Dự án Luật Cạnh tranh và những vấn đề đặt ra

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

L TS. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 12/4/2000 Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ra Quyết định thành lập Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh. Qua nghiên cứu các đề tài khoa học xung quanh vấn đề này, tham khảo Luật Cạmh tranh của chín nước và vùng lãnh thổ; Luật mẫu về cạnh tranh của một số tổ chức quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các nước, Ban Soạn thảo đã hoàn thành 9 bản dự thảo. Ngày 6/1/2004 Bộ Thương mại đã trình Chính phủ dự thảo 9 phiên bản 3 Luật Cạnh tranh.

Ngày 5/2/2004 Chính phủ đã họp thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo này. Dự kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp thảo luận và cho ý kiền dự thảo Luật Cạnh lranh trước khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật này vào tháng 5/2004.

Dưới đây TCTM xin giới thiệu bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thương mại – Tiến sĩ Lê Danh Vĩnh Trưởng ban soạn thảot Luật Cạnh tranh về nội dung chủ yếu của Dự án Luật và một số vấn đề đang đặt ra với các cơ quan và cộng đồng DN.

NỘI DUNG CHỦ YẾU DỰ ÁN LUẬT CẠNH TRANH CỦA VIỆT NAM

1. Kết cấu của dự án Luật:

Dự án Luật Cạnh tranh gồm 9 chương, 93 Điều; Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II: Thoả thuận hạn chế cạnh tranh (từ Điều 8 đến Điều l0); Chương III: Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền (từ Điều 11 đến Điều 15); Chương IV: Tập trung kinh tế (từ Điều 16 đến Điều 23); Chương V: Cạnh tranh không lành mạnh (từ Điều 24 đến Điều 33); Chương VI: Thủ tục để thực hiện các trường hợp miễn trừ (từ Điều 34 đến Điều 45); Chương VII: Điều tra, Xử lý vụ việc cạnh tranh (từ Điều 46 đến Điều 89); Chương VIII: Quản lý Nhà nước về cạnh tranh (từ Điều 90 đến Điều 91); Chương IX: Điều khoản thi hành (từ Điều 92 đến Điều 93).

>>  

 

2. Những nội dung chủ yếu của dự án Luật:

a. Lời nói đầu: nêu những mục đích chủ yếu của dự thảo Luật theo hướng thừa nhận quyền có được cơ hội bình đẳng trong cạnh tranh của mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh.

b. Chương l: ‘‘Những quy định chung’‘

– Đối tượng điều chỉnh: điều chỉnh các hành vi gây hạn chế cạnh tranh (thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống linh thị trường và vị trí độc quyền, tập trung kinh tế) và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

– Phạm vi áp dụng: áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh, kể cả các DN sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, DN kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước.

Hiệp hội ngành nghề, nhất là các hiệp hội ngành hàng là diễn đàn tập hợp các DN có nhiều điểm chung, là nơi rất dễ diễn ra các thoả thuận gây hạn chế cạnh tranh giữa các DN. Dù không có hoạt động kinh doanh trực tiếp nhưng những hành vi, quyết định của Hiệp hội nhiều khi có thể có ảnh huởng xấu đến môi trường cạnh tranh nên dự thảo vẫn đưa Hiệp hội ngành nghề vào phạm vi áp dụng.

c. Chương 2: ‘‘Thoả thuận hạn chế cạnh tranh’‘

Dự thảo đã liệt kê các thoả thuận bị coi là thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, Dự luật không cấm mọi thoả thuận hạn chế cạnh tranh mà chỉ cấm các thoả thuận loại này trong một số trường hợp.

Cụ thể như sau:

+ Dự Luật cấm thông đồng trong đấu thầu, cấm thoả thuận ấn định giá bán lại;

+ Trong các trường hợp không thuộc hai loại nêu trên, Dự luật chỉ cấm khi các DN tham gia thoả thuận có tổng thị phần từ 30% trở lên vì chỉ khi đạt đến một sức mạnh kinh tế đó, những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh này mới gây ra tác hại thực sự cho môi trường kinh doanh và người tiêu đùng. Tiêu chí thị phần 30% đã được nhiều nước áp dụng như Cộng hòa Liên bang Đức, Ca-na-đa.

– Trong một số trường hợp cần thiết nhằm hạ giá thành và làm lợi cho người tiêu dùng thì có thể miễn trừ việc áp đụng quy định cấm đối với một số hành vi nhất định. Hành vi chỉ được hưởng miễn trừ khi đáp ứng các điều kiện luật định và được cơ quan quản lý cạnh tranh cho phép bằng văn bản.

d. Chương 3: ‘‘Lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền’‘

– Về vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền của DN:

+ Một DN có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên sẽ bị coi là có vị trí thống lĩnh.

+ Mức 30% là mức đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và hiện nay cũng đang sử dụng trong Pháp lệnh Bưu chính – Viễn thông để xác định một DN có vị trí chi phối thị trường.

+ Trong trường hợp nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường thì dự thảo Luật quy định các mức là: hai DN có thị phần từ 50% trở lên, ba DN có thị phần từ 65% trở lên, bốn DN có thị phần từ 75% trở lên sẽ bị coi là nhóm DN có vị trí thống lĩnh: Đây là mức được quốc tế sử dụng rộng rãi.

+ Vị trí độc quyền là một trường hợp đặc biệt của vị trí thống lĩnh khi không có DN nào cạnh tranh với DN được coi là có vị trí độc quyền.

– Về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền: Cách tiếp cận của dự thảo là khi một DN có vị trí thống lĩnh thì DN đó có thể có hoặc chưa vi phạm pháp luật. Trong trường hợp chỉ khi một DN có vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền hay nhóm DN có vị trí thống lĩnh thực hiện các hành vi lạm dụng thì DN đó mới vi phạm.

– Về kiểm soát DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước; Dự thảo Luật sẽ áp dụng cho tất cả DN trên thị trường kể cả DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước để quán triệt quan điểm của Đảng ‘‘thực hiện độc quyền nhà nước trong những lĩnh vực cần thiết nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN’‘. Lĩnh vực độc quyền nhà nước là các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội nên chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có quyền áp dụng linh hoạt quy định của Luật này trong một số trường hợp đặc biệt.

e. Chương 4: ‘‘Tập trung kinh tế’‘

Dự thảo đưa ra khái niệm về tập trung kinh tế trong đó chỉ ra các cách thức tích tụ, tập trung của DN trên thị trường nhằm hình thành các DN lớn hơn.

– Các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm: Mục tiêu của quy định này là ngăn cản việc tích tụ, tập trung của các DN trên thị trường dẫn đến hậu quả là tạo ra một DN khống chế được thị trường. Việc ngăn cản hình thành các DN khống chế được thị trường sẽ giúp duy trì được môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, có lợi cho nguôi tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc quy định về quy mô tích tụ phải đảm bảo không ngăn cản việc hình thành những Cty lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới. ở chương III, một DN có thị phần đạt từ 30% trở lên sẽ bị coi là có vị trí thống lĩnh. Tuy nhiên, quy định ở chương III cũng thể hiện là khi DN có được thị phần từ 30% trở lên, không có nghĩa là nó vi phạm quy định của Luật này. Chính vì vậy ngưỡng thị phần 50% được đặt ra ở chương IV có ngụ ý rằng đây là mức thị phần mà nếu một DN đạt được thì sẽ có khả năng khống chế được thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc DN đó có khả năng hành động độc lập trên thị trường mà không cần phải quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh khác, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn đặc biệt bất lợi cho môi trường cạnh tranh.

– Hai trường hợp xét hưởng miễn trừ là:

+ Thứ nhất, việc xét hưởng miễn trừ thuộc thẩm quyền của Cơ quan quản lý cạnh tranh. Miễn trừ là trường hợp một hay nhiều bên trong vụ tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc phá sản. Thứ hai, việc xét miễn trừ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đó là trường hợp việc tập trung kinh tế có tác dụng thúc đẩy mở rộng XK, phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển tiến bộ kỹ thuật. Đây là những vấn đề lớn, cần có sự phân tích tổng quát từ nhiều ngành và Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cho phép hay không cho phép được hưởng miễn trừ.

g. Chương 5: ‘‘Cạnh tranh không lành mạnh’‘

Dự thảo đã quy định chi tiết về 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm: Giả mạo chỉ dẫn thương mại; Xâm phạm bí mật kinh doanh; Mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trong kinh doanh; Gièm pha DN khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Phân biệt đối xử trong hiệp hội; Bán hàng đa cấp bất chính.

h. Chương 6: ‘‘Thủ tục để thực hiện các trường hợp miễn trừ’‘

Chương này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xin và quyết định cho hưởng miễn trừ.

Các mốc thời hạn lớn đều được đưa ra cụ thể trong Luật nhằm minh bạch hoá về thủ tục và thời hạn cho phép hưởng miễn trừ.

i. Chương 7: ‘‘Điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh’‘

– Chương này quy định về nguyên tắc tố tụng, thời hạn khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tố tụng, thầm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh, trình tự, thủ tục điều tra, các hình thức xử lý vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.

k. Chương 8: ‘‘Quản lý nhà nước về cạnh tranh ‘‘

– Chương này quy định nội dung của quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về cạnh tranh. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh do Chính phủ quy định.

 

Một số vấn đề mà các chuyên gia trong và ngoài nước thường có ý kiến tham gia trong quá trình soạn thảo Dự án Luật Cạnh tranh

1. Về tên của dự án Luật: Có rất nhiều ý kiến thảo luận về vấn đề này với các loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất: Luật Cạnh tranh và Chống độc quyền.

Loại ý kiến thứ hai : Luật Cạnh tranh.

Loại ý kiến thứ ba: Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền.

Sau khi đã cân nhắc kỹ các lợi ích liên quan, Ban soạn thảo đã sử dụng tên Luật là Luật Cạnh tranh.

2. Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật: có điều chỉnh DN độc quyền nhà nước hay không? Loại ý kiến thứ nhất cho rằng DN độc quyền nhà nước cần được miễn trừ, không áp dụng các quy định của Luật này vì nó thực hiện các nhiệm vụ riêng do Nhà nước giao. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần đối xử với DN độc quyền nhà nước như các DN khác trong lĩnh vực cạnh tranh. Không những thế dự án Luật nay cần có thêm quy định dể kiểm soát việc lạm dụng vị trí độc quyền của những DN này.

Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của loại ý kiến thứ hai để thể hiện trong dự thảo Luật.

3. Về vấn đề đại lý độc quyền: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần có quy định riêng về kiểm soát hình thúc đại lý độc quyền đối với một số mặt hàng nhạy cảm, có ít DN cạnh tranh để hạn chế bớt tác hại đến người tiêu dùng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng đại lý độc quyền là một phương thúc kinh doanh phổ biến và không thể cấm. Trong mối liên hệ với các quy định khác trong luật, quan hệ phân phối, kể cả quan hệ đại lý độc quyền đã được xử lý cụ thể là:

+ Với những hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi độc quyền nhà nước: Nhà nước có quyền can thiệp (quy định tại điều 5 Luật Cạnh tranh).

+ Với những hàng hoá, dịch vụ không thuộc phạm vi độc quyền nhà nước và có ít DN cạnh tranh (ví dụ chỉ có một hoặc hai DN sản xuất được thuốc chữa tim) thì DN làm đại lý độc quyền sẽ đương nhiên có vị trí thống lĩnh thị trường (là DN có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan). Nếu những đại lý độc quyền này có hành vi ‘‘áp đặt giá mua, giá bán bất hợp lý’‘ hoặc ‘‘hạn chế phân phối, giới hạn thị trường’‘, thì sẽ bị áp dụng các quy định đối với DN có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại chương III của Luật Cạnh tranh.

Ban soạn thảo sử dụng cách tiếp cận của loại ý kiến thứ hai trong việc xử lý vấn đề đại lý độc quyền.

4. Về việc có cấm tập trung kinh tế hay không? Nhiều ý kiến cho rằng Luật Cạnh tranh không cấm DN có được vị trí thống lĩnh thị trường thì cũng không nên đưa ra quy định cấm tập trung kinh tế.

Chương III của dự Luật tiếp cận theo hướng không cấm vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền nếu DN có được vị trí đó bằng nỗ lực trong kinh doanh, thông qua hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, để duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, việc kiểm soát hành vi của DN có vị trí thống lĩnh hay việc cảnh báo về mức độ tích tụ của các DN trong nền kinh tế là điều hết sức cần thiết. Chúng ta không thể cấm một DN tự đi lên để có được vị trí thống lĩnh, thậm chí là vị trí độc quyền nhưng chúng ta không khuyến khích các DN chiếm lấy vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bằng các biện pháp tập trung kinh tế đơn giản.

Về bản chất, tập trung kinh tế cũng có tác động tương tự như các thoả thuận gây hạn chế cạnh tranh giữa các DN nhưng ở múc độ cao hơn, chặt chẽ hơn. Ở các nước phát triển, việc quy định kiểm soát sáp nhập luôn là rất ngặt nghèo. Ở nước ta, chúng ta vừa bước ra khỏi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung chưa lâu lại đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quốc tế khốc liệt trong quá trình hội nhập, do đó mức độ kiểm soát sáp nhập không ngặt nghèo bằng các nước khác với mong muốn có được các tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng vẫn cần kiểm soát tập trung kinh tế khi quy mô tích tụ đạt đến một ngưỡng nhất định.

5. Về việc cần điều tiết hành vi bán phá giá trong chương ‘‘Cạnh tranh không lành mạnh’‘ Ban soạn thảo cho rằng chỉ những DN có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền thì hành vi bán phá giá mới có tác động tiêu cực đến thị trường. Hành vi bán phá giá đã bị cấm ở Chương III về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền cho nên chúng tôi cho rằng không cần thiết có quy định về bán phá giá tại Chương cạnh tranh không lành mạnh.

6. Vấn đề hình thức phạt tiền đối với hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc vi phạm Luật Cạnh tranh là trong linh vực quản lý cạnh tranh. Do đó, cần áp dụng quy định về mức phạt tiền trong Pháp lệnh . Cụ thể số tiền phạt được quy định tối đa chỉ là 100 triệu đồng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng vi phạm Luật Cạnh tranh là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nên có tính đặc thù. Do đó để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm và đảm bảo các biện pháp phạt tiền không bị lạc hậu theo thời gian thì cần phạt tiền theo tỷ lệ trên doanh thu của DN vi phạm. Cụ thể có thể phạt tối đa đến 10% tổng doanh thu năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Ban soạn thảo sử dụng cách tiếp cận của loại ý kiến thứ hai trong việc quy định hình thức phạt tiền đối với hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh.

7. Về mô hình của cơ quan quản lý cạnh tranh

a. Về mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới: theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tính đến năm 2003, đã có tới 82 nước và vùng lãnh thổ có luật điều tiết hoạt động cạnh tranh và kiểm soát độc quyền với bốn mô hình khác nhau về cơ quan quản lý cạnh tranh. Theo số liệu mà Bộ Thương mại có được, trong tổng số 48 cơ quan quản lý cạnh tranh của 48 nước và vùng lãnh thổ thì: Có 3 nước, Cơ quan quản lý cạnh tranh là một cơ quan thuộc Quốc hội; Có 5 nước, Cơ quan quản lý cạnh tranh là một cơ quan ngang Bộ; Có 8 nước, Cơ quan quản lý cạnh tranh là một cơ quan thuộc Thủ tướng Chính phủ; Có 32 nước, Cơ quan quản lý cạnh tranh là một cơ quan thuộc Bộ.

b. Cơ quan quản lý cạnh tranh phải có đầy đủ các yếu tố sau đây: Phải được trao đầy đủ quyền hạn, hoạt động phải đảm bảo tính tin cậy cao; Phải đảm bảo việc hoạt động và ra quyết định một cách độc lập; Phải đảm bảo tính minh bạch trong thực thi nhiệm vụ.

Về lâu dài, cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, để đảm bảo tính độc lập cao, nên thành lập cơ quan quản lý cạnh tranh ngang Bộ ở nước ta. Trong thời gian đầu thực thi luật, theo kinh nghiệm của nhiều nước, nên tổ chức Cơ quan quản lý cạnh tranh là một Tổng cục nằm trong Bộ Thương mại. Tổng cục này sẽ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực thi Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh về Tự vệ trong NK hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam, Pháp lệnh về Chống bán phá giá đối với hàng hoá NK vào Việt Nam và Pháp lệnh về Chống trợ cấp đối với hàng hoá NK vào Việt Nam.

Bên cạnh Tổng cục này, cần giao Bộ trưởng Bộ Thương mại thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Hội đồng sẽ có một số thành viên chuyên trách và một số thành viên là chuyên gia của các Bộ, ngành để xử lý các vụ việc trong những ngành, lĩnh vực cụ thể.

Những công việc mà Bộ Thương mại, Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh sẽ làm cho đến khi Luật được  Quốc hội thông qua vào cuối năm 2004

Theo chương trình xây dựng Luật của Quốc hội khoá 11, dự kiến tháng 11/2004, Quốc hội sẽ họp thảo luận và thông qua dự án Luật Cạnh tranh .

Từ nay đến khi thông qua, Bộ Thương mại và Ban soạn thảo Luật Cạnh tranh dự kiến sẽ thực hiện các công việc sau:

1 Giải trình dự án Luật Canh tranh lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2004.

2. Tiếp tục chỉnh lý dự thảo theo ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trình ra phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2004 và tiếp đó là phiên họp tháng 11/2004 .

3. Chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để có thể trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Luật được thông qua.

4. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến các DN thuộc các thành phần kinh tế và người tiêu dùng những nội dung cơ bản của Luật Cạnh tranh.

5. Thiết lập các kênh thông tin, liên lạc với cộng đồng DN (xây dựng trang web riêng) để thu thập các thực tiễn cạnh tranh trên thị trường chuẩn bị cho quá trình thực thi luật.

6. Tổ chức đào tạo cán bộ, các điều tra viên, chuyên gia hoạch định chính sách để giúp cho quá trình vận hành cơ quan cạnh tranh sau này.

Một số gợi ý, khuyến nghị với cộng đồng các DN trong qua trình hoàn chỉnh và triển khai thực thi Luật Cạnh tranh

1. Những mặt thuận lợi đối với DN khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành

Thứ nhất. dự án Luật Cạnh tranh là một trong những dự án Luật đầu tiên được soạn thảo theo nguyên tắc các DN được làm mọi thứ mà pháp luật không cấm. Do đó sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành các DN sẽ có một hành lang pháp lý rõ ràng để cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, mọi DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sẽ có được các cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn vì các hành vi lạm dụng của DN lớn (DN có vị trí thống lĩnh, DN có vị trí độc quyền) sẽ được giám sát chặt chẽ.

Thứ ba, mọi DN có cơ hội được hưởng một môi trường cạnh tranh không phân biệt đối xử vì hành vi can thiệp vào quá trình cạnh tranh của cơ quan nhà nước cũng sẽ được giám sát chặt chẽ.

2. Những thách thức đặt ra với các DN khi Luật Cạnh tranh ra đời và có hiệu lực thi hành

Thứ nhất, mọi DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế, kể cả các DN thuộc kinh tế quốc doanh, phải chấp nhận cạnh tranh một cách văn minh hơn, rõ ràng hơn, bài bản hơn mà không còn đất cho những chiến thuật cạnh tranh chộp giật. DN lớn sẽ phải cẩn thận hơn trước khi ra những quyết định quan trọng trong kinh doanh vì những quyết định của các DN lớn có nhiều ảnh hưởng đến thị trường và đã được giám sát chặt chẽ.

Thứ hai, DN phải chấp nhận những cơ chế mới do Luật Cạnh tranh đặt ra:

– Phải thông báo khi tập trung kinh tế đạt đến một ngưỡng nhất định. Trong một số trường hợp, nếu tập trung kinh tế có khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường thì DN sẽ không được phép tập trung kinh tế.

– Khi DN cho rằng hành vi của mình có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng nhiều hơn những tác hại mà nó gây ra thì DN cần làm thủ tục miễn trừ để được thực hiện hành vi.

Thứ ba, DN phải đối mặt với nhưng chế tài rất nghiêm khắc nếu có hành vi vi phạm Luật với dự kiến mục phạt vi phạm không phải là một số tiền tuyệt đối mà được tính theo phần trăm doanh thu của DN vi phạm .

(Nguồn: Tạp chí Thương Mại)

(: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

 

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *