Các loại giấy phép cần có khi kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thưa luật sư, tôi mới đăng kí kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà nghỉ). Tôi đã có giấy phép kinh doanh rồi thì tôi có cần xin bất kỳ giấy phép nào khác ngoài giấy phép kinh doanh hay không? Rất mong được luật sư tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn!

Mục lục bài viết

1. Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ là

Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (kinh doanh dịch vụ lưu trú) được quy định tại Phụ lục 4, số thứ tự 214 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của năm 2014).

Điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú được quy định tại Nghị định số 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Khoản 22 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định “Kinh doanh dịch vụ lưu trú, gồm: Các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (nghỉ theo giờ và nghỉ qua đêm) hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch.

Tổ chức, cá nhân có nhà cho người Việt Nam hoặc người nước ngoài thuê (có ) để ở, học tập, làm việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.”

Chính vì vậy, khi tiến hành kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn (dịch vụ lưu trú) thì chủ cơ sở kinh doanh ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh còn phải tiến hành xin cấp một số giấy phép bắt buộc theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Cam kết đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy

Khoản 3 Điều 4 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 4. Phụ lục

Ban hành kèm theo Nghị định này các phụ lục về danh mục cơ sở, dự án, công trình thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và quy cách cờ hiệu, biển hiệu, băng sử dụng trong chữa cháy:

1. Phụ lục I: Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

2. Phụ lục II: Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

3. Phụ lục III: Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.

……”

Đối với cơ sở quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới phải có văn bản thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy (mẫu số PC06); đồng thời, gửi kèm theo các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều 7 và Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP (Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 66/2014/TT-BCA).

Theo quy định tại Số thứ tự 1 Phụ lục III ban hành kèm theo thì nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ,…cao từ 07 tầng trở lên phải thông báo với cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Theo quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp) phải có phương án bảo đảm an ninh, trật tự. Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 42/2017/TT-BCA.

Hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung đối với các ngành, nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

3.1. Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định).

3.2. Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây:

Một là, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký ; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo đối với đơn vị sự nghiệp có thu;

Hai là, Trường hợp trong các văn bản quy định tại điểm a khoản này không thể hiện ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì cơ sở kinh doanh phải bổ sung tài liệu chứng minh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà cơ sở kinh doanh hoạt động và đề nghị ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp thì cơ quan Công an khai thác tài liệu này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

3.3. Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa, gồm:

Một là, Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP);

Hai là Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều 19 nhưng thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP;

Ba là, Các cơ sở kinh doanh không phải nộp tài liệu quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều 19, gồm: Sản xuất con dấu; sản xuất cờ hiệu, mua, bán cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; kinh doanh dịch vụ bảo vệ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ; kinh doanh dịch vụ đặt cược; kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; kinh doanh máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kinh doanh thiết bị kiểm tra ; kinh doanh thiết bị giám sát điện thoại di động GSM và các thiết bị giám sát điện thoại di động khác;

Bốn là, đối với các cơ sở kinh doanh không có kho chứa nguyên liệu hoặc sản phẩm theo quy định thì phải có đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều 19;

Năm là, đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ thì các tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy là tài liệu của kho chứa, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

3.4. Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định) kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau:

Một là đối với người Việt Nam ở trong nước là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có Bản khai lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp (trừ những người đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội);

Bản khai lý lịch của những người quy định tại điểm này nếu đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp quản lý (trừ cơ sở kinh doanh). Đối với những người không thuộc đối tượng nêu trên phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

Hai là đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài phải có Bản khai nhân sự kèm theo bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam;

Ba là đối với trường hợp một cơ sở kinh doanh có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự trong hồ sơ áp dụng đối với người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

Nếu nhà nghỉ, khách sạn có đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống thì chủ sở hữu có trách nhiệm xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm quy định chi tiết tại Điều 36 Luật an toàn thực phẩm 2010 và được hướng dẫn bởi Công văn 5845/BCT-KHCN năm 2013.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:

Một là cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

Hai là bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

Ba là bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

Bốn là giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

Năm là giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

5. Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

Đối với dịch vụ khách sạn, chủ khách sạn phải đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định chi tiết tại Điều 50 Luật du lịch 2017; được hướng dẫn bởi Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDLThông tư 34/2018/TT-BTC.

Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:

– Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định theo Mẫu số 07 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL

– Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;

– Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;

– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.

6. Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

Theo quy định tại Khoản 12 Phụ lục IV Nghị định 18/2015/NĐ-CP thì nhà nghỉ, khách sạn, lưu trú du lịch quy mô nhỏ hơn 500 m2 sàn không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Nếu nhà nghỉ, khách sạn có quy mô lớn hơn 500m2 sàn sẽ phải xin xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Trình tự, thủ tục được quy định chi tiết tại Điều 32 Luật bảo vệ môi trường 2014, được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 18/2015/NĐ-CP.

Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 bao gồm:

Thứ nhất là địa điểm thực hiện;

Thứ hai là loại hình, công nghệ và quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Thứ ba là nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng;

Thứ tư là dự báo các loại chất thải phát sinh, tác động khác đến môi trường;

Thứ năm là biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;

Thứ sáu là tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận số: để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *