Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Người chưa thành niên được hiểu một cách chung nhất là người chưa đủ 18 tuổi, khi đó nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của họ chưa thực sự đầy đủ nên pháp luật có những quy định riêng biệt nhằm bảo đảm sự phát triển tốt trong tương lai nếu họ có những hành vi vi phạm pháp luật:

Mục lục bài viết

1. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội ?

1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

2. Giao dịch dân sự do người chưa thành niên phạm tội ?

Kính chào luật sư! Em có một tình huống như thế này cần sự tư vấn của Luật sư. Bố mẹ tặng A (15 tuổi) chiếc di động trị giá 10 triệu. Sau đó A bán chiếc di động cho B (14 tuổi) với giá 2 triệu. Khi biết được sự việc. Bố mẹ A đến nhà B xin lại chiếc điện thoại và trả cho B 2 triệu. Nhưng bố mẹ B không đồng ý. Nói đây là chuyện của hai đứa. Để hai đứa tự giải quyết. Bố mẹ A thì lại khảng định giao dịch này vô hiệu do A và B chưa đủ tuổi vị thành niên.

Vậy giao dịch này có bị vô hiệu hay không? cơ sở pháp lý nào? Và giải quyết như thế nào?

Xin chân thành cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến công ty Xin giấy phép, căn cứ vào các thông tin bạn cung câp xin tư vấn như sau:

Điều 21 quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên như sau:

“Điều 21: Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Như vậy trong trường hợp của bạn A đã 15 tuổi nên A có quyền thiết lập, thực hiện giao dịch dân sự không phải là bất động sản, động sản cần phải đăng kí nằm trong phạm vi tài sản riêng của mình. Chiếc điện thoại mà A đem bán là của bố mẹ tặng vậy đây là tài sản riêng của A, nên A có quyền bán nó mà không cần phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật( bố mẹ A).

Còn B mới 14 tuổi vậy việc thiết lập thực hiện giao dịch dân sự của B phải đươc sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật( bố mẹ B ), trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi của B, như mua đồ ăn, đồ dùng học tập bút, vở ……….. Trường hợp này B thực hiện giao dịch mua bán điện thoại thì không phải là phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và không phù hợp với lứa tuổi của cháu nên không được pháp luật công nhận. Khi bị phát hiện sẽ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, có nghĩa là hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Vậy trong trường hợp này A và B phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận, B sẽ phải trả lại A chiếc điện thoại và A phải trả lại B 2 triệu đồng.

3. Mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cướp tài sản

Chào luật sư, bạn tôi là T (15 tuổi) phạm tội cướp tài sản là chiếc xe ô tô của anh H. Chiếc xe được định giá 200 triệu đồng. Anh H bị thương tích 35%. Luật sư cho tôi hỏi mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với T là như thế nào?

Tôi cảm ơn.

Mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cướp tài sản

Luật sư tư vấn:

Khoản 2 điều 12 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“ Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…”

Trường hợp phạm tội cướp tài sản của T thuộc loại tội rất nghiêm trọng do cố ý, bởi vì:
Việc phân loại tội phạm và việc tòa án quyết định hình phạt với người phạm tội là hai vấn đề khác nhau. Sở dĩ như vậy vì chúng có những căn cứ khác nhau: đối với việc phân loại tội phạm, người ta căn cứ trên cơ sở tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, còn tòa án quyết định hình phạt lại dựa trên bốn cơ sở theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 là: các quy định của Bộ luật hình sự, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, để phân loại tội phạm ta phải dựa vào mức hình phạt cao nhất do Bộ luật hình sự quy định đối với tội đó chứ không căn cứ vào mức án do tòa án đã tuyên. Theo Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về phân loại tội phạm đã được quy định như sau:

“Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:

1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Để xác định mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng với T, cần căn cứ vào các dấu hiệu sau:

– Về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội:

​T đã có thủ đoạn nguy hiểm để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Hành vi của T đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, khiến anh H bị thương tích 35%, tổn hại về cả tinh thần và sức khỏe, giá trị tài sản chiếm đoạt còn lên tới 200 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với người vị thành niên chưa tròn 16 tuổi như T. Hành vi phạm tội mà T gây ra còn ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến nhận thức của lớp trẻ sau này.

– Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS:

Hành vi phạm tội của T có tính chất côn đồ: hành vi và các tình tiết khách quan khác thể hiện sự hung hãn, coi thường người khác, coi thường pháp luật của T. Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng: biểu hiện ý chí quyết tâm thực hiện tội phạm thông qua việc cố khắc phục mọi trở ngại để thực hiện bằng được tội phạm, vì vậy mức độ lỗi của T cũng cao hơn trường hợp bình thường.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Khoản 2, Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về việc phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên như sau:

” 2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Như vậy, chủ thể ở đây cũng là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mức hình phạt được pháp luật quy định. Trong trường hợp này, tính đến ngày phạm tội, T mới 15 tuổi chưa đủ 16 tuổi nên mức hình phạt cao nhất được áp dụng cho T là 10 năm tù.

4. Người chưa thành niên phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ?

Thưa luật sư ! Mong luật sư tư vấn giúp tôi vào trường hợp sau ạ! Có một nhóm người đã chắn đường và lao vào đánh em trai tôi rất nhiều lần. Nhưng em tôi đã tìm cách chạy thoát nhưng có một lần đám người đó lại bao vây em tôi. Khi đó em tôi sợ quá vì rât đông người và đã lấy dao từ túi xách và đâm trúng một người trong nhóm đó và em trai tôi bỏ chạy. Người đó nhập viên và bị tổn thương 61% và gia đình người đó đã kiện em trai tôi.

Vậy em trai tôi phải chịu hình sự như thế nào ạ trong khi đó gia đình tôi đã chi trả hoàn toàn viện phí rồi ạ. Gia đình hai bên đã thỏa thuận nhưng phía bị hại đòi khoản tiền bồi thường 100 triệu quá cao so với mức lương của bố mẹ tôi 1 tháng cả hai người chỉ kiếm được 4 triệu đồng. Em trai tôi vào lúc gây án mới 15 tuổi ạ. Mong luât sư tư vấn giúp.

Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn !

Trả lời:

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì hành vi của em bạn là hành vi do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vậy thế nào là phòng vệ chính đáng và cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

– Tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”

– Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây thương tật cho người xâm hại từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

Trong trường hợp này gây thương tích cho một người với mức tỉ lệ tổn thương cơ thể là 61% nên thuộc mức khung hình phạt quy định tại khoản 12 điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì mức phạt là phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

“Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”

Nhưng khi xét về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 Bộ luật hình sự quy định:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này

Tại điểm a khoản 1 điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về mức độ nghiêm trọng của tội phạm như sau:

“Điều 9. Phân loại tội phạm…

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;”

Hơn nữa, em trai bạn còn có một số tình tiết giảm nhẹ như quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

i) Phạm tội lần đầu (Nếu em trai bạn phạm tội lần đầu) và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

Kết luận: từ việc phân tích những quy định trên của Bộ luật Hình sự ta thấy rằng em trai bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự hiện hành.

Ngoài ra, việc bồi thường bạn sẽ xem xét về mức bồi thường căn cứ Điều 590 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Dựa vào quy định này, bạn có thể tiến hành xác định các mức bồi thường thiệt hại.

5. Giảm hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội

Thưa luật sư, Xin cho tôi hỏi có trường hợp nào mà người chưa đủ 18 tuổi phạm , pháp luật xử 10 năm tù, cải tạo tốt được chỉ phải thi hành tất cả là 2 năm 8 tháng (32 tháng) là hết hạn tù không?

Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Bộ phận trực tuyến của Công ty Xin giấy phép . Với thắc mắc của bạn, Công ty Xin giấy phép xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Điều 105 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định:

“Điều 105. Giảm mức hình phạt đã tuyên

1. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

3. Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.”

Như vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 thì người chưa thành niên có thể giảm mức hình phạt tù nếu có tiến bộ nhưng vẫn phải đảm bảo thi hành được 2/5 mức hình phạt đã tuyên, đối với trường hợp này là phải đảm bảo chấp hành được 4 năm tù.

Tuy nhiên trường hợp đặc biệt, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được miễn chấp hành hình phạt còn lại và không phụ thuộc vào mức hình phạt đã tuyên, thời điểm được xét giảm cũng như mức hình phạt còn lại là bao nhiêu.

Trên đây là tư vấn của Xin giấy phép. Nếu còn vấn đề vướng mắc, vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn để được hỗ trợ pháp lí trực tuyến.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty Xin giấy phép

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *