Lộ bí mật kinh doanh vì… thuế

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Giá mua và giá bán được coi là bí mật kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Ấy thế nhưng Bộ Tài chính lại yêu cầu các doanh nghiệp giao nhận vận tải quốc tế phải khai báo những thông tin này ngay trong hợp đồng và… hóa đơn tài chính.

Đó là nội dung Công văn 15448/BTC – TCT ngày 2/11/2009 về việc thu (GTGT) 10% trên chênh lệch giữa giá bán và giá mua cước vận tải quốc tế (VTQT).

Trái với thông lệ quốc tế

Theo Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), Công văn 15448 yêu cầu các doanh nghiệp VTQT kê khai phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua cước VTQT là trái với Luật thuế GTGT. Bởi Luật thuế GTGT quy định 0% đối với vận tải quốc tế. Nghị định hướng dẫn Luật quy định: vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa, trao trả quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại đều nằm trong nhóm đối tượng được hưởng thuế suất 0%.

Tư vấn pháp luật thuế

Ngành thuế không thể coi dịch vụ vận tải quốc tế giống như mua rau, rất dễ có ngay chênh lệch

Ông Trần Huy Hiền – Tổng Thư ký VIFFAS khẳng định, công văn này đã vi phạm cả thông lệ quốc tế và Luật thuế GTGT của Việt Nam, hơn nữa văn bản này còn không thực tế. Theo ông Hiền, thực ra cước vận tải thuế rất thấp, hơn nữa chênh lệch giá bán và giá mua không rõ vì khách hàng không mua cái chênh lệch mà chỉ biết là mua cước vận tải của một đoạn đường nhất định. Thêm vào đó, trên thế giới người ta không phân biệt giữa nhà vận tải có tàu hay không có tàu, cước VTQT hay dịch vụ hoạt động có thể từng chặng một hay toàn chặng và bao gồm cả chặng nội địa. Không doanh nghiệp nào lại cho khách hàng biết mình mua ở giá nào.

Ông Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc Công ty cổ phần SDB Việt Nam lại đưa ra ý kiến: Theo thông lệ quốc tế, thuế suất thuế GTGT đối với cước VTQT là 0%, không phân biệt hãng tàu, hãng hàng không hay cơ sở kinh doanh dịch vụ cước VTQT. Do đó, việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trên phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua cước VTQT là bất hợp lý, không những không phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn gây khó khăn và bất lợi về cạnh tranh trên thị trường cung cấp cước VTQT tại Việt Nam.

Triệt tiêu khả năng cạnh tranh của DN trong nước

Ông Đào Trọng Khoa – Giám đốc Công ty Giao nhận Biển Đông bức xúc: “Với công văn này, Bộ Tài chính đã khiến doanh nghiệp trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Ông than thở: “Chúng tôi không thể xuất hóa đơn GTGT thể hiện giá vốn và giá chênh lệch cho khách hàng, cũng không thể xuất hóa đơn thể hiện 2 mức thuế suất khác nhau, bởi như vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với các hãng tàu, công ty giao nhận nước ngoài – những người đang “lấn lướt” chúng tôi ngay tại thị trường Việt Nam”.

Tương tự, khi doanh nghiệp ký hợp đồng với khách hàng thì cũng không thể kê khai rõ chênh lệch giá được. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ không thể ghi rõ, dù biết mình đang làm sai quy định. Khi chào giá bán, doanh nghiệp cũng không thể nói với khách hàng giá gốc và phần chênh lệch. Chưa kể, lúc đó doanh nghiệp còn phải xuất 2 hợp đồng. Hơn nữa, trong phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí khác như bến bãi… và chưa biết các chi phí này phải được thể hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng – đại diện Công ty Gemadept lấy ví dụ: Cước mua vào là 1.000 USD, doanh nghiệp bán cho khách hàng là 1.200 USD. Không thể xuất hóa đơn 1.200 USD với thuế suất 10% vì trái với Luật thuế GTGT. Cũng không thể xuất hóa đơn trên đó thể hiện hai loại thuế suất: 1.000 USD có mức 0% và 200 USD có mức 10%, vì sai quy định hóa đơn chứng từ. Chỉ có thể xuất 2 hóa đơn riêng lẻ.“Nhưng thế thì còn gì là bí mật kinh doanh nữa, lại còn chưa kể tăng chi phí do dùng nhiều hóa đơn và khó quản lý khi theo dõi hạch toán” – ông Hùng ca thán.

Ông Nguyễn Nam Tiến – Tổng giám đốc Công ty Vinalink thì bức xúc: “Ngành thuế không thể coi dịch vụ này giống như mua rau, mua 5.000 đồng về bán 7.000 đồng là có ngay chênh lệch”. Ông Tiến lý giải, hoạt động của doanh nghiệp đâu phải từ cảng đến cảng hay từ sân bay đến sân bay, vì tham gia VTQT đâu phải chỉ một hãng tàu hay một hãng hàng không mà còn nhiều đơn vị khác nữa. Nếu theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế thì phần cước của các hãng tàu và đại lý của doanh nghiệp ở bên kia đâu có ngay. “Trong thực tế kinh doanh, doanh nghiệp phải đưa ra mức cước trước, sau đó mới đi tìm nơi có mức cước tốt nhất để sử dụng. Thế mới là thị trường chứ!” – ông Tiến nói.

Ông này còn khẳng định, Công văn này không thực tế ở chỗ hình thức thanh toán quyết định mức thuế suất được áp dụng. “Điều này rất vô lý, vì trong đó nêu, nếu không phải thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất 0%. Nhưng nếu khách hàng mang tiền mặt đến thanh toán chẳng lẽ doanh nghiệp từ chối không nhận?” – ông Tiến đặt câu hỏi. Một điều bất hợp lý khác nữa, đối với ngành khác thì trên 20 triệu đồng là phải thanh toán qua ngân hàng, còn dưới thì có thể thanh toán bằng tiền mặt. Thế nhưng, đối với dịch vụ VTQT thì bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, cho dù số tiền có thể nhỏ hơn rất nhiều.

Về phương diện pháp lý, Công văn của Bộ Tài chính đã vượt cả luật và nghị định của Chính phủ khi cả 2 văn bản có tính pháp lý cao hơn này đều qui định thuế suất 0% áp dụng cho VTQT. Một điểm nữa, những người hoạt động trong nghề VTQT còn cho rằng, văn bản này chỉ nêu hoạt động phân khúc, như vậy khác nào xem các doanh nghiệp VTQT của Việt Nam như “cò” vận tải quốc tế?

Thay lời kết

Ông Bùi Ngọc Loan – Chủ tịch VIFFAS khẳng định, sẽ đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh VTQT tại Việt Nam bày tỏ quan điểm, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế ngưng thc hiện công văn nói trên.  Ông này cũng cho rằng, để làm sáng tỏ và phù hợp thực tế, khách quan, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có thêm thời gian để đối thoại với các doanh nghiệp ngành giao nhận, logistics mà VIFFAS là đại diện.

Thiết nghĩ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần thấy được vai trò và quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp giao nhận, logistics trong giai đoạn hiện nay để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện và nuôi dưỡng để ngành giao nhận, logistics trong nước tăng cường sức cạnh tranh và năng lực hội nhập trong thời gian tới.

Bộ phận thuế – Minh Khuê (biên tập)​

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *