Phí bảo trì đường bộ là gì ? Pháp luật quy định thế nào về quỹ bảo trì đường bộ, thu phí bảo trì đường bộ ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Gần 1 tháng qua, sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) chuẩn bị xong dự thảo Quỹ bảo trì đường bộ , Bộ GTVT đang tổ chức tiếp thu, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự thảo. Thoạt nghe thì tưởng là hay nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, đã có nhiều ý kiến không đồng tình về nguồn thu để hình thành quỹ này.

Quá nhiều loại phí?

Theo dự thảo, Quỹ bảo trì đường bộ sẽ hình thành từ 9 nguồn thu: Phí sử dụng đường bộ thông qua xăng dầu 1.000 đồng/lít; thu phí cầu, đường bộ mới xây, nâng cấp có tiêu chuẩn kỹ thuật cao (hiện có 46 trạm trên toàn quốc); lệ phí cấp bằng lái xe các loại, trong đó điều chỉnh lệ phí cấp bằng đối với ôtô từ 140 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng và xe máy từ 100 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng; phí sử dụng bến bãi, hành lang đường bộ làm nơi nghỉ, đỗ xe; phí kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ; thu từ hỗ trợ của các tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài nước cho giao thông đường bộ; thu phí giao thông hàng năm theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ (mức thu dự kiến 100 – 150 nghìn đồng/tháng đối với ôtô và 200 nghìn đồng/năm đối với xe máy mới đăng ký); Thu 10% trên giá bán săm lốp ôtô; Thu từ chuyển nhượng quyền thu phí các công trình đường bộ.

Dù mới chỉ đem ra bàn, dự thảo này đã nảy sinh nhiều khúc mắc. Trước hết với những người sử dụng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông đường bộ: như thuỷ lợi, giao thông đường sắt, giao thông đường thuỷ, phát điện… đối tượng này chiếm tới 25%. Nhất định phải có cơ chế hoàn trả phí cho những đối tượng này. Tiếp đó là thắc mắc từ chính những người tham gia giao thông, đó là nguồn kinh phí làm đường chính là tiền thuế của dân đóng góp và khi tham gia giao thông họ đã phải chi trả quá nhiều loại phí khi lưu hành trên đường. Phí thu qua xăng dầu, qua săm lốp, qua trạm thu phí cầu đường (toàn quốc hiện còn 62 trạm), qua từng đầu xe lưu thông… thì phí sẽ chồng phí và là một khoản chi không nhỏ.

Đề án thu phí Quỹ bảo trì đường bộ: Bất khả thi?

Dân hãi, DN sợ?

Ông Lương Văn Minh – GĐ Cty Trường Xuân bày tỏ những lo ngại bởi sự đánh đồng trong thu phí vào xăng dầu với mọi đối tượng thì ngay cả khi Cty ông dùng máy phát điện cũng mất phí giao thông. Ông nói: “Suốt mấy tháng qua do việc cung ứng điện không đảm bảo, thường xuyên bị cắt điện luân phiên, để ổn định sản xuất, chúng tôi đã phải dùng dầu diesel để phát điện, chi phí cho mỗi giá thành sản phẩm đội lên rất lớn. Nay mà Nhà nước thu phí giao thông, hạch toán vào giá xăng, dầu nữa thì chắc là DN chúng tôi không thể kham nổi. DN như chúng tôi đã vậy, nhiều DN khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Đó là chưa kể hệ thống máy phát điện tại các gia đình cũng phải trả “phí giao thông” thì quả là phi lý.

Còn ông Phạm Đình Thoan (xã Đông Xá, Đông Hưng, Thái Bình) thì lại đặt ra một vấn đề khá thú vị mà những người lập đề án đã bỏ quên. Đó là: Ở quê tôi chỉ có hơn 100km là quốc lộ và tỉnh lộ nhưng có cả chục ngàn km đường lộ nông thôn do dân tự làm và có hơn 9/10 là dân sống ở nông thôn, tham gia giao thông ở đường của mình tự làm. Như vậy buộc họ phải trả phí đường khi mua xăng để đi trên đường của mình tự làm thì có hợp lý không?

Nhưng có lẽ, điều khiến hầu hết những người được hỏi đều lo ngại là: Trả phí rồi mà vẫn phải đi đường xấu thì sao? Về việc này, ông Luyện Xuân Trường – Giám đốc Cty Hưng Hải phát biểu: Doanh nghiệp chúng tôi có hàng trăm xe vận tải các loại, không phải cứ lăn bánh là được ra đường đẹp, đường quốc lộ. Có nhiều chuyến đi vào đường xấu, ổ voi, ổ gà, xe bị hư hỏng nặng. Nếu thu phí giao thông qua xăng dầu, trường hợp như vậy thì ai đền chúng tôi. Theo tôi, hiện nay nên duy trì các trạm thu phí cầu đường bộ và khuyến khích phát triển hình thức trạm BOT là hợp lý nhất. Khi nào hệ thống đường sá được Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả thì cũng tính đến việc thu phí giao thông qua xăng dầu.

Rõ ràng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuống cấp hệ thống đường bộ, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nguồn vốn đầu tư cho việc duy tu bảo dưỡng đường bộ hiện nay rất hạn chế, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ (30 – 40% nhu cầu) cho việc duy tu bảo dưỡng đường. Điều đó khẳng định rằng việc lập Quỹ Bảo trì đường bộ là cần thiết. Nhưng làm thế nào thì lại là việc hoàn toàn khác. Với cách mà đề án đưa ra hiện giờ quả là bất khả thi!

Theo số của Bộ GTVT, năm 2009 cả nước tiêu thụ khoảng 2.971 triệu lít xăng dầu. Nếu đề án này được thông qua, mỗi năm sẽ thu được khoảng 3.411 tỷ đồng, còn thu phí lưu hành khi các loại xe được đăng kiểm và đăng ký mới vào khoảng 3.511 tỷ đồng/năm. Số tiền này có thể đáp ứng khoảng 82% nhu cầu bảo trì quốc lộ và 41% nhu cầu bảo trì đường địa phương. Toàn quốc hiện có hơn 218.500 km đường, riêng quốc lộ là 17.290 km. Trong đó, 35% đạt loại trung bình, 17% loại xấu, 16% loại rất xấu. Như vậy, tính trên toàn bộ hệ thống đường bộ, có đến 2/3 số đường đang cần bảo dưỡng ngay.

Bộ phận thuế – (biên tập)

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *