Luật sư nội bội – Anh là ai ???

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

“Báo chí hàng ngày thường hay nhắc đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một sân chơi lớn mang tính toàn cầu với những luật lệ còn rất lạ lẫm đối với doanh nghiệp trong nước.

Rồi chuyện Vietnam Airlines thua kiện, việc một doanh nhân Việt Nam bị bắt và yêu cầu dẫn độ sang Mỹ, chuyện bán phá giá ở Mỹ và châu Âu… Toàn những thông tin mà cách đây vài năm nhiều doanh nghiệp trong nước chưa từng nghe, biết.

Các doanh nghiệp có thói quen làm việc “quên luật lệ” đang cảm thấy chơi vơi vì sự thiếu hiểu biết pháp luật và họ nghĩ ngay đến việc tuyển dụng luật sư nội bộ hoặc thuê hãng luật bên ngoài để lấp đầy chỗ trống đó.

Luật sư “trong nhà”

Thật ra, khái niệm luật sư nội bộ không phải là mới mẻ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Trước đây và kể cả bây giờ, tại các doanh nghiệp nhà nước đều tồn tại một bộ phận có tên gọi là phòng pháp chế. Luật sư công ty được gọi là cán bộ pháp chế.

Về thực chất, trong thời bao cấp, phòng pháp chế và cán bộ pháp chế chỉ thực hiện các quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp chứ không được tham gia vào quá trình ra quyết định của doanh nghiệp thông qua các hoạt động nghề nghiệp của mình.

Các doanh nghiệp nước ngoài thì gọi bộ phận pháp lý của họ là phòng luật và nhân viên làm việc ở đó là luật sư công ty (in-house lawyer). Người đứng đầu phòng luật thường gọi là luật sư trưởng hay trưởng phòng luật (General In-house Lawyer hoặc đơn giản là Legal Manager).

Luật sư công ty dĩ nhiên phải là luật sư, nghĩa là thành viên của một đoàn luật sư nào đó và có thẻ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp. Nếu các đồng nghiệp khác làm việc cho hãng luật hay cho văn phòng luật sư thì họ lại làm việc cho doanh nghiệp với tư cách là người làm thuê hưởng lương nên gọi là luật sư công ty. Chính nơi hành nghề luật sư đã định danh cho họ.

Nghề luật sư hiện nay đang “nóng” trên thị trường tuyển dụng và là mục tiêu của không chỉ các doanh nghiệp mà còn của các hãng luật, nơi đang nỗ lực giải quyết hàng núi công việc dường như đang quá tải đối với họ. Về mặt truyền thống, các hãng luật đương nhiên có sức hút hơn so với các doanh nghiệp khi tuyển dụng luật sư. Tại hãng luật, các công việc của luật sư đa dạng hơn và được đào tạo huấn luyện một cách chuyên nghiệp về các kỹ năng hành nghề và chuyên môn pháp lý. Công ty không có thời gian hoặc nguồn lực để làm chuyện này.

Thêm nữa, tại phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, công việc cho luật sư nội bộ chưa nhiều và có phần đơn điệu nên không hấp dẫn các ứng cử viên. Nhiều luật sư nội bộ đang quay trở về hãng luật làm việc như một nhu cầu khách quan; nhưng bên cạnh đó cũng có một số luật sư ở các hãng luật tìm đường gia nhập các công ty như là một sự giải thoát khỏi sức ép cũng như áp lực quá nặng nề khi làm việc cho các hãng luật.

Khi nào cần luật sư nội bộ?

Mới đây, một tổng công ty đóng trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng gấp một luật sư nội bộ để giải quyết các vấn đề pháp lý. Tiêu chuẩn mà họ đưa ra rất đơn giản và có vẻ hợp lý, đó là đảng viên, có bằng hai là cử nhân một trường kinh tế nào đó và luật sư.

Tuy nhiên, sau rất nhiều tháng tìm kiếm, chẳng có ứng cử viên nào đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn đó. Thậm chí, khi các tiêu chuẩn được giảm đến mức tối thiểu là cử nhân luật và có chút ít hiểu biết về môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nói trên vẫn không tìm được người phù hợp.

Ở đây, dường như có sự nhầm lẫn giữa việc tuyển dụng chuyên gia pháp lý với việc tuyển dụng công chức, dẫn đến việc không hiểu đúng vai trò của luật sư công ty. Rõ ràng, vị trí của họ không nằm trong bộ máy chính trị (Đảng, Đoàn) của doanh nghiệp và công việc của họ không phải là ra các quyết định kinh doanh nên tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học kinh tế là không thích đáng. Cũng cần phải nói rõ, tiêu chuẩn cử nhân kinh tế nếu có thì thật tốt nhưng thực tế cho thấy đây là “của” hiếm. Trong trường hợp này doanh nghiệp đang tự làm khó cho mình.

Thuê hãng luật bên ngoài thường mất nhiều thời gian để nhận được câu trả lời. Nhưng nếu có luật sư nội bộ thì sẽ khác, họ phản ứng tức thì với những câu hỏi xuất phát từ bộ phận quản lý doanh nghiệp. Bởi họ chính là người sống trong doanh nghiệp để giải quyết các công việc pháp lý hàng ngày của công ty. Các công việc đó có thể là soạn thảo hợp đồng hay cho ý kiến trước một vấn đề cụ thể nào đó (ví dụ như quảng cáo như vậy có vi phạm pháp luật hay không?).

Họ hiểu rõ nội bộ cũng như tiến trình ra quyết định của doanh nghiệp nên các giải pháp hoặc ý kiến tư vấn của họ thường phản ánh đúng những gì mà bộ phận quản lý yêu cầu. Lĩnh vực mà luật sư công ty thường làm trải dài từ đất đai, lao động, hợp đồng, sở hữu trí tuệ và kể cả giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, chính điều này làm cho họ biết nhiều mà không có chuyên sâu một lĩnh vực nên các ý kiến tư vấn cho một lĩnh vực cụ thể nào đó có thể không sâu sắc như luật sư bên ngoài. Nếu công ty có nhiều luật sư, các luật sư thường được phân công theo từng nhóm công việc để chuyên môn hóa lĩnh vực hành nghề của mình.

Có cả “trong” lẫn “ngoài” tốt hơn

Đôi khi cần phải thuê hãng luật, nơi có thể thực hiện các công việc pháp lý có độ phức tạp cao cũng như đòi hỏi chuyên môn sâu mà luật sư nội bộ không giải quyết được. Nhiều trường hợp các công việc pháp lý ở doanh nghiệp quá nhiều mà luật sư công ty không đủ thời gian giải quyết hết nên lựa chọn luật sư bên ngoài là một giải pháp bắt buộc.

Ngoài ra, các dự án hay các giao dịch có giá trị lớn, doanh nghiệp buộc phải thuê hãng luật giải quyết bởi ngoài yếu tố chuyên môn (như không đủ nhân lực, trình độ hay kinh nghiệm) đấy còn là một quyết định thuần túy về mặt quản trị khi thông qua đó chuyển giao rủi ro sang cho người khác.

Mục tiêu của việc thuê hãng luật bên ngoài là sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp và có chất lượng cao chứ không phải để giảm chi phí. Để dịch vụ của mình đáp ứng yêu cầu chính đáng này, đòi hỏi hãng luật không những phải hiểu biết hoạt động của doanh nghiệp (một điểm mạnh của hầu hết các luật sư nội bộ) mà còn phải có kinh nghiệm và kiến thức pháp lý phù hợp.

Tuy nhiên trên thực tế, tìm được một hãng luật hiểu công việc kinh doanh của doanh nghiệp không phải là dễ. Do thói quen và bản năng nghề nghiệp, nhiều luật sư cho rằng giao dịch nào cũng đầy rủi ro và cạm bẫy nên thường đưa giải pháp “chắc ăn”, lắm khi bóp nghẹt hoặc dập tắt các ý tưởng hoặc quyết định kinh doanh của doanh nghiệp từ trong trứng nước.

Do đó, sự cộng tác mang tính gắn bó mật thiết giữa luật sư nội bộ và luật sư bên ngoài là điều hết sức quan trọng.

Nghề luật sư hiện nay đang “nóng” trên thị trường tuyển dụng và là mục tiêu của không chỉ các doanh nghiệp mà còn của các hãng luật, nơi đang nỗ lực giải quyết hàng núi công việc dường như đang quá tải đối với họ

LS. Trần Duy Cảnh – Theo TBKTSG

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *