Đang là quân nhân chuyên nghiệp có được thành lập doanh nghiệp không ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thưa luật sư! Xin tư vấn cho tôi trường hợp sau: Tôi đang là quân nhân chuyên nghiệp mang chức vụ thiếu tá, làm việc trong công ty cổ phần (trong đó nhà nước chiếm 15 % VĐL). Do đặc thù công việc tôi có thời gian rãnh nên định tham gia thành lập doanh nghiệp.

Như vậy tôi có thể góp vốn tham gia vào công ty cổ phần khác, và đảm nhận chức vụ chủ tịch HĐQT và giám đốc doanh nghiệp này không? Nếu được thì tôi có phải đóng BHXH bên công ty tôi làm giám đốc không?

Xin cám ơn luật sư!

 

Luật sư tư vấn:

Thưa quý khách hàng, Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý: 

().

2. Giải quyết vấn đề:  

2.1. Về vấn đề thành lập doanh nghiệp:

Theo khoản 18 và 19 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

“18. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

19. Người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp.”

Theo khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

“Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.”

Đồng thời,  theo Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 quy định cụ thể rằng:

Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:

a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;

b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;

d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

5. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

6. Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;

b) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân. “

Như vậy, Đối chiếu quy định trên thì khách hàng là quân nhân chuyên nghiệp nên không được quyền thành lập và quản lý bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

2.2. Về vấn đề góp vốn

Vì theo khoản 3 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rằng:

” Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.”

=> Như vậy, về việc tham gia dưới hình thức mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cần phân biệt như sau:

 – Cá nhân không thể góp vốn vào công ty TNHH vì theo quy định của pháp luật thì người góp vốn đương nhiên là thành viên Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn (khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014) và khi là thành viên của Hội đồng thành viên của công ty thì bạn có quyền quản lý công ty.

Tuy nhiên:

– Cá nhân được quyền góp vốn vào Công ty cổ phần (không phải để thành lập doanh nghiệp) nhưng chỉ với tư cách là cổ đông  (không được tham gia Hội đồng quản trị vì thành viên Hội đồng quản trị là người quản lý doanh nghiệp theo Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014).

–  Và cá nhân được góp vốn vào Công ty hợp danh (không phải để thành lập doanh nghiệp)  với tư cách là thành viên góp vốn (không được tham gia với tư cách là thành viên hợp danh vì thành viên hợp danh là người quản lý công ty hợp danh theo Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014).

Kết luận: Căn cứ theo trường hợp của khách hàng đưa ra, khách hàng không thể đứng ra thành lập Công ty cổ phần, nhưng có quyền tham gia với tư cách cổ đông (dưới hình thức mua cổ phần), không được tham gia Hội đồng quản trị nên cũng không thể là Chủ tịch HĐQT, và cũng không thể làm Giám đốc của một Doanh nghiệp (vì theo khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, Giám đốc sẽ có tư cách quản lý Doanh nghiệp). Vì quý khách không được thành lập doanh nghiệp nên không đặt ra vấn đề đóng bảo hiểm xã hội tại công ty quý khách làm giám đốc.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề “quân nhân chuyên nghiệp có được thành lập doanh nghiệp không ?”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Mọi vướng mắc hãy gọi số: (nhấn máy lẻ phím 7) để được . Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật doanh nghiệp – Công ty Luật TNHH Minh Khuê

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *