Làm bạn gái mang bầu nhưng không chịu cưới thì có phạm tội?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thưa luật sư, xin hỏi: tôi sinh ngày 02/02/2000 năm nay tôi tròn 18 tuổi, tôi và bạn trai tôi có quan hệ với nhau và tôi có bầu được 3 tháng nhưng người yêu tôi không chịu cưới như vậy có được coi là phạm tội không? Cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn tới bộ phận tư vấn luật của chúng tôi. Nội dung câu hỏi của bạn được chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

Luật Hôn nhân và gia đình 2014

2. Nội dung:

Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn đã đủ 18 tuổi và việc quan hệ của bạn và bạn trai là hai bên đều tự nguyện. Và hiện bạn đã mang thai, tuy nhiên bạn trai của bạn không chịu cưới. Trong trường hợp này, thứ nhất về vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra vì qua tất cả thông tin bạn cung cấp cho thấy không có dấu hiệu tội phạm nào trong trường hợp của bạn. Thứ hai, việc kết hôn là sự tự nguyện của các bên, không thể ép buộc, do đó nếu người yêu bạn không chịu kết hôn thì bạn cũng không thể ép buộc anh ta kết hôn với mình được, như vậy sẽ trái với quy định của pháp luật. Cụ thể, điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình tại Điều 8 quy định như sau:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Theo đó, một trong bốn điều kiện kết hôn theo quy định trên là phải có sự tự nguyện quyết định của cả nam và nữ. Do đó người yêu bạn có quyền quyết định có đồng ý kết hôn hay không và không ai được phép ép buộc anh ta phải kết hôn.

Tuy nhiên, vì bạn đã mang thai nên sau khi sinh con, người yêu bạn hoàn toàn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể như sau:

Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

4. Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con:

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Điều 116 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định mức cấp dưỡng:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, không phụ thuộc vào việc bạn và người yêu có kết hôn hay không thì con của bạn vẫn có quyền được cấp dưỡng từ cha của mình. Người yêu bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật, nếu người yêu bạn cố tình trốn tránh nghĩa vụ, không thực hiện việc cấp dưỡng cho con thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu buộc anh ta thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Về mức cấp dưỡng, trước hết là do các bên thỏa thuận. Mức cấp dưỡng phải phù hợp, phục vụ những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của con như tiền bỉm, sữa, tiền đi khám sức khỏe định kỳ cho con mới sinh, các khoản cần thiết khác. Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án sẽ căn cứ vào các khoản chi phí cần thiết cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng con và điều kiện kinh tế của cha để quyết định mức cấp dưỡng hợp lý. Và người yêu bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định/bản án có hiệu lực của Tòa.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự –

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *