Cần thiết phải luật hoá các hoạt động Kiểm toán độc lập

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá XII về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ 2007-2011 và năm 2008, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Kiểm toán độc lập.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập

Cho đến nay, các văn bản về KTĐL bao gồm ngày 30/3/2004 và ngày 31/10/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105 đã tạo cơ sở pháp lý căn bản cho hoạt động KTĐL ở nước ta. Tuy nhiên, KTĐL là hoạt động dịch vụ có tính pháp lý cao, góp phần quan trọng làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư ở Việt Nam và công khai, minh bạch nền tài chính quốc gia, với tốc độ phát triển cao và trong xu thế hội nhập, Nghị định của Chính phủ về KTĐL đã bộc lộ các hạn chế cần sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành luật cho phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế ở nước ta trong thời gian tới, cụ thể:

Nghị định về KTĐL chưa đáp ứng được đầy đủ vai trò, vị trí hoạt động KTĐL trong nền kinh tế quốc dân.

Hoạt động của các DNKT trước hết là cung cấp dịch vụ KTĐL BCTC cho mọi đối tượng theo luật định hoặc tự nguyện. Nhưng điều quan trọng hơn là trách nhiệm của DNKT, của KTV đối với cơ quan Nhà nước và những người sử dụng kết quả kiểm toán. Người sử dụng kết quả kiểm toán phải được đảm bảo rằng những thông tin họ được cung cấp là khách quan, có độ tin cậy cao để đưa ra các quyết định theo trách nhiệm của mình liên quan đến việc mua, bán tài sản, đầu tư vốn, cho vay. Sự đảm bảo này chỉ có thể thực hiện được khi BCTC đã được kiểm toán trên cơ sở tuân thủ những quy định pháp lý về kiểm toán và các văn bản này phải quy định đầy đủ, có hiệu lực pháp lý cao và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, nhiều quy định trong Nghị định về KTĐL không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là một số quy định mang tính hành chính, bao cấp về trách nhiệm, cứng nhắc về thủ tục, không phù hợp với thông lệ quốc tế nên rất khó khăn khi triển khai trong thực tế như quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KTĐL là Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và cập nhật kiến thức hàng năm, thực hiện đăng ký và quản lý hành nghề hoạt động kiểm toán, kiểm tra chất lượng hoạt động kiểm toán,…

1)       Sau khi Luật DN 2005 có hiệu lực đã làm cho toàn bộ các quy định trong các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định về KTĐL liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động đối với DNKT không còn hiệu lực pháp lý. Từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và có thể làm tăng nguy cơ rủi ro của hoạt động kiểm toán đến mức không thể lường trước được. Ví dụ, Luật DN quy định DN thì “Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc phải có chứng chỉ kiểm toán viên và phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán từ 3 năm trở lên kể từ khi được cấp Chứng chỉ KTV”. Như vậy, theo Luật DN mới thì người vừa có chứng chỉ KTV chưa làm kiểm toán ngày nào cũng được làm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, từ đó, chất lượng kiểm toán sẽ không thể đảm bảo. Cũng theo Luật DN thì các Bộ, ngành không được quy định về và điều kiện kinh doanh, do đó các tiêu chuẩn, điều kiện liên quan đến tổ chức thành lập và hoạt động của DNKT theo Thông tư của Bộ Tài chính muốn duy trì hiệu lực pháp lý bắt buộc phải trình Chính phủ quy định.

2)       Thực tế với sự phát triển đa dạng các loại hình DNKT và đa dạng các dịch vụ kiểm toán và để đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán đòi hỏi hình thành một số tổ chức nghề nghiệp mới (trong các văn bản hiện hành chưa quy định) để dần dần chuyển giao các chức năng quản lý Nhà nước cho các tổ chức nghề nghiệp như đăng ký và quản lý hành nghề kiểm toán, kiểm soát chất lượng hoạt động, cập nhật kiến thức cho KTV,… Những năm vừa qua, một số quy định giao cho Bộ Tài chính nhưng chưa triển khai thực hiện như: Hàng năm chỉ kiểm tra được rất ít các DNKT, chưa tổ chức được cập nhật kiến thức hàng năm cho KTV người nước ngoài (trong khi theo quy định tất cả các KTV bắt buộc phải cập nhật kiến thức hàng năm), chưa xây dựng được quy trình kiểm toán cho DNKT,…

3)       Để thích ứng với sự phát triển phong phú và đa dạng của các hoạt động kinh tế, tài chính trong điều kiện kinh tế thị trường và tăng cường công tác quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật kinh tế đã được xây dựng và hoàn thiện như: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán,…Trong điều kiện đó Nghị định về KTĐL không đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường, không đảm bảo được hiệu lực pháp lý đầy đủ để thực hiện đúng vị trí, vai trò cung cấp sự “chứng thực” cho xã hội của hoạt động KTĐL và không đồng bộ với hệ thống pháp luật kinh tế hiện hành.      Một số quy định trong NĐ về KTĐL không còn phù hợp hoặc còn thiếu so với thông lệ quốc tế và đòi hỏi của thị trường Việt Nam, cụ thể:

4)       Chưa quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của KTV và DNKT. Trên thực tế 1 KTV, thậm chí người đứng đầu DNKT có thể vừa làm ở DNKT vừa làm ở các DN khác; Có trường hợp KTV đã đăng ký hành nghề kiểm toán trên thực tế không hành nghề, không ký báo cáo kiểm toán; Còn có hiện tượng cho mượn, cho thuê chứng chỉ KTV. Các hiện tượng trên xảy ra chủ yếu ở một số DNKT nhỏ. Với số lượng DNKT nhỏ ngày càng tăng, Bộ Tài chính không đủ điều kiện kiểm tra hết các DNKT và các vấn đề trên chưa quy định rõ ràng nên không có cơ sở pháp lý để xử lý.

5)       Chưa quy định điều kiện thành lập và hoạt động của chi nhánh của DNKT nước ngoài ở Việt Nam; về liên doanh, liên kết giữa các DNKT trong nước hoặc giữa các tổ chức hành nghề kiểm toán nước ngoài với DNKT ở Việt Nam; Về cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ có liên quan qua biên giới (hiện diện thể nhân); Mối quan hệ giữa KTĐL với kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ (về sử dụng kết quả kiểm toán, cung cấp thông tin và xác định trách nhiệm của từng bên,…)

6)       Qua kiểm tra hàng năm cho thấy chất lượng hoạt động kiểm toán của nhiều DNKT nhỏ nói chung còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhưng Nghị định về KTĐL chưa quy định các nội dung liên quan đến chất lượng hoạt động kiểm toán (như bắt buộc hồ sơ kiểm toán phải qua 3 cấp độ soát  xét, về kiểm tra chất lượng hoạt động kiểm toán của từng DNKT…)

7)       Các DNKT hiện đang cung cấp các dịch vụ kinh doanh có điều kiện đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề. Các KTV trong các DNKT đã và sẽ có các chứng chỉ hành nghề khác nhau như Chứng chỉ KTV, thẻ thẩm định về giá, chứng chỉ hành nghề làm đại lý thuế. Theo thông lệ các nước, KTV hành nghề phải là hội viên, phải đăng ký và chịu sự quản lý hành nghề bởi 1 tổ chức nghề nghiệp mà cơ quan nhà nước không quản lý hành nghề. Ở Việt Nam, các quy định về đăng ký và quản lý hành nghề cũng như kiểm soát chất lượng hành nghề còn khác biệt so với thông lệ quốc tế, đó là phân theo từng hoạt động dịch vụ. Theo đó, 1 KTV hành nghề muốn thực hiện các dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải đăng ký, chịu sự quản lý, kiểm tra chất lượng hành nghề của các tổ chức khác nhau làm tăng thủ tục hành chính không cần thiết và đi ngược với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước. Do vậy, các quy định liên quan đến quản lý nhà nước đối với các hoạt động: KTĐL, hành nghề kế toán, làm đại lý thuế và thẩm định giá phải được phối hợp nghiên cứu một cách đồng bộ để quản lý có hiệu quả các hoạt động trên đồng thời phải đảm bảo đơn giản thủ tục hành chính và phù hợp với thông lệ quốc tế.

8)       Đối tượng áp dụng Nghị định về KTĐL chưa bao quát, đầy đủ và toàn diện hoạt động của nền kinh tế quốc dân, chưa đáp ứng được các bước chuyển đổi về nghề nghiệp kiểm toán trong thời kỳ đổi mới, nhằm đảm bảo cho kiểm toán Việt Nam hội nhập với kiểm toán khu vực và quốc tế.

9)       Theo Nghị định và KTĐL, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về kiểm toán, nhưng theo thông lệ quốc tế, KTĐL là hoạt động độc lập, khách quan, cần được hành nghề theo những thông lệ, chuẩn mực do các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán công bố. Do đó, trong tương lai gần, ngoài Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về KTĐL cần được luật hoá để giảm bớt công việc của cơ quan quản lý nhà nước. Việc luật hoá các quy định liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức nghề nghiệp về KTĐL làm cơ sở pháp lý để chuyển giao dần các công việc quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán cho Tổ chức nghề nghiệp đồng thời cũng là công việc phải triển khai để thực hiện các cam kết của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

10)         Nội dung Nghị định về KTĐL chưa quy định kiểm toán bắt buộc

Tại thời điểm năm 1994 khi ban hành NĐ 07/CP, ở Việt Nam mới chỉ có 6-7 DNKT mới thành lập nên chỉ đáp ứng được công việc kiểm toán báo cáo tài chính cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án quốc tế.

Theo Nghị định về KTĐL và pháp luật kinh tế hiện hành thì đối tượng bắt buộc phải  kiểm toán BCTC. Như vậy rất nhiều DN thuộc các loại hình trên có quy mô lớn và vừa khi công khai BCTC hoặc khi huy động vốn không được kiểm toán sẽ không đảm bảo an toàn cho nền kinh tế. Cho tới nay, qua thực tế hoạt động kiểm toán, DN và Nhà nước đều thấy cần thiết phải kiểm toán để góp phần thực hiện công khai, minh bạch BCTC và làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của các DN. Mặt khác, lực lượng các DNKT hiện nay đã đủ đáp ứng nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng hiện nay. Do đó, Nhà nước cần có quy định kiểm toán bắt buộc đối với tất cả những DN có quy mô lớn hoặc vừa cho tất cả các loại hình DN và phù hợp với thông lệ chung của các nước để đáp ứng trong quá trình hội nhập.

Các quy định hiện hành về đối tượng kiểm toán bắt buộc chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đối với việc xây dựng nền tài chính lành mạnh, công khai và minh bạch. Theo Luật KTNN thì mọi tổ chức đơn vị quản lý và sử dụng NSNN, công quỹ và tài sản nhà nước  đều phải được kiểm toán của KTNN. Nhưng tất cả các DN có quy mô lớn và vừa thuộc các loại hình DN TNHH, hợp danh, tư nhân có tác động rất lớn đối với nền tài chính quốc gia chưa thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán BCTC.

Thực trạng trên đây đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTĐL. Để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động kiểm toán và khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành về KTĐL đòi hỏi phải ban hành Luật KTĐL nhằm điều chỉnh tổ chức hoạt động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các DNKT và KTV cũng như các đối tượng phải và cần được kiểm toán một cách đầy đủ, toàn diện hơn, tương xứng với vai trò, vị trí của KTĐL trong xã hội.

Hơn nữa, Nhà nước ta đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, khi số lượng các công ty cổ phần nhiều lên, cung cấp nhiều hàng hoá để giao dịch trên thị trường chứng khoán thì việc dựa vào các thông tin kiểm toán để đưa ra các quyết định đầu tư ngày càng trở nên phổ biến. Khi đó trách nhiệm của các DNKT và KTV – với vai trò là người cung cấp sự “chứng thực” cho xã hội phải được nhấn mạnh và phải được luật hoá bằng văn bản pháp lý cao nhất – đó là Luật KTĐL.

                                                                                                              Bộ phận thuế – Minh Khuê (biên tập)

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *