Quy định về làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới người dân có phải đóng góp không ? Nhà nước hỗ trợ thế nào ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thưa xin giấy phép, cho em xin được hỏi là làm đường xây dựng nông thôn có phải đóng góp không ạ ? Khu vực em hỏi tại huyện Lương Tài – tỉnh Bắc Ninh và nếu được trên hỗ trợ kinh phí làm đường bê tông thì được hỗ trợ bao nhiêu ạ ? Có giấy tờ pháp lý nào quy định không ạ ?

Để cho người dân tin hiểu và các cán bộ thuộc các cấp không tham nhũng được ạ ?

Em thay mặt người dân huyện Lương Tài – tỉnh Bắc Ninh xin chân thành cảm ơn đến gia đình luật Minh Khuê ạ.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của

 

Luật sư trả lời:

Điều 5 Mục V Quyết định 1600/QĐ-TTg quy định như sau:

“…5. Cơ chế hỗ trợ:

a) Hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho tất cả các xã để thực hiện: Công tác quy hoạch; tuyên truyền; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng, người dân và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn (thuộc phạm vi của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

b) Hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước cho các xã để thực hiện: Xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế xã, trung tâm thể thao, nhà văn hóa xã, khu thể thao, nhà văn hóa thôn, bản, các công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư, cải tạo nghĩa trang, cảnh quan môi trường nông thôn, cải tạo, mở rộng, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn; hoàn thiện, xây mới hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy định, hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, phát triển sản xuất và dịch vụ, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, hỗ trợ cho xây dựng các trung tâm bán hàng hiện đại ở cấp xã, hỗ trợ phát triển hợp tác xã (theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ), hỗ trợ thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ), kinh phí vận hành Quỹ xây dựng nông thôn mới.Đối với các xã thuộc các huyện nghèo trong Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% cho các nội dung nêu trên.

Đối với các xã còn lại: Căn cứ Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016- 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều kiện thực tế của các địa phương và nhu cầu hỗ trợ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể.

c) Đối với vật liệu xây dựng, giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa khác (do người dân trực tiếp làm ra) khi mua trực tiếp của dân để sử dụng vào các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì giá cả phải phù hợp mặt bằng chung của thị trường trên địa bàn cùng thời điểm; chứng từ để thanh toán là giấy biên nhận mua bán với các hộ dân, có xác nhận của trưởng thôn nơi bán, được Ủy ban nhân dân xã xác nhận.

d) Kinh phí hoạt động của cơ quan chỉ đạo Chương trình các cấp ở địa phương được trích 1,0 – 1,5% nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình để hỗ trợ chi cho: Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổ chức họp triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình, công tác phí cho cán bộ đi dự các hội nghị, tập huấn của Trung ương, tỉnh, huyện và trang thiết bị văn phòng cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; tổ chức khảo sát, thẩm định xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ cụ thể kinh phí cho Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương. Căn cứ vào tình hình cụ thể và khả năng ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho cơ quan chỉ đạo Chương trình từ nguồn ngân sách địa phương.

đ) Nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình từ ngân sách đều phải quản lý và thanh toán tập trung, thống nhất qua Kho bạc Nhà nước. Đối với các nguồn đóng góp bằng hiện vật và ngày công lao động hoặc công trình hoàn thành, căn cứ đơn giá hiện vật và giá trị ngày công lao động, để hạch toán vào giá trị công trình, dự án để theo dõi, quản lý, không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

e) Kinh phí duy tu, bảo dưỡng và vận hành các công trình đầu tư sau khi đã hoàn thành đưa vào sử dụng: Khoảng 6% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của từng xã.

g) Chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương. Cộng đồng và người dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.

Hộ nghèo tham gia trực tiếp lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương được chính quyền địa phương xem xét, trả thù lao theo mức phù hợp với mức tiền lương chung của thị trường lao động tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân địa phương xem xét, quyết định mức thù lao cụ thể sau khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, xã triển khai thực hiện.

h) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn và phân bổ kinh phí (bao gồm kinh phí hỗ trợ của ngân sách Trung ương và nguồn của ngân sách địa phương các cấp) để thực hiện các dự án, nội dung công việc theo quy định…”

và Điều 2 Công văn 10589/BTC-NSNN 2015 quy định như sau:

“…2. Về huy động nguồn ngoài ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:

a) Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản huy động của nhân dân; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; văn bản số 1447/TTg-KTN ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

b) Việc xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích. Việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của nhà nước và đóng góp của nhân dân. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không giao chỉ tiêu huy động, không gắn việc đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp. Đồng thời, phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.

c) Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân, chú trọng hướng dẫn tổ chức, hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn.

d) Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước … thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật…”

Như vậy, theo quy định pháp luật nêu trên có thể thấy rằng pháp luật không bắt buộc người dân phải đóng góp trong việc xây dựng các công trình nông thôn mới. Việc đóng góp của người dân buộc phải có sự bàn bạc và được sự đồng tình của người dân. Nếu cơ quan có thẩm quyền nhà nước yêu cầu người dân đóng góp mà không có sự bàn bạc, đồng ý của người dân thì hành vi này của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hoàn toàn trái với quy định pháp luật.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ  để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *