Không chấp hành biển báo giao thông bị phạt bao nhiêu ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Mọi câu hỏi, vướng mắc của người dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ được luật sư tư vấn và giải đáp cụ thể, chi tiết theo đúng quy định của pháp luật hiện hành:

Mục lục bài viết

1. Không chấp hành biển báo giao thông bị phạt bao nhiêu ?

Thưa Luật sư, em đi xe đến chân cầu và không chú ý biển báo vòng xuyến nên em ngoặt luôn lên cầu. Như vậy em bị phạt bao nhiêu ? Cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Lái xe ô tô không tuân thủ việc chuyển làn theo biển báo, đi vào làn đường dành cho các phương tiện khác bị phạt từ 300.000 đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe một tháng.

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 41) về báo hiệu đường bộ có quy định biển báo 412 là biển dùng để cho biết làn đường dành riêng cho từng loại xe và các xe phải đi. Đây cũng là loại biển báo mà lái xe phải đặc biệt chú ý khi lưu thông trên những đoạn đường có nhiều làn để tránh vấp phải những lỗi sơ đẳng.

Khoản 1 Điều 11 về chấp hành báo hiệu đường bộ có quy định: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 13 luật này cũng quy định về việc sử dụng làn đường: Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

Với những trường hợp, người lái xe ô tô không tuân thủ việc chuyển làn theo biển báo mà tiếp tục đi vào làn đường dành cho các phương tiện khác là vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định tại Điều 5 với mức phạt từ 300.000 đến 1,2 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển ô tô trên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe một tháng.

Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

Khoản 2: Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 4 điều này.

Khoản 3: Phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).

Khoản 4: Phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

h) Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.

Thông thường khi vi phạm lỗi chuyển làn, nhiều tài xế thường biện minh là do lưu lượng phương tiện trên đường quá đông, khi đến điểm quy định phải chuyển làn thì không kịp. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, lý do này được cho là không thỏa đáng. Bởi lẽ nếu đường quá đông, người điều khiển phương tiện có thể đi chậm lại từ trước để lựa hướng các phương tiện đi sau.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Hãy gọi ngay: (nhấn máy lẻ phím 3) để được Trân trọng./.

>&gt Xem thêm: 

2. Xe xích lô máy xe gắn máy bị đình chỉ tham gia giao thông không ?

Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi: Tháng 30/12/2005, tôi có 1 chiếc xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông tôi đã bán sắt vụn. Tôi đã chuyển đổi sang xe tải nhẹ. Đến 29/4/2009, có Quyết định 548/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ xe xích lô máy, xe gắn máy không đủ tiêu chuẩn hoạt động.

Qua Uỷ ban nhân dân xã hướng dẫn tôi đã hoàn tất thủ tục hồ sơ và đã được niêm yết, hỗ trợ trên các thông tin đại chúng. Nhưng đến ngày 22/3/2010 Sở Tài chính tiếp tục có công văn gửi về huyện Nghĩa Hưng. Theo như Sở Tài chính nói tôi thuộc diện không được hỗ trợ vì tôi chuyển đổi sang xe tải nhẹ trước ngày 1/8/2007.

Vậy nên cho tôi hỏi Quyết định 548 với công văn ngày 22/3/2010 của Sở Tài chính có mâu thuẫn với nhau hay không? và tôi có thuộc diện hỗ trợ không?

Rất mong nhận được sự giải đáp của quý cơ quan.

Gửi bởi: Nguyễn Văn Huân

>>

Trả lời:

Theo Điều 1 và phần căn cứ của Quyết định số 548/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ xe xích lô máy, xe gắn máy không đủ tiêu chuẩn hoạt động thì đối tượng được hỗ trợ là những chủ sở hữu phương tiện bị buộc phải chuyển đổi sang phương tiện giao thông khác hoặc chuyển nghề khi bị cấm lưu hành theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP (áp dụng từ ngày 01/01/2008).

Trường hợp của anh là anh tự nguyện chuyển đổi phương tiện giao thông của anh vào ngày 30/12/2005. Vì vậy anh không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 548/2009/QĐ-TTg. Vậy công văn trả lời của sở Tài chính là có cơ sở.

Các văn bản liên quan:

Nghị quyết 32/2007/NQ-CP Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông

Quyết định 548/2009/QĐ-TTg Về việc hỗ trợ thay thế xe công nông xe lôi máy xe cơ giới ba bánh xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông

Trân trọng./.

>&gt Xem thêm: 

3. Đi xe máy không chính chủ vi phạm luật giao thông chủ xe hay người lái bị phạt ?

Thưa luật sư, Hiện tại Em có bị phạt tiền vi phạm luật giao thông. Đến lúc Em lên đóng phạt thi trung úy LVT cảnh sát giao thông Phường 11, quận Gò Vấp bảo chính chủ xe lên lên đóng tiền phạt.

Em hỏi tại sao? thì trung úy bảo Em không có giấy tờ xác nhận chủ xe. Em có trình bày là giấy mua bán xe Em bị mất chủ xe thì đi nơi khác rồi sao mà Em xác nhận chủ xe được. Em chỉ có giấy tờ xe thôi. Mà trung úy không cho Em đóng phạt để lấy xe.N hư vậy e phải làm sao để e lấy xe ra được ?

Xin luật sư tư vấn giúp Em!

Người hỏi: NP

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Việc bạn mua xe của người chủ xe trước đó bạn cần phải có giấy tờ mua bán và thực hiện việc sang tên chủ hữu xe theo quy đinh của pháp luật. Nhưng nay bạn vip hạm giao thông nên cảnh sát đã yêu cầu bạn phải nộp giấy tờ mua bán xe để chứng minh bạn là chủ xe là chính xác vì chỉ khi bạn có giấy tờ sang tên chủ sở hữu xe thì cảnh sát giao thông mới có thể xử phạt bạn và quyết định xem có trả xe cho bạn hay không. Tuy nhiên, bạn đã làm mất giấy tờ mua bán xe và người chủ cũ của chiếc xe đã chuyển đến nơi khác chính vì vậy bạn cần phải liên lạc với người chủ cũ của chiếc xe để người đó xác nhận với công an về việc mua bán sang tên xe cho bạn đồng thời bạn cũng cần liên hệ với cơ quan đã tiến hành chứng nhận việc sang tên đổi chủ chiếc xe từ người chủ sở hữu cũ cho bạn để có căn cứ chính xác nhất. Từ đó công an mới tiến hành trả xe lại cho bạn.

Trân trọng./.

>&gt Xem thêm: 

4. Tư vấn về phạt hành chính vi phạm giao thông?

Kính thưa luật sư! Cho tôi hỏi lực lượng 141 có quyền phạt lỗi không có gương và xi nhan không ? Tôi xin cảm ơn!

Người gửi: H

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Xin giấy phép. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Để đấu tranh, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 3/8/2011 Công an thành phố Hà Nội lập lực lượng 141 bao gồm: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát hình sự. Hiện nay, lực lượng này cũng đã được thành lập và hoạt động ở một số tỉnh thành phố khác trên cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng),…

Lực lượng này có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông; kiểm tra các phương tiện giao thông khả nghi tàng trữ vũ khí, ma túy và các tài sản nghi do phạm tội mà có. Lực lượng này được trang bị công cụ hỗ trợ, sử dụng biện pháp công khai kết hợp hóa trang để kiểm tra, xử lý các đối tượng nghi vấn, vi phạm tại các tuyến phố, nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Các tổ công tác hoạt động theo phương thức cắm chốt tập trung ở một khu vực, hỗ trợ nhau khi cần thiết; sử dụng biện pháp công khai kết hợp hóa trang để phát hiện, kiểm tra, xử lý theo nguyên tắc: lực lượng hóa trang (mặc thường phục) tuần tra trên các tuyến phố nếu phát hiện có trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc đối tượng nghi vấn có dấu hiệu phạm tội thì sử dụng bộ đàm thông báo cho lực lượng công khai triển khai đội hình dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện đối tượng tàng trữ vũ khí, dao kiếm, ma túy…hoặc có dấu hiệu phạm tội thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ khống chế, áp giải đối tượng và đưa phương tiện, tang vật về trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự để phân loại, khai thác, xác minh, lập hồ sơ xử lý.

Vì vậy, lực lượng 141 hoàn toàn có quyền phạt lỗi không có gương và xi nhan.

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn.

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email hoặc qua Tổng đài tư vấn: .

>&gt Xem thêm: 

5. Văn hoá pháp luật giao thông – các giá trị chân, thiện, mỹ, ích

Văn hoá pháp luật và văn hoá pháp luật trong lĩnh vực giao thông (VHPLGT) đang là vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Năm mới 2010 đang đến, hy vọng trong bức tranh toàn cảnh của văn hoá pháp luật nói chung và VHPLGT nói riêng, sẽ có thêm nhiều điểm sáng, nhiều cải thiện rõ rệt, đẩy lùi và xóa bỏ những hành vi phản văn hoá, vì mục tiêu an toàn, thông suốt và thân thiện.

1. Văn hóa pháp luật và văn hóa pháp luật trong lĩnh vực giao thông

Văn hoá pháp luật – vấn đề rất cụ thể, thiết thực nhưng không dễ dàng có được đầy đủ trong thực tiễn, đôi khi còn ít nhiều trừu tượng, lý tưởng, cảm giác như vô hình. Mọi người đều có thể nhận xét, đánh giá được về tình trạng, mức độ văn hoá pháp luật trong đó có VHPLGT. Văn hoá pháp luật là cái mà ai cũng có thể hình dung ra được một cách rất cụ thể như cách ăn mặc, cử chỉ, lời nói, thái độ, cách xử sự của các thẩm phán, luật sư, công chứng viên, vị chủ tịch phường hay nhân viên cảnh sát… Nhưng để nói một định nghĩa ngắn gọn nhất về văn hoá nói chung và văn hoá pháp luật nói riêng, xem ra không dễ dàng, khó mà có tính chính xác, đầy đủ. Bản thân văn hoá có nội dung vô cùng phong phú và không xác định cụ thể về khái niệm1. Hiện nay trên thế giới có khoảng 400 – 500 định nghĩa về văn hoá. Tuy có sự đa dạng về cách tiếp cận, song điều cốt lõi được thừa nhận chung về văn hoá đó là: văn hoá – một phạm trù bao quát tất cả các giá trị do con người sáng tạo nên trong quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống mà loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo; văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng khác. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá…”2.

>>

Từ những quan niệm chung về văn hóa, có thể hiểu văn hoá pháp luật là hệ thống các yếu tố, các giá trị vật chất và tinh thần thuộc lĩnh vực tác động của pháp luật được thể hiện trong ý thức và hành vi của con người. Và VHPLGT là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần trong quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn của con người thuộc lĩnh vực giao thông nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt, thân thiện, công bằng và văn minh. VHPLGT bao gồm sự hiểu biết (tri thức), ý thức tôn trọng (tình cảm, thái độ), hành vi chấp hành các quy định pháp luật giao thông và các chuẩn mực đạo đức xã hội (hành vi xử sự hợp chuẩn đạo đức và pháp luật một cách có văn hóa). VHPLGT cũng là biểu hiện của lối ứng xử “đẹp”, thiện, ích của những người tham gia giao thông và các cán bộ quản lý; thể hiện thái độ, tình cảm tôn trọng người khác và chính bản thân mình. VHPLGT về phía các cơ quan, cán bộ nhà nước thể hiện ở sự tuân thủ pháp luật, sự gương mẫu, thái độ đúng mực, lịch sự, tận tụy, công tâm trong điều hành, xử lý, giải quyết công việc. VHPLGT là ý thức, hành vi thể hiện trách nhiệm đạo đức, bổn phận lương tâm và trách nhiệm pháp luật của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông.

VHPLGT như vậy không chỉ đơn thuần là ý thức tôn trọng và chấp hành quy định luật giao thông mà còn bao hàm nhiều yếu tố văn hóa, đạo đức, cách ứng xử không có trong các quy định pháp luật. Lênin cũng đã từng khẳng định: “ngoài đạo luật ra còn có trình độ văn hoá, cái không lệ thuộc vào bất kỳ một đạo luật nào”3. Ý thức pháp luật, tình cảm đạo đức, thực hành đạo đức, pháp luật ở lĩnh vực giao thông cũng chính là sự thận trọng, tuân thủ quy định pháp luật, cách xử sự lịch sự, thân thiện, sẻ chia và có trách nhiệm với những người khác.

Một trong những tiêu chí căn bản để nhận diện văn hoá pháp luật đó là sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người. Văn hoá pháp luật là một trong những chỉ số phản ánh trình độ cao của dân chủ, của tự do4. Thực hành văn hoá pháp luật là điều kiện thiết yếu để tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền, tự do, lợi ích chính đáng của con người. Giao thông là một lĩnh vực rất đặc thù, hệ trọng, sai một ly đi một dặm, bởi liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tài sản con người, tài sản của xã hội. Tiền bạc, tài sản thì còn có thể đền bù được, nhưng có ai đền bù được tính mạng, sức khoẻ đã bị mất đi do những hành vi vi phạm pháp luật giao thông gây ra. Những người phạm tội trộm cắp, cướp giật, trốn thuế, gian lận thương mại… khi bị phát hiện và bị xử lý thì đều giải thích nguyên nhân là do kinh tế, vì túng thiếu, vì cần tiền tiêu xài… Vậy còn hành vi vi phạm pháp luật giao thông có phải lúc nào cũng là vì lý do kinh tế? Để tuân thủ những quy định về nộp thuế, chủ thể có nghĩa vụ phải “mất” đi một khoản tiền bạc mà họ không muốn bị mất, nhưng để tuân thủ các quy định pháp luật giao thông, ví dụ như đi đúng làn, phần đường quy định, đảm bảo đúng tốc độ… thì các chủ thể vi phạm có bị mất một khoản tiền bạc nào không? Không gì đau lòng bằng ngay trong thời bình mà hàng năm vẫn có đến cả vạn người phải thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Theo thống kê của Cục cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (Bộ Công an) trong năm 2009, đến hết tháng 10/2009, cả nước đã xảy ra 9.371 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.955 người, bị thương 6.096 người 5.

2. Nhận diện những hành vi phản văn hóa pháp luật giao thông chủ yếu

Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông, chiếm tỷ lệ khoảng 86% các vụ tai nạn. Đặc biệt là hành vi vi phạm tốc độ, đây là nguyên nhân làm trầm trọng về mức độ thiệt hại trong tất cả các vụ tai nạn giao thông. Cùng với sự vi phạm tốc độ là các hành vi vi phạm pháp luật khác như: vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng, say rượu bia, chở quá tải, gia cố hàng trên xe không đảm bảo an toàn; không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ… Thậm chí, nhiều người đã vi phạm pháp luật giao thông, gây tai nạn còn chạy bỏ trốn hoặc chống lại người thi hành công vụ; tệ hại hơn có trường hợp còn chửi mắng, có hành vi côn đồ với chính người bị hại hoặc đối với những người khác can ngăn, góp ý. Khi va quệt nhau, thay vì xin lỗi, nhiều người lại chửi tục, thậm chí còn mạt sát, đấm đá nhau ngay trên lòng đường.

Biểu hiện của sự phản văn hóa pháp luật giao thông như trong những lúc tắc đường, mạnh ai người nấy đi, nhiều thanh niên xô đẩy cả chị em phụ nữ, các cụ già để vượt lên phía trước hoặc rẽ sang ngang. Đôi khi bản thân các nạn nhân của các vụ tai nạn cũng có lỗi khi tham gia giao thông như không chú ý quan sát, không hiểu biết luật giao thông, do bất cần, do liều lĩnh, cẩu thả, chen lấn… Thiệt hại gây ra cho cả hai phía: người vi phạm và các nạn nhân. VHPLGT còn được thể hiện ở chỗ, hành vi tham gia giao thông của người này không được ảnh hưởng, cản trở giao thông hoặc gây nguy hiểm cho người khác như phải phát tín hiệu cần thiết khi rẽ sang đường hay đi từ ngõ, ngách ra… Ngay cả người đi bộ khi sang đường cũng không tuân thủ đúng quy định, khi cần sang đường là sang ngay bất kể nguy hiểm cho mình và những người khác.

Con người vốn có một đặc tính chung là “tránh hại, cầu lợi”, nhưng xem ra trong lĩnh vực tham gia giao thông, thì không hoàn toàn như vậy, có khi còn “ngược lại”. Bởi lẽ, những người cố tình phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu và hậu quả đáng tiếc, đau lòng đã xảy ra không chỉ cho người khác mà còn cho ngay chính bản thân mình. Đây là dạng các hành vi thể hiện tính liều, tính ẩu, bất cần, vô trách nhiệm đối với những người khác và với cả chính mình.

3. Xây dựng văn hóa pháp luật trong lĩnh vực giao thông

VHPLGT không phải cái gì cao xa, trừu tượng hay mang tính hình thức, trái lại, là những vấn đề rất thiết thực, cụ thể, có thể nhìn thấy được, nghe thấy được, cảm nhận được. Đó chính là một tổ hợp các yếu tố: tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, ý thức trách nhiệm, đạo đức và ý thức pháp luật của những người tham gia giao thông và của các nhà quản lý. VHPLGT thể hiện các giá trị chân, thiện, mỹ và ích. Xây dựng VHPLGT cũng chính là xây dựng ý thức và thái độ về an toàn đối với tất cả mọi người.

Giáo dục, xây dựng ý thức và nếp sống văn hóa pháp luật giao thông tất nhiên là cả một quá trình lâu dài, khó khăn, quá trình “chuyển từ trạng thái mất an toàn hay thiếu an toàn sang trạng thái an toàn”. Trong những năm qua, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào những vấn đề nóng bỏng nhất như: yêu cầu đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, xây dựng hành lang bảo vệ công trình giao thông, yêu cầu đi đúng phần, làn đường, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, lương tâm, trách nhiệm của người lái xe. Nhiều hoạt động về chủ đề trật tự, an toàn giao thông đã được tổ chức thực hiện: các cuộc hội thảo khoa học, các “tháng an toàn giao thông”, các đợt tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng… Song thực tế, bức tranh chung về văn hoá pháp luật giao thông vẫn còn nhiều vùng tối, sự mất an toàn vẫn rình rập, các vụ tai nạn giao thông vẫn gia tăng, cướp đi biết bao sinh mạng và gây thiệt hại cho sức khỏe của nhiều người.

Lời giải nào cho bài toán giao thông khó khăn, hóc búa này? “Vắc xin” nào cho căn bệnh vi phạm luật lệ giao thông, đặc biệt là ý thức coi thường pháp luật, đạo đức xã hội và hành vi điều khiển phương tiện giao thông quá tốc độ, lạng lách, giành đường, vượt ẩu? Biết là khó thật song vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sự sống còn, đến sức khỏe của con người nên chúng ta cần phải ưu tiên đầu tư trí tuệ, thời gian, công sức để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông, giảm ách tắc và xây dựng VHPLGT. Bên cạnh các giải pháp pháp lý chủ yếu mà lâu nay chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện, chúng tôi có một số suy nghĩ sau đây nhằm góp phần nhỏ vào việc xây dựng VHPLGT.

Sự “quyết liệt” nhằm thiết lập, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Chúng ta đã thực sự “quyết liệt” chưa trong việc cải thiện thực trạng về trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua? Dư luận xã hội và Nhà nước, pháp luật đã có những phản ứng kịp thời, quyết liệt một cách thường xuyên, các chế tài xử lý đã thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của sự vi phạm và đã đủ độ răn đe chưa? Vi phạm pháp luật giao thông cùng với những hậu quả nặng nề của chúng cần phải có liều thuốc “vắc xin” đặc trị. Theo chúng tôi, chúng ta cũng chưa thật sự “quyết liệt”, trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Sự “quyết liệt” phải mang tính toàn diện, đồng bộ và hệ thống. Cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp pháp lý, đạo đức, văn hoá, tâm lý, kỹ thuật và công nghệ, thực hiện thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc chứ không nên chỉ dừng lại ở các đợt ra quân rầm rộ, các “tháng an toàn giao thông” hay “tuần lễ an toàn giao thông”. Đồng thời, các biện pháp cần đi thẳng vào các nguyên nhân chủ yếu nhất trong việc gây ra các vụ tai nạn – đó chính là lỗi của người tham gia giao thông: chạy quá tốc độ, phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu và chủ yếu là do các đối tượng trẻ tuổi là nam giới gây nên.

Về các phương tiện băng rôn, khẩu hiệu

Chúng ta không sính băng rôn, khẩu hiệu, nhưng trong khi ý thức, thói quen chấp hành pháp luật và văn hoá giao thông chưa được thực hành đầy đủ, thì các phương tiện đó lại tỏ ra rất cần thiết và tác dụng. Trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, các băng rôn, khẩu hiệu có vai trò to lớn góp phần hình thành thái độ đúng đắn và các thói quen chấp hành pháp luật. Vấn đề là nội dung, địa điểm, cách thức treo chúng như thế nào để có hiệu quả và tác dụng thiết thực nhất. Nội dung ghi trên các băng rôn, khẩu hiệu nên cụ thể, thiết thực. Bên cạnh các khẩu hiệu với nội dung bao quát hiện nay như “Nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông”, chúng ta nên học tập kinh nghiệm của tổ chức JICA Nhật Bản đã từng làm trong thời gian thực hiện dự án Tăng cường năng lực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên một số tuyến đường ở Hà Nội cách đây vài năm. Theo đó, những băng rôn có nội dung rất thiết thực, cụ thể như: “Gặp đèn đỏ phải dừng lại, kể cả khi không có cảnh sát giao thông”, “Tai nạn giao thông không phải là Định mệnh”, “Chắc chắn bạn không muốn gây tai nạn cho người khác và cho chính mình”… Đồng thời, theo chúng tôi, cũng nên suy nghĩ để thực hiện việc ghi yêu cầu tuân thủ pháp luật giao thông ngay ở mũ bảo hiểm, các phương tiện giao thông, các địa điểm công cộng, cơ quan, trường học… Điều này có tác dụng thiết thực, nhắc nhở mọi người một cách thường xuyên. Cứ hình dung đơn giản như việc có bản thông báo dán ở nơi công cộng, phòng làm việc hay trong nhà riêng với nội dung “tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng”.

Tính cách con người, thói quen, tập quán, nếp sống và vấn đề văn hoá pháp luật giao thông

Một trong những đặc trưng của VHPLGT là sự hiện hữu của các yếu tố phi kinh tế, chủ quan bao gồm: tính cách, tập quán, nếp sống, thói quen; tố chất đạo đức, cách cư xử của các cá nhân. Những yếu tố này có ảnh hướng mạnh mẽ đến ý thức và hành vi pháp luật, đạo đức của những người tham gia giao thông và kể cả của những nhà quản lý. Thực tế cho thấy, các thói quen chen lấn, tính cách liều lĩnh, “liều mình như chẳng có”, bất cẩn… là một lực cản nặng nề đến trật tự, an toàn giao thông, gây nên nhiều hậu quả xấu. Tính cách con người có ảnh hưởng đến ý thức, hành vi đạo đức và pháp luật. Vì vậy, rèn luyện tính cẩn thận, thận trọng, điềm tĩnh, nhã nhặn, lòng trắc ẩn là một trong những điều kiện để các cá nhân tuân thủ pháp luật, thực hành văn hoá đạo đức khi tham gia giao thông.

Giáo dục, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật giao thông, xây dựng văn hoá pháp

Không chỉ giáo dục, tuyên truyền pháp luật mà còn phải giáo dục tính cách, ý thức, trách nhiệm đạo đức, ứng xử văn hoá và kỹ năng tham gia giao thông, đặc biệt đối với người trẻ tuổi là nam giới, đạo đức nghề nghiệp cho các tài xế ô tô, tắc xi. Trong lĩnh vực giao thông, bên cạnh sự hiểu biết các quy định pháp luật thì các yếu tố thái độ, tình cảm đạo đức, ý thức trách nhiệm về hành vi của bản thân, nếp sống và tính cách của con người có ảnh hưởng vô cùng quan trọng. Các phẩm chất này nếu được xây dựng, điều chỉnh thường xuyên bằng những biện pháp phù hợp chắc chắn sẽ góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và đặc biệt là sự vi phạm các quy định pháp luật gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng con người và tài sản. Sự từ tốn, thận trọng, nhường nhịn, khoan thai… mỗi khi tham gia giao thông chính là một trong những điều kiện tối cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Để có được những đức tính này, giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông có tầm quan trọng đặc biệt nhất là đối với tuổi trẻ là nam giới. Cần “ưu tiên” nhiều hơn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với những đối tượng này.

Cần đổi mới cách thức, nội dung, kỹ năng và cả cách đánh giá về giáo dục, tuyên truyền pháp luật giao thông. Điều quan trọng ở lĩnh vực này chính là giáo dục, xây dựng, duy trì ở các cá nhân những tính cách cần thiết trong tham gia giao thông, ít nhất là giữ cho các hành vi của người tham gia giao thông ở trong miền chừng mực. Thực hiện việc giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường, các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn; cộng đồng dân cư; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lồng ghép các nội dung pháp luật, tâm lý, kỹ thuật, văn hoá đạo đức, ca dao, tục ngữ trong tuyên truyền, giáo dục. Trong quá khứ, ông bà ta cũng đã dạy bảo về rèn luyện nếp sống đẹp, chừng mực như: “học ăn, học nói, học gói, học mở”, hay “ đi đâu mà vội, mà vàng, mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”; “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”…

Xây dựng văn hoá pháp luật giao thông khó có thể trở thành hiện thực nếu buông lỏng công tác quản lý, điều hành, xử lý công bằng, nghiêm minh và phẩm chất đạo đức của các nhân viên nhà nước. Niềm tin là một trong những tiền đề và điều kiện của sự tôn trọng và chấp hành pháp luật. Theo đó, nếu việc áp dụng, xử lý vi phạm không nghiêm minh, không kịp thời và đúng đắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến yếu tố niềm tin pháp luật của các cá nhân tham gia giao thông và toàn xã hội.

Con người và Con đường trong trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt nói riêng

Khó thì khó thật về lời giải cho bài toán trật tự, an toàn giao thông, song suy cho cùng, mọi hành vi giao thông của con người đều diễn ra trong phạm vi giới hạn được xác định – đó là trên các con đường – đường bộ, đường sắt nói riêng, tất cả đều cơ bản diễn ra trong giới hạn đó. Đây là một đặc điểm nổi bật giữa các hành vi của con người trong lĩnh vực giao thông so với lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm. VHPLGT như vậy cần phải được nhìn nhận từ hai phía – những người tham gia giao thông và các nhà quản lý. Hai yếu tố cơ bản hợp thành: Con người và Con đường cùng với những hành vi tương ứng của các cá nhân tham gia giao thông và của các cán bộ nhà nước có trách nhiệm điều hành, quản lý. Tuy rằng, như người ta vẫn thường nói, mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng, song, quản lý, thiết lập trật tự, an toàn giao thông xem ra có phần “đơn giản” hơn so với lĩnh vực đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và mỹ phẩm. Ở đây, chúng ta muốn nói đến việc phải đầu tư thực sự, phải “quyết liệt” hơn nữa về phương diện quản lý nhà nước, quản lý xã hội, pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường năng lực điều hành, năng lực kiểm soát, xử lý, ban hành quy định pháp luật, huy động dư luận xã hội, trí tuệ xã hội nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và ách tắc giao thông, trong đó, vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông phải đặt lên hành đầu để tìm các liều “vắc xin” đặc trị.

(: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

>&gt Xem thêm: 

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *