Giới thiệu luật thuế tài nguyên

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân. Thuế tài nguyên hiện đang thực hiện theo Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 1998) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 2008).

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THUẾ TÀI NGUYÊN

 Quá trình thực hiện Pháp lệnh thuế tài nguyên đã góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian tới, Pháp lệnh thuế tài nguyên cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp, cụ thể như sau:

1. Những kết quả đạt được

Tài nguyên là tài sản quan trọng của quốc gia và hầu hết là tài nguyên không tái tạo được cần được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế bền vững trong mối quan hệ hài hoà với giải quyết vấn đề xã hội và môi trường trước mắt cũng như lâu dài.

– Về mục tiêu sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên: Thể hiện ở mức thuế tài nguyên được phân biệt theo từng nhóm, loại tài nguyên; mức thuế suất từ 0% (đối với nước thiên nhiên phục vụ các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và sinh hoạt) đến 20%, 30%, 40% (đối với tài nguyên, khoáng sản quý hiếm) đã góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên theo hướng khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên nhất là đối với các tài nguyên quý hiếm, tài nguyên không tái tạo (dầu khí, than, đá,…).

– Thuế tài nguyên là một công cụ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật, được sử dụng đồng thời với các công cụ quản lý khác như cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên.

– Với mục tiêu góp phần bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thuế tài nguyên đã đạt được những kết quả nhất định. Số thu thuế tài nguyên các năm từ 2005-2008 bình quân mỗi năm trên 23.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh trong nước (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 22.160 tỷ đồng, chiếm 95,5% tổng số thu thuế tài nguyên; thuế tài nguyên của các tài nguyên khác khoảng 1.040 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng số thu thuế tài nguyên).

2. Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành còn bộc lộ một số hạn chế như sau:

– Về đối tượng chịu thuế:

Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định về thuế tài nguyên đối với “dầu mỏ”, “khí đốt”. Tại Luật Dầu khí lại quy định “dầu thô” và “khí thiên nhiên” đối với tài nguyên dầu, khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 lại bổ sung thêm loại tài nguyên nữa là “khí than”. Vì vậy, cần quy định đối tượng chịu thuế là “Dầu thô” thay cho “Dầu mỏ”; “Khí thiên nhiên” thay cho “Khí đốt” và bổ sung thêm “khí than” vào đối tượng chịu thuế để đảm bảo tính thống nhất về thuật ngữ và sự đầy đủ về chủng loại tài nguyên.

Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định đối tượng chịu thuế là “Thuỷ sản tự nhiên”, bao gồm các loại động vật, thực vật ở biển, sông, ngòi, hồ, đầm, phá, kênh, rạch tự nhiên. Trên thực tế việc khai thác thuỷ sản tự nhiên tại các sông, ngòi, hồ, đầm, phá, kênh, rạch thì người đánh bắt chủ yếu là nông dân đánh bắt thủ công theo thời vụ. Một số ít sống bằng nghề chài lưới trên sông, hồ vẫn phải làm thêm nghề khác để đảm bảo cuộc sống và một bộ phận thuộc diện ; Thuế tài nguyên hầu hết chỉ thu đối với thuỷ sản tự nhiên khai thác trên biển (hải sản). Do vậy, cần quy định đối tượng chịu thuế là Hải sản tự nhiên thay cho Thuỷ sản tự nhiên để đảm bảo tính khả thi.

– Về đối tượng nộp thuế:

Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành thì trường hợp Bên Việt Nam tham gia doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà Bên Việt Nam dùng để góp vốn pháp định (khi đó thuế tài nguyên trở thành vốn góp của phía Việt Nam trong liên doanh). Quy định này chưa phù hợp với tình hình thực tế và chưa phù hợp với Luật Đầu tư hiện hành, theo đó nếu doanh nghiệp liên doanh được thành lập giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thì người nộp thuế là doanh nghiệp liên doanh; nếu các nhà đầu tư tổ chức dưới hình thức để khai thác tài nguyên thì nghĩa vụ thuế tài nguyên do các bên thoả thuận trước trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

– Về căn cứ tính thuế:

Pháp lệnh thuế tài nguyên quy định: căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất.

Căn cứ tính thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than (sau đây gọi là dầu, khí) được thực hiện theo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Dầu khí. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 chỉ quy định viện dẫn: Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí phải nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Do đó, để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý, cần bổ sung quy định về thuế tài nguyên đối với dầu, khí tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế tài nguyên.

– Về sản lượng tính thuế:

Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành, sản lượng tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác. Sản lượng tài nguyên thương phẩm là sản lượng tài nguyên được bán ra. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều loại tài nguyên khai thác, chưa bán ra ngay mà đưa vào để tiếp tục sản xuất ra sản phẩm khác. Khi đó, sản lượng tài nguyên tính thuế được căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ và định mức tiêu hao tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Như vậy, sản lượng tài nguyên tính thuế trong trường hợp này không phải là sản lượng tài nguyên thương phẩm, mà là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác.

– Về giá tính thuế:

Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định: Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác. Trường hợp tài nguyên khai thác chưa có giá bán thì Chính phủ quy định giá tính thuế tài nguyên.

Trên thực tế, do chất lượng, hàm lượng tài nguyên khai thác được là khác nhau, lượng tạp chất khai thác được cùng với tài nguyên nhiều nên việc xác định giá tính thuế tài nguyên trong trường hợp tài nguyên khai thác chưa có giá bán cũng rất khác nhau và hiện nay mỗi địa phương áp dụng một cách dẫn đến sự không thống nhất về giá tính thuế. Vì vậy, cần có quy định về nguyên tắc xác định giá tính thuế của các loại tài nguyên để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất.

Quá trình thực hiện Pháp lệnh thuế tài nguyên cho thấy có rất ít tài nguyên được bán tại nơi khai thác mà chủ yếu tài nguyên được bán sau khi đã chế biến, sàng tuyển, phân loại, chọn lọc. Hơn nữa, việc xác định “giá bán tài nguyên tại nơi khai thác” như tại tỉnh, huyện hoặc xã để xác định giá tính thuế là vấn đề gây tranh cãi trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để khắc phục nhược điểm này, cần quy định: “Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác”.

– Về miễn, giảm thuế:

Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành, dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước có khai thác tài nguyên (trừ dầu, khí) được giảm tối đa 50% thuế tài nguyên trong ba năm đầu kể từ khi bắt đầu khai thác. Hiện tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước không còn hiệu lực; hơn nữa, Luật Đầu tư ban hành năm 2005 đã quy định thống nhất về chính sách ưu đãi giữa các loại hình đầu tư. Do vậy, cần sửa đổi nội dung này để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành cũng quy định: Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thuỷ điện không hoà vào mạng lưới điện quốc gia. Việc miễn thuế trong trường hợp này không hợp lý, nhất là trong bối cảnh nhiều nguồn thuỷ điện cung cấp điện nhưng không hoà vào mạng lưới điện quốc gia như hiện nay. Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định này nhằm đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế.

Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định: Đối với nước thiên nhiên dùng phục vụ các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước thiên nhiên khai thác từ giếng đào, giếng khoan phục vụ sinh hoạt, áp dụng mức thuế suất là 0%. Để đảm bảo giảm thiểu thủ tục hành chính, cần thiết đưa đối tượng này vào diện được miễn thuế.

– Về đăng ký, kê khai, nộp thuế:

Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 1998 có 11 Điều (Điều 8, 9 và các Điều từ 11 đến Điều 19) quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế; xử lý vi phạm, khen thưởng; khiếu nại, thời hiệu; tổ chức thực hiện. Trong khi đó, Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 và bãi bỏ các quy định về quản lý thuế trong các luật, pháp lệnh về thuế mà Luật Quản lý thuế có quy định.

Thêm vào đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.

Do vậy, những nội dung về quản lý thuế, thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm tại Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành cần phải sửa đổi lại cho phù hợp và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế của chính sách thuế tài nguyên hiện hành, đảm bảo xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn và các Luật có liên quan, cần thiết phải ban hành Luật thuế tài nguyên. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 6 ngày 25 tháng 11 năm 2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật thuế tài nguyên thay thế Pháp lệnh thuế tài nguyên số 05/1998/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên số 07/2008/PL-UBTVQH12 nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG LUẬT THUẾ TÀI NGUYÊN

Luật thuế tài nguyên được ban hành nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu sau:

1. Kế thừa, luật hoá các quy định của pháp luật hiện hành về thuế liên quan đến tài nguyên còn phù hợp. Khắc phục những mặt hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách thuế tài nguyên hiện hành.

2. Thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; bảo vệ môi trường.

Nhà nước phải có chính sách quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

4. Các quy định trong Luật không quá kỹ thuật, phức tạp; phải rõ ràng, dễ thực hiện, dễ quản lý.

5. Góp phần đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việc tăng cường công tác quản lý, thu thuế tài nguyên, góp phần tăng thu cho ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường; xây dựng, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của nguồn tài nguyên quốc gia.

III. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT

Luật thuế tài nguyên gồm 4 chương, 11 Điều. Cụ thể như sau:

1. Chương I. Những quy định chung gồm 3 điều từ Điều 1 đến Điều 3

Chương này quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, người nộp thuế tài nguyên.

a) Đối tượng chịu thuế (Điều 2): Đối tượng chịu thuế tài nguyên, bao gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên (trừ động vật); hải sản tự nhiên (bao gồm động vật và thực vật biển); nước thiên nhiên (bao gồm nước mặt và nước dưới đất); Yến sào thiên nhiên và các loại tài nguyên khác không thuộc các loại nêu trên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Trong quá trình soạn thảo, có ý kiến đề nghị cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự tiến bộ của con người thì Luật thuế tài nguyên nên quy định bao quát hết các loại tài nguyên hiện hành như: không khí, vùng biển, vùng trời, kho số, tần số, các nguồn năng lượng (gió, ánh sáng mặt trời), văn hoá phi vật thể,… bởi vì các loại tài nguyên này đều thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy:

– Về không khí: Trên thế giới chưa có nước nào thực hiện thu thuế tài nguyên đối với không khí; không khí là loại tài nguyên mà mọi người đều phải sử dụng nên việc đánh thuế là không khả thi.

– Về gió, ánh sáng mặt trời: Hiện các nước đều khuyến khích khai thác để sản xuất điện năng, nhằm giảm áp lực nhu cầu về điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng truyền thống; chi phí đầu tư để sản xuất loại điện năng này cao, Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, do vậy, chưa nên đánh thuế đối với các loại tài nguyên này.

– Về vùng biển, vùng trời: Hiện đang thực hiện thu lệ phí, áp dụng mức thu cố định trên lần sử dụng (ví dụ: Lệ phí cấp phép bay…). Các lệ phí này liên quan đến quan hệ với các nước, không có tính ổn định do đó tiếp tục thu dưới dạng lệ phí.

– Về tần số hiện đang thu dưới hình thức lệ phí cấp phép tần số, phí sử dụng tần số. Mức thu đa dạng và hay thay đổi do tiến bộ của công nghệ nên đề nghị tiếp tục thu dưới dạng phí, lệ phí. Về kho số hiện đang nghiên cứu để thực hiện thu phí, lệ phí nhằm đảm bảo tính khả thi hơn khi thực hiện, bởi vì với điều kiện hiện tại chưa cho phép xác định được giá tính thuế đối với các loại tài nguyên này.

– Về văn hoá phi vật thể,…: Các loại tài nguyên này rất khó xác định căn cứ để tính thuế, ngoài ra trong một số trường hợp nhất định Nhà nước khuyến khích sử dụng loại tài nguyên này.

Thêm vào đó, để có thể bổ sung các loại tài nguyên nêu trên vào đối tượng chịu thuế của Luật thuế tài nguyên thì cần thiết phải xây dựng được các Luật chuyên ngành có liên quan để xác định đó là tài nguyên quốc gia và các tài nguyên đó có thể đo lường được.

Do đó, Luật thuế tài nguyên chỉ quy định điều chỉnh các tài nguyên hữu hình, các tài nguyên được liệt kê tại pháp luật chuyên ngành về tài nguyên khoáng sản như quy định tại Điều 2 của Luật.

Như vậy, so với Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành, Luật thuế tài nguyên có điểm mới đó là:

– Bổ sung thêm “khí than” vào đối tượng chịu thuế.

– Bổ sung quy định không đưa động vật của rừng tự nhiên vào đối tượng chịu thuế do theo quy định của pháp luật cấm săn bắt.

– Luật quy định miễn thuế đối với hải sản tự nhiên (bao gồm cả thuỷ sản).

b) Người nộp thuế (Điều 3) là các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế.

Trong một số trường hợp, Luật thuế tài nguyên quy định cụ thể người nộp thuế tài nguyên như sau:

– Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế;

– Bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;

– Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Đây là các quy định được hệ thống hóa, pháp điển hóa ở các văn bản hiện hành (Luật dầu khí, Pháp lệnh thuế tài nguyên và các văn bản hướng dẫn) nhằm đảm bảo tính hệ thống, tính thống nhất của Luật này.

2. Chương II: Căn cứ tính thuế gồm 4 điều từ Điều 4 đến Điều 7

Chương này quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế (Điều 5), giá tính thuế (Điều 6) và thuế suất (Điều 7). Cụ thể là:

Sản lượng tài nguyên tính thuế (Điều 5) được quy định như sau:

Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế, không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên (Ví dụ: Tài nguyên khai thác để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ, sử dụng cho sản xuất tiếp theo).

– Đối với tài nguyên khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại. (Ví dụ: Một công ty trong kỳ nộp thuế phải sàng tuyển hàng nghìn m3 đất, đá để thu được 2 kg vàng cốm, 100 tấn quặng sắt thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng vàng cốm và quặng sắt thu được này).

– Đối với tài nguyên khai thác không bán mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. (Ví dụ: Một công ty khai thác tinh quặng sắt không bán ra ngay mà được tiếp tục luyện chế biến thành sản phẩm gang, phôi thép thành phẩm. Trong tháng, sản xuất được 200 tấn phôi thép thành phẩm; theo định mức tiêu chuẩn kỹ thuật thì để sản xuất ra 1 tấn phôi thép thành phẩm cần sử dụng 2 tấn quặng sắt (hàm lượng 60% sắt) và 01 tấn phụ gia (thép phế liệu, than cốc,..). Khi đó, sản lượng tài nguyên tính thuế trong kỳ đối với quặng sắt là: 200 tấn phôi thép x 2 quặng sắt/phôi thép = 400 tấn quặng sắt).

– Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất thuỷ điện bán cho bên mua điện theo điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không có hợp đồng mua bán điện được xác định theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận.

– Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.

Đối với tài nguyên được khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, sản lượng tài nguyên khai thác dự kiến trong một năm có giá trị dưới 200.000.000 đồng thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo mùa vụ hoặc định kỳ để tính thuế. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan có liên quan ở địa phương xác định sản lượng tài nguyên khai thác được khoán để tính thuế.

So với Pháp lệnh thuế tài nguyên, Luật thuế tài nguyên có điểm mới là: Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành quy định sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác. Trong khi đó, Luật thuế tài nguyên quy định chi tiết về sản lượng tài nguyên tính thuế trong từng trường hợp: tài nguyên khai thác xác định được hoặc chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác; Tài nguyên khai thác không bán mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác; Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện; Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp; Tài nguyên được khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên.

Về giá tính thuế (Điều 6)

So với Pháp lệnh thuế tài nguyên, Luật thuế tài nguyên có điểm mới là: Pháp lệnh thuế tài nguyên quy định giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác. Trong khi đó, Luật thuế tài nguyên quy định giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm . Đồng thời quy định các nguyên tắc xác định giá tính thuế trong trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán và quy định cụ thể giá tính thuế đối với: (i) Nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân; (ii) Gỗ là giá bán tại bãi giao; trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định; (iii) Tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là giá xuất khẩu; (iv) Dầu thô, khí thiên nhiên, khí than là giá bán tại điểm giao nhận. Điểm giao nhận là điểm được thoả thuận trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí.

Về thuế suất thuế tài nguyên (Điều 7)

Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành thuế suất quy định theo khung cho 8 nhóm tài nguyên, khoáng sản từ I đến VIII. Trên cở sở kế thừa thuế suất theo khung như quy định tại Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành, Luật thuế tài nguyên quy định chi tiết hơn về nhóm, loại tài nguyên và điều chỉnh khung thuế suất theo nguyên tắc:

Thứ nhất, tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao;

Thứ hai, thu hẹp biên độ khung thuế suất, nâng mức thuế suất sàn của các loại tài nguyên thuộc nhóm khoáng sản kim loại và một số loại tài nguyên quý hiếm khác;

Thứ ba, không có thuế suất 0% vì đây là tài nguyên quốc gia, bất kỳ ai sử dụng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp;

Thứ tư, thuế suất quy định theo loại tài nguyên, hạn chế quy định phân loại theo mục đích sử dụng.

Riêng đối với dầu, khí, do tài nguyên dầu, khí có tính chất đặc thù liên quan đến các dự án lớn, nhà đầu tư lớn, các quy định tại Hợp đồng dầu, khí có tiêu chuẩn, chuẩn mực theo thông lệ quốc tế nên thuế suất thuế tài nguyên đối với dầu, khí được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu, khí khai thác bình quân mỗi ngày.

Căn cứ vào Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ bảo đảm các nguyên tắc:

Thứ nhất, phù hợp với danh mục nhóm, loại tài nguyên và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hội quy định;

Thứ hai, góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên; bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên;

Thứ ba, Góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường.

3. Chương III: Kê khai, nộp thuế; Miễn, giảm thuế (Điều 8 và Điều 9)

Chương này gồm 2 điều quy định về kê khai, nộp thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên.

Về kê khai, nộp thuế: Luật thuế tài nguyên dẫn chiếu đến Luật quản lý thuế. Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Riêng việc kê khai, nộp thuế tài nguyên đối với dầu, khí do Chính phủ quy định.

Về miễn, giảm thuế tài nguyên: Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc chính sách miễn, giảm thuế tài nguyên hiện hành, Luật thuế tài nguyên quy định cụ thể như sau: miễn, giảm thuế đối với trường hợp người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế; miễn thuế đối với hải sản tự nhiên; miễn thuế đối với cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt; miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt; miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt; Miễn thuế đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều và những trường hợp được miễn, giảm khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

So với Pháp lệnh thuế tài nguyên, Luật thuế tài nguyên có một số điểm mới về chính sách miễn, giảm thuế tài nguyên như sau:

Thứ nhất, bỏ quy định giảm thuế đối với dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành.

Thứ hai, quy định miễn thuế đối với hải sản tự nhiên.

Thứ ba, quy định miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt.

Thứ tư, quy định miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

Thứ năm, quy định miễn thuế đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

4. Chương IV: Điều khoản thi hành (Điều 11 và Điều 12)

Luật thuế tài nguyên thay thế Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 2008.

Luật thuế tài nguyên có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 và tiếp tục giữ nguyên tắc bảo lưu đối với dự án đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 mà trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí có quy định về thuế tài nguyên.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Tại Điều 11 Luật thuế tài nguyên quy định ”Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước”.

Theo Chương trình công tác của Chính phủ, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tài nguyên sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành trong quý I/2010.

2. Bằng các hình thức phù hợp như tổ chức giới thiệu, tập huấn, in ấn các loại tài liệu để tuyên truyền Luật thuế tài nguyên đến toàn thể cán bộ, công chức Bộ Tài chính, các Bộ, ngành Trung ương; doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.

Trân trọng./.

Bộ phận thuế – Minh Khuê  

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *