Mười năm Internet ở Việt Nam

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Tháng 12.1997, Việt Nam mở cổng nối với Internet, thế mà loáng cái đã 10 năm. Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển ngoạn mục mà 10 năm trước ít ai dám nghĩ tới, song vẫn còn xa mức lẽ ra có thể đạt được.

Trước đó đã có những thảo luận rất sôi nổi về nên quản lý Internet thế nào? Có quản lý được không? Tháng Ba năm đó Chính phủ ra Nghị định 21-CP ban hành quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet. Tiếp theo là hàng loạt thông tư và quyết định. Chính sách thời đó là “quản lý được đến đâu mở ra đến đó” bất chấp những kiến nghị thấu đáo của giới chuyên gia nêu ra trước đó.

Các nghị định, thông tư, quyết định này thấm đậm tinh thần đó và đã được giới chuyên môn phê phán nghiêm khắc với tinh thần xây dựng, song may thay, sự phát triển đã phớt lờ những trói buộc khắt khe và đôi khi khá ngô nghê. Và các nhà chức trách cũng dần nhận ra Internet không đến nỗi “nguy hiểm, đáng sợ” như một số người từng nghĩ hay từng doạ vậy để cản trở Internet.

>>

Rồi quan điểm “quản lý phải theo kịp sự phát triển” đã dần dần thắng thế. Đấy là những thay đổi lớn về tư duy quản lý. Tuy nhiên vẫn còn đầy rẫy tàn dư “trói buộc” trong Nghị định số 55/2001-NĐ-CP tháng 8.2001, trong các thông tư và quyết định đi kèm, lại may thay cuộc sống vẫn cứ “lừng lững” tiến, dù ai có muốn trói cũng chẳng có sức để làm. Thế giới đã đổi thay, tư duy quản lý luôn lẽo đẽo theo sau, giá như theo được sát hơn thì sự phát triển còn tốt hơn nhiều.

Không thể nghi ngờ rằng ngày nay hàng triệu người Việt Nam thật khó làm công việc của mình nếu Internet bị trục trặc. Internet đã thực sự trở thành công cụ không thể thiếu của hàng triệu người, đã trở thành nguồn lực vô giá đối với họ và đối với nhiều tổ chức kể cả các cơ quan nhà nước. Hy vọng không lâu nữa nó sẽ là công cụ đắc lực cho hàng chục triệu người và mọi tổ chức ở Việt Nam.

Và những vấn đề nổi cộm ngày nay cũng thế. Quản lý blog ư? Ngăn chặn thông tin nhảm nhí, rác rưởi trên Internet ư? Ai cũng có thể trở thành “nhà báo mạng”, lập trang web hay phát hành “báo mạng” của mình. Các tổ chức truyền thông truyền thống trên thế giới cũng thích nghi, tìm cách tận dụng, khai thác, chắt lọc tin tức từ hàng chục triệu nhà báo nghiệp dư này. Có phải Internet thực tế đã loại bỏ nhiều cấm đoán của luật xuất bản, hoặc Luật Chống xâm phạm đời tư của nhiều nước?

Và muôn vàn câu hỏi hóc búa khác mà với tư duy cũ kỹ không thể hiểu nổi hay không thể giải quyết nổi. Thế giới đã và đang đổi thay với tốc độ chóng mặt. Không thay đổi tư duy, không theo kịp là bị tụt hậu. Và tụt hậu thật sự ngay lập tức chứ không chỉ có nguy cơ như nhiều người vẫn nghĩ và hô hào, nhưng không chịu thay đổi hay cố bám lấy những giáo điều cũ kỹ.

Mở cửa Internet cũng như mở cửa sông mang lại nước ngọt, phù sa màu mỡ cho cuộc sống, nhưng cũng cuốn theo rác rưởi và có thể gây lũ lụt. Đó là hai mặt của tấm huy chương. Có mặt này, không thể không có mặt kia. Muốn tránh cũng không được. Không thể vì rác bẩn mà ngăn nước, ngăn phù sa. Không thể và cũng không cần đưa ra những biện pháp hành chính để “ngăn chặn”, “cấm đoán”, “lọc”.

Cách hay nhất là nâng cao dân trí, để mỗi người, mỗi cộng đồng tự điều chỉnh, tự trang bị cho mình kiến thức và công cụ nhằm tận dụng nước ngọt và phù sa, để tự vệ, để tránh hay dọn dẹp rác rưởi. Nhưng rác bao giờ cũng tồn tại. Không có rác thì cuộc sống cũng chẳng còn. Và cũng như trong cuộc sống, rác có thể là xấu, là bẩn đối với một nhóm người, nhưng lại là nguyên liệu của những người khác.

Trên mạng cũng vậy, ý kiến cũng đa dạng hệt như trong cuộc sống trên trần gian, vì nó chính là một phần của cuộc sống thực. Nó dạy chúng ta tính khoan dung, sự chấp nhận tính đa dạng, kể cả cái mình không thích. Không thích thì nhảy sang chỗ khác, có ai bắt phải xem, phải nghe đâu?

Đã có nhiều dấu hiệu lành mạnh như vậy trong các cộng đồng như trong những thảo luận cởi mở vừa rồi trên mạng và trong báo giới về có thể quản lý blog hay không? Nếu có, thì nên quản lý thế nào?

Bên cạnh những đống rác bẩn mà dư luận đã thấy, trên mạng có thể tìm thấy vô vàn viên ngọc lấp lánh. Khuyến khích người dân, các cộng đồng, nhất là các cộng đồng mạng, khuyến khích xã hội dân sự tự quản lý, tự tạo ra quy ước của mình, lên tiếng ủng hộ, nuôi dưỡng các hoạt động lành mạnh, bàn luận, nêu ý kiến về mọi vấn đề liên quan thay cho các biện pháp hành chính “cấm đoán”, “siết” là cách khả thi duy nhất có thể làm và nên làm.

Cũng may là ngày càng có nhiều quan chức ở các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiểu ra vấn đề. Các nhà chức trách hiểu vấn đề và có chính sách tích cực để thúc đẩy sự phát triển hay cản trở ít, thì sự phát triển Internet càng nhanh, càng hiệu quả. Nhưng dù có cản trở, nó vẫn phát triển. Thật may thay.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Theo  Lao Động cuối tuần

 (: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *