Sửa tên cha nuôi trong Giấy khai sinh của con nuôi

Thưa Luật sư! Năm 2009, tôi có nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi. Quyết định nuôi con nuôi và tên cha trong Giấy khai sinh của con nuôi tôi được xác định theo tên thường gọi là Nguyễn văn A (vì các giấy tờ cá nhân tôi sử dụng tên là Nguyễn văn A).

Đến năm 2014 do yêu cầu giao dịch dân sự của tôi cần đến giấy khai sinh tôi đến UBND xã xin cấp bán sao khai sinh lúc đó tôi mới được biết tên khai sinh của tôi trong sổ hộ tịch là Nguyễn Văn B. Sau đó được hướng dẫn làm thủ tục cấp lại bản chính giấy khai sinh và điều chỉnh tên trong sổ hộ khẩu, cấp lại CMND theo tên khai sinh là Nguyễn Văn B.

Vậy nay tôi đi làm thủ tục cải chính tên của tôi trong Giấy khai sinh của con nuôi tôi từ Nguyễn Văn A thành Nguyễn Văn B có được không? Nếu được thì Quyết đinh nhận nuôi con nuôi của tôi trước đây có được sửa tên tôi trong phần ghi về cha nuôi theo tên khai sinh của tôi là Nguyễn Văn B không? Nếu không được sửa tên của tôi trong quyết định nuôi con nuôi thì việc cải chính giấy khai sinh có bị ảnh hưởng đến quyết định nuôi con nuôi trước đây không?

Tôi xin luật gia hướng dẫn tôi cách giải quyết cụ thể trong tình huống này.

Xin chân thành cảm ơn!

>> Tư vấn hướng dẫn cách sửa tên cha trong giấy khai sinh, gọi:

Trả lời

Chào bạn,Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Xin giấy phép. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Quyền thay dổi họ, tên:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền thay đổi tên trong những trường hợp sau:

– Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

– Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

– Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

– Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

– Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

– Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

– Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Và tại khoản 3 điều này có quy định thêm là: “Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.”

Như vậy, việc bạn đổi tên trong giấy khai sinh không làm ảnh hưởng đến quyết định nuôi con nuôi được cấp trước đây cũng như Giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Bạn có thể làm thủ tục thay đổi tên của mình trong Giấy khai sinh của con nuôi căn cứ vào khoản 2 điều 26 Luật hộ tịch 2014:

Điều 26. Phạm vi thay đổi hộ tịch
1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
2.
Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

2. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch:

Đồng thời tại điều 28, đã quy định cụ thể về thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch như sau:

– Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

– Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

3. Hồ sơ thay đổi, cải chính hộ tịch:

Như vậy, trong trường hợp trên giấy khai sinh của con bạn ghi sai thông tin tên của bố thì có thể làm thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch chứ không cần làm lại giấy khai sinh. Cụ thể, hồ sơ bao gồm:

+ Phiếu đề nghị đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc( nộp tờ khai theo mẫu quy định);

+ Bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch.

+ Bản chính hoặc bản sao chứng minh thư nhân dân photo có chứng thực của bố, mẹ(trường hợp sửa lại tên bố, mẹ trong giấy khai sinh).

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với : hoặc gửi qua email: để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Xin giấy phép.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật MInh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *