không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng, không được trái với pháp luật hoặc đạo đức xã hội, không chỉ dẫn sai nguồn gốc địa lý của hàng hóa.

1.2. Những dấu hiệu nào không được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa?

+ Những dấu hiệu gây phản cảm đối với xã hội;

+ Những dấu hiệu có kèm theo những từ hoặc ám chỉ nghĩa tương tự với từ, cụm từ như “độc quyền” hoặc “đã bảo họ độc quyền”, “đã đăng ký”, “kiểu dáng đã đăng ký” hoặc “nhãn hiệu đã đăng ký”; “bản quyền tác giả”; “hàng nhái mẫu này là hàng giả”;

+ Những dấu hiệu tượng trưng cho Tổng thống Singapore;

+ Những dấu hiệu liên quan đến quân đoàn Anzac thời ký thế chiến thứ nhất.

+ Những dấu hiệu đặc trưng cho Chữ thập đỏ và chữ thập đỏ

+ Geneva như chữ thập có màu đỏ trên nền bạc hoặc nền trắng, chữ thập đỏ Liên bang Thụy sĩ…

+ Các biểu tượng như Quốc huy Cộng hòa Singapore, huy hiệu của quân đội Tổng thống, của Hoàng gia, huy hiệu và các hình vẽ biểu tượng gây nhầm lẫn với những dấu hiệu trên.

+ Các biểu tượng của Hoàng gia hoặc Hoàng đế như vương miện, hoặc cờ nước Cộng hòa hoặc cờ Hoàng gia, cờ Hoàng đế.

1.3. Quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa được xác lập trên cơ sở nào?

Nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ tại Singapore có thể xác lập thông qua đăng ký hoặc thông qua sử dụng.

Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Singapore là không bắt buộc. Tuy nhiên, đối với nhãn hiệu hàng hóa chưa đăng ký, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa phải dựa trên thông luật về chống mạo danh- quá trình này sẽ tốn kém và chiếm nhiều thời gian hơn so với các biện pháp thực thi áp dụng đối với quá trình bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu đã đăng ký.

1.4. Doanh nghiệp Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Singapore không?

CÓ. Singapore là thành viên Công ước Paris nên doanh nghiệp Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Singapore với điều kiện đơn phải được nộp ở Singapore cho cùng một nhãn hiệu và trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc tại một trong các quốc gia thành viên Công ước Paris hoặc kể từ ngày hàng hóa mang nhãn hiệu được trưng bày tại một triển lãm quốc tế chính thức tại một trong các quốc gia thành viên.

Ngày nộp đơn tại Singapore sẽ được tính theo ngày nộp đơn đầu tiên hoặc ngày hàng hóa được trưng bày tại triển lãm quốc tế đó.

1.5. Có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vào Singapore theo Thỏa ước Madrid không?

KHÔNG. Singapore không phải là thành viên của Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa nên doanh nghiệp Việt Nam muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Singapore phải đăng ký theo hệ thống đăng ký quốc gia tại Cục sở hữu trí tuệ Singapore (tiếng Anh viết tắt là “IPOS”) hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng internet.

1.6. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Singapore có nhất thiết phải qua người đại diện không?

Luật quy định tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn phải nêu rõ địa chỉ của đại diện sở hữu công nghiệp hoặc địa chỉ ở Singapore để IPOS liên lạc. Trong thực tế, hầu hết chủ thể nước ngoài đều chỉ định một đại diện Singapore để tiến hành các thủ tục đăng ký tại Singapore.

Các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp Việt Nam, ví dụ như Phạm & Liên Danh có thể giúp các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong việc liên lạc với đại diện sở hữu công nghiệp Singapore và tiến hành các thủ tục nộp đơn tại Singapore.

2. THỦ TỤC NỘP ĐƠN

2.1. Ai có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa?

Bất kỳ chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa nào sử dụng hoặc có ý định sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đó đều có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Singapore.

2.2. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại IPOS như thế nào?

Doanh nghiệp phải điền vào đơn theo mẫu TM 4 do IPOS ban hành.

Cùng với đơn, doanh nghiệp phải nộp lệ phí là 306 đô la Singapore (nếu đăng ký điện tử) hoặc 336 đô la Singapore (đăng ký thông thường) cho mỗi nhóm hàng hóa, dịch vụ. Người nộp đơn nước ngoài muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa phải chỉ định trong đơn một đại diện Singapore có văn phòng và địa chỉ tại Singapore để IPOS liên hệ.

Doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ:

Registar of Trade Marks

Registry of Trade Marks

Intellectural Property Office of Singapore

51 Bras Basah Road

#4-01 Plaza By The Park

Singapore 189554

Trong trường hợp đăng ký điện tử, liên hệ với:

Mrs Ang-Ong Bee Liuan

Tel: (65) 6330 2710

Hoặc

Mr Wilfred Ban

Tel: (65) 6330 2718

Email: ipos_etrademarks@ipos.gov.sg

để được hướng dẫn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu những vấn đề khác liên quan đến đăng ký nhãn hiệu theo địa chỉ trang web

http://www.ipos.gov.sg/newdesign/index.html

2.3. Khi nộp đơn phải cung cấp những thông tin cần thiết gì?

Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa phải làm bằng tiếng Anh theo mẫu được IPOS phát hành. Trong trường hợp nộp đơn thôn thường thì các thông tin phải được đánh máy.

+ Nếu nhãn hiệu được hình thì phải mô tả nhãn hiệu.

+ Nếu nhãn hiệu xin đăng ký là nhãn hiệu 3 chiều, với một phần là bao bì sản phẩm thì phải mô tả nhãn hiệu theo các mặt nhãn hiệu. Nếu nhãn hiệu là nhãn hiệu mầu thì phải có 5 mẫu nhãn hiệu được đính kèm theo đơn đăng ký. Nếu từ ngữ dùng cho nhãn hiệu không phải là từ tiếng Anh hoặc chữ cái không phải chữ Latinh thì phải mô tả nhãn hiệu trong đó chỉ rõ tiếng nguyên gốc, phần dịch và phiên âm sang tiếng Anh các từ hoặc chữ cái đó.

+ Danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu và nhóm phân loại.

+ Tên, địa chỉ, quốc tịch của người nộp đơn.

+ Nếu doanh nghiệp nộp đơn thông qua đại diện thì cần ghi rõ tên, địa chỉ của đại diện ở Singapore.

Các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp Việt Nam, ví dụ như Văn phòng luật sư Phạm & Liên Danh có thể giúp các doanh nghiệp liên lạc với đại diện Singapore và tiến hành các thủ tục nộp đơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

2.4. Có thể tìm Bảng phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ ở đâu?

Singapore sử dụng bảng phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ theo Thỏa ước Nice về Phân loại quốc tế Hàng hóa và Dịch vụ nhằm mục đích Đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa. Bảng phân loại Nice có thể tìm thấy trên trang web của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO theo địa chỉ http://www.wipo.org, mục “About WIPO” của trang chủ, vào sâu tiếp trang “Treaties and Contracting parties”, vào tiếp trang “Classification treaties”, doanh nghiệp sẽ tìm thấy “Nice Agreement Concerning the International Classification on Goods and Services fỏ the Purpose for the Registration of Marks” hoặc tìm hiểu Bảng phân loại tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp cần xác định chính xác nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ theo bảng phân loại Nice.

Trong đơn đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp phải đính kèm một danh mục tất cả những hàng hóa và dịch vụ mà nhãn hiệu dự định sử dụng. Việc phân nhóm sản phẩm có thể không chính xác và khi bị sửa đổi, doanh nghiệp phải trả phí bổ sung cho đơn như đã viết ở trên.

2.5. Lệ phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Singapore là bao nhiêu?

Doanh nghiệp phải chịu chi phí chính thức theo bảng phí Nhà nước và chi phí dịch vụ cho đại diện sở hữu trí tuệ (nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ). Tổng chi phí sẽ rất khác nhau theo từng trường hợp.

Phí cơ bản đối với đơn có thể bao gồm:

+ 306/336 đô la Singapore cho đơn theo mẫu TM4 đối với một nhóm hàng hóa/dịch vụ (tùy thuộc vào đăng ký điện tử hay đăng ký thông thường như đã đề cập ở trên)

+ Doanh nghiệp cũng có thể phải trả thêm phí như:

+ 40 đô la Singapore khi bổ sung đơn đối với đơn bị xét nghiệm viên sửa đổi.

+ 20-21 đô la Singapore khi bổ sung tên/địa chỉ của người nộp đơn (tùy thuộc vào đăng ký điện tử hay đăng ký thông thường).

+ 8-8,5 đô la Singapore khi thêm hoặc thay đổi địa chỉ dịch vụ (tùy thuộc vào đăng ký điện tử hay đăng ký thông thường)

2.6. Đơn nhãn hiệu được xử lý như thế nào, thời hạn là bao lâu?

IPOS sẽ xét nghiệm hình thức đơn nhãn hiệu. Sau khi đáp ứng yêu cầu về hình thức, nhãn hiệu sẽ được xét nghiệm về nội dung xem có đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo luật hay không.

Thời hạn xét nghiệm đơn thông thường trên 14 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.

Những đơn đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ sẽ được công bố trên Công báo để bên thứ ba có thể phản đối và sau thời hạn công bố mà không có ai phản đối đơn hoặc nếu có nhưng kết quả cuối cùng cho thấy nhãn hiệu vẫn được bảo hộ thì IPOS sẽ cấp Giấy đăng ký cho nhãn hiệu.

2.7. Có thể khiếu nại quyết đinh của cơ quan đăng ký nhãn hiệu không?

CÓ. Nếu không bằng lòng với quyết định của cơ quan đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể khiếu nại theo trình tự lên người đứng đầu bộ phận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Singapore.

3. THỜI HẠN HIỆU LỰC VÀ GIA HẠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA

3.1. Thời hạn hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là bao nhiêu năm?

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Singapore có hiệu lực là 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm với điều kiện chủ sở hữu nộp đơn gia hạn và lệ phí duy trì hiệu lực đúng hạn.

3.2. Chủ sở hữu phải nộp đơn gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu khi nào?

Trong vòng từ 2 đến 3 tháng trước khi hết hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu phải nộp đơn xin gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu kèm theo lệ phí gia hạn. Lệ phí duy trì hiệu lực là 250 hoặc 270 đô la Singapore (tùy thuộc đăng ký điện tử hay đăng ký thông thường).

Nếu lệ phí duy trì hiệu lực không được trả đúng hạn thì đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ mất hiệu lực. Tuy nhiên, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết hạn đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa có thể nộp lệ phí phục hồi hiệu lực bằng cách nộp đơn phục hồi hiệu lực kèm theo phí gia hạn và phí phục hồi hiệu lực là 150 đô la Singapore.

3.3. Để chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa cần phải làm gì?

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với đơn nhãn hiệu đang trong thời gian xử lý đơn hoặc nhãn hiệu đang có hiệu lực phải được ghi nhận tại Cơ quan đăng ký thì mới có giá trị pháp lý. Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa quy định chủ sở hữu mới có nghĩa vụ đăng ký việc chuyển nhượng. Việc sửa đổi tên chủ sở hữu được thực hiện kèm theo lệ phí 80 đô la Singapore.

Trong trường hợp ký hợp đồng li-xăng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký, hợp đồng li-xăng cũng phải được đăng ký với cơ quan đăng ký kèm theo lệ phí là 60 đô la Singapore cho một nhãn hiệu.

3.4. Có thể thay đổi các thông tin/ chi tiết liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký không?

CÓ. Việc sửa đổi có thể thực hiện bằng cách khai vào những mẫu đơn nhất định và nộp một khoản lệ phí tùy theo từng trường hợp.

+ Sửa đổi tên hoặc địa chỉ trong đăng ký: 20 hoặc 21 đôla Singapore

+ Sửa ngày tháng trong đăng bạ: 325 đôla Singapore

+ Hủy bỏ một phần nhóm hàng hóa/dịch vụ: 40 đôla Singapore

+ Chủ sở hữu muốn loại trừ một số nội dung quyền trong đăng ký thì phải nộp 35 đôla Singapore và phí tái quảng cáo 75 đôla Singapore.

3.5. Hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ không?

CÓ. Bất cứ một ai quan tâm cũng có thể làm đơn yêu cầu xem xét lại hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đơn được nộp kèm theo lệ phí 400 đôla Singapore.

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có thể bị hủy bỏ vì những lý do sau:

+ Nhãn hiệu không được sử dụng trong vòng 5 năm sau khi đăng ký;

+ Nhãn hiệu không được sử dụng trong vòng 5 năm liên tục mà không có lý do chính đáng;

+ Nhãn hiệu hàng hóa đã trở thành tên gọi thông thường của sản phẩm;

+ Nhãn hiệu hàng hóa được dùng theo cách thức gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, chất lượng hàng hóa, về chỉ dẫn địa lý của hàng hóa/dịch vụ.

+ Nhãn hiệu hàng hóa cũng có thể bị hủy bỏ nếu vi phạm quy định Luật nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ trước, hoặc nhãn hiệu được đăng ký do nhầm lẫn hoặc mạo danh trong quá trình đăng ký.

Các bên quan tâm có thể yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu trong vòng 7 năm kể từ ngày đăng ký có hiệu lực. Trong trường hợp nhãn hiệu được đăng ký trái với trật tự đạo đức xã hội thì thời hạn hủy bỏ nhãn hiệu không bị giới hạn.

4. THỰC THI QUYỀN

4.1. Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa?

Hành vi sử dụng nhãn hiệu hàng hóa trùng hoặc tương tự đối với hàng hóa/dịch vụ cùng loại gây nhầm lẫn bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.

Việc sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng cũng bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

4.2. Khi bị nhãn hiệu bị vi phạm chủ sở hữu phải làm gì?

Khi có dấu hiệu bị xâm phạm,chủ sở hữu có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Singapore bảo vệ quyền của mình. Các biện pháp thực thi bao gồm các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự và biện pháp kiểm soát biên giới.

>> Tham khảo dịch vụ liên quan:

Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa vui lòng liên hệ trực tiếp với Chúng tôi để được tư vấn!

Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

CÔNG TY LUẬT TNHH MINH KHUÊ

Điện thoại yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn luật Sở hữu trí tuệ:

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email:

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Chuyên viên Phòng Sở hữu trí tuệ – Công ty luật Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *