Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa có được không?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Kính gửi luật sư, tôi có một vấn đề rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư: bị đơn vắng mặt tại phiên toàn có được không?

Kính gửi văn phòng Xin giấy phép! Tôi có 1 việc này muốn nhờ luật sư giúp đỡ, rất mong luật sư trả lời giúp tôi để tôi có thể hiểu rõ sự việc và có hướng giải quyết hợp tình hợp lý nhất.

Em trai tôi có vay của công ty Home credit (Hc) với số tiền 55tr đồng bằng 2 hợp đồng trả góp.

1 hợp đồng 20tr vay trong vòng 12 tháng mỗi tháng em tôi phải đóng cho công ty Hc 2,556tr. Hợp đồng này em tôi đã trả xong.

Hợp đồng thứ 2 là 35tr trong vòng 18 tháng mỗi tháng em tôi phải đóng là 3,546tr. Hợp đồng này em tôi mới đóng được 7 tháng thì không có khả năng đóng tiếp do làm ăn thua lỗ. Vì vậy công ty Hc đã  gửi giấy thông báo sẽ khởi kiện em tôi.

Nhưng giờ em tôi đã sang Trung Quốc làm ăn không về được.Vậy luật sư cho tôi hỏi:

1. Nếu như phiên tòa diễn ra không có mặt em tôi thì tòa có xử được không?  Và khi em tôi không có mặt theo sự triệu tập của tòa thì em tôi có bị kết vào tội gì không?

2. Nếu tòa xử em tôi buộc phải trả nốt số nợ 40,156tr do công ty Hc thông báo mà hiện giờ em tôi không còn tài sản thì bên thi hành án có thể cưỡng chế theo hình thức nào?

Em tôi hiện sống một mình cùng mẹ già và khoản vay trên là do một mình em tôi đứng tên

Rất mong được sự tư vấn của luật sư!

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Tuấn Nguyễn

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục  của Công ty Xin giấy phép.

Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa có được không?

 

Trả lời:

Chào bạn Tuấn Nguyễn, rất hân hạnh được trả lời câu hỏi của bạn.

1. Nếu em bạn vắng mặt tại phiên tòa thì Tòa án có xét xử được không?

Điều 199 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 về sự có mặt của đương sự, người đại diện, của đương sự quy định như sau: 

“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có xét xử vắng mặt.

Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập có người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”

Em của bạn là bị đơn trong vụ án khởi kiện đòi nợ, nên chúng ta sẽ áp dụng các quy định của điều luật trên đối với bị đơn như sau:

– Trường hợp 1: Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, bị đơn – em của bạn, phải có mặt; trường hợp vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp em của bạn có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. (Trong lần triệu tập thứ nhất, khi bị đơn vắng mặt, Tòa án không cần quan tâm lý do vắng mặt của bị đơn, nếu không có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án phải hoãn phiên tòa).

– Trường hợp 2: Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, có các giả thiết:

+ Giả thiết 1: Nếu bị đơn vắng mặt, nhưng có lý do chính đáng, không có người đại diện tham gia phiên tòa, Tòa án phải hoãn phiên tòa.

+ Giả thiết 2: Nếu bị đơn vắng mặt, nhưng không có lý do chính đáng, không có người đại diện tham gia phiên tòa, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Trường hợp của em bạn đang làm việc bên Trung Quốc không thể tham dự được phiên tòa có thể xác định theo các trường hợp kể trên. Đó là:

– Trường hợp 1: Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, em của bạn phải có mặt, hoặc có thể ủy quyền cho người khác thay em bạn tham gia phiên tòa. Nếu em bạn không tham gia được phiên tòa, cũng không có người đại diện tham gia phiên tòa, thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Nếu em của bạn không tham gia được, không có người đại diện tham gia, nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên tòa mà không có sự có mặt của em bạn.

– Trường hợp 2: Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai:

+ Nếu em của bạn vắng mặt, nhưng có lý do chính đáng và không có người đại diện tham gia phiên tòa, Tòa án sẽ hoãn phiên tòa.

+ Nếu em của bạn vắng mặt, không có lý do chính đáng, không có người đại diện tham gia phiên tòa, Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt em của bạn.

Nếu em của bạn không tham gia được phiên tòa thì em của bạn cũng không vi phạm pháp luật.

2. Nếu Tòa án xử em bạn phải thực hiện trả nợ cho công ty Hc số tiền 40,156 triệu đồng mà em bạn không còn tài sản thì cơ quan thi hành án có các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau đây:

– Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

– Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

– Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

– Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

– Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

– Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Đây là các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.

Việc cơ quan thi hành án lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nào còn dựa vào hoàn cảnh cũng như thu nhập hiện tại của em bạn.

Trân trọng./.

Bộ phận dân sự – Minh Khuê

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *