Cơ hội áp dụng luật Việt Nam trong 1 vụ kiện tại tòa án Mỹ.

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Một ngày vào giữa tháng 9 năm 2003. Hôm đó tôi đang ngồi ở Văn phòng làm việc. Có tiếng chuông điện thoại reo, nhân viên gọi tôi: ” Chị ơi có khách hàng nước ngoài hỏi tư vấn”. Tôi cầm ống nghe, từ đầu dây bên kia có một giọng đàn ông trung niên, nghe như người Nam Bộ nhưng hơi lơ lớ hỏi: “Xin hỏi Văn phòng luật sư của bà có luật sư nào nói được tiếng Anh không? Luật sư của tôi muốn được hỏi một số vấn đề liên quan đến luật pháp Việt Nam”.

Tôi đã không thể nghĩ rằng ngày hôm đó  bắt đầu một sự kiện đã để lại kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hành nghề luật sư của tôi. Đó là cơ hội tôi đã tham gia trực tiếp một phiên tòa tại Mỹ để tư vấn về pháp luật Việt Nam với tư cách là chuyên gia làm chứng-1 loại chủ thể mà vị trí tố tụng cũng như quyền và nghĩa vụ chưa được quy định trong luật tố tụng dân sự của Việt Nam.

Sau khi tôi trả lời là của chúng tôi có thể tư vấn trực tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Nga. Người đàn ông mừng rỡ nói gấp gáp: “Vậy xin bà cảm phiền tiếp chuyện với luật sư của tôi. Chúng tôi đang gọi từ Mỹ…” Một giọng nữ với cách phát âm đặc “Mỹ” vang lên từ đầu máy bên kia: ” Xin chào, Văn phòng luật sư của tôi đang rất cần được tư vấn về luật gia đình của Việt Nam để làm cơ sở bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong 1 vụ kiện mà Tòa thượng thẩm (Superior Court) Los Angeles- bang California đang giải quyết….”. Cuộc đàm thoại đã kéo dài gần nửa tiếng và đã làm tôi phải vận dụng hết vốn tiếng Anh tự học của tôi để nắm được mục đích của cuộc đàm thoại đó là: Có 1 Văn phòng luật sư chuyên về luật gia đình (Family Law) có trụ sở đóng tại Pasadena-California (1 tiểu bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) rất cần tìm 1 chuyên gia về luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam để cung cấp các ý kiến tư vấn như là 1 loại chứng cứ để quan tòa xem xét trong 1 vụ kiện tiêu hủy hôn thú.

>> –

 

Sau đó tôi đã nhận được chính thức “đơn đặt hàng” của luật sư Mỹ gồm 3 nội dung: Yêu cầu trả lời 6 câu hỏi về luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam; đề nghị nhận xét về các chứng cứ được lập tại Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là 3 tài liệu bao gồm: 1 bản sao giấy công nhận kết hôn của hai vợ chồng tên Huỳnh Võ (chồng) và Huỳnh Liên (vợ) đăng ký tại UBND quận 5 vào thời điểm tháng 6 năm 1978, thời điểm sao chứng thực là tháng 2 năm 1982 và hai bản xác nhận của UBND quận 5 tại TP. Hồ Chí Minh về việc không lưu trữ hồ sơ về hôn nhân của 2 người lập vào năm 2002-2003 và yêu cầu lấy được 1 văn bản của Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về bản sao giấy công nhận kết hôn của hai người là giả mạo.

Mục đích cuối cùng mà VPLS Mỹ muốn đạt được là chứng minh không có hôn nhân pháp lý (theo quy định của pháp luật Việt Nam) giữa hai người trong khi Nguyên đơn -người vợ cho rằng có hôn nhân còn người chồng cho rằng không có mà chỉ là sống với nhau như vợ chồng và có con chung cùng tài sản chung. VPLS Mỹ bảo vệ cho người chồng. Phía người vợ cũng có 1 VPLS Mỹ chuyên về luật gia đình bảo vệ. Cả hai bên đã đệ trình các chứng cứ lấy tại Việt Nam do các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cung cấp để chứng minh cho quan điểm của mình. Nhưng tòa án Mỹ chưa ra được phán quyết vì không có căn cứ pháp lý để xác định chứng cứ nào có giá trị pháp lý (trong khi cả quan tòa, luật sư và đương sự-chẳng ai biết về luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam). Cả buổi trưa hôm đó tôi bỏ bữa trưa để hoàn thành bản tư vấn theo các yêu cầu của VPLS Mỹ. Nội dung chính của việc tư vấn về các vấn đề sau:

– Thứ nhất: Việc chọn Luật áp dụng (luật nội dung) trong trường hợp này. Theo trình bày của họ thì hai vợ chồng đã rời Sài gòn trong những tháng cuối năm 1978 bằng việc vượt biển qua Malaysia. Người chồng nói tại Việt Nam không hề có đăng ký kết hôn và làm đám cưới. Khi vào trại tỵ nạn tại Malaisya với tư cách “thuyền nhân” họ chỉ chung sống như vợ chồng tại đây trong 6 tháng rồi được Cơ quan di cư của Hoa Kỳ đến phỏng vấn và đưa đến đất Mỹ. Đầu tiên họ ở tiểu bang Ilinoise cũng không cưới cheo, hôn nhân gì. Sau đó chuyển đến định cư tại bang California cũng không đăng ký kết hôn và có các con chung và tài sản chung. Như vậy luật nào sẽ được áp dụng. Tôi đã đưa ra ý kiến tư vấn là: Để xác định luật nước nào: Việt Nam, Malaisya, Ilinoise hay California (ở Mỹ các tiểu bang có luật khác nhau, việc áp dụng luật các tiểu bang cũng giống như áp dụng pháp luật nước ngoài) được áp dụng cần phải căn cứ vào chứng cứ mà Nguyên đơn xuất trình để chứng minh là có hôn nhân. Có nghĩa là chứng cứ có nguồn gốc nơi nào thì áp dụng luật nơi đó. Vì người vợ chỉ xuất trình bản sao giấy công nhận kết hôn lập tại Việt Nam nên phải áp dụng luật Việt Nam. Ngòai ra vì thời điểm phát sinh sự kiện pháp lý (đăng ký kết hôn) vào năm 1978 nên phải áp dụng luật hôn nhân và gia đình vào thời điểm đó. Cụ thể là Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 -đạo luật về hôn nhân và gia đình đầu tiên của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua ngày 29/12/1959 (luật này hết hiệu lực vào ngày 1/1/1987. (Sau này tôi còn phải bảo vệ quan điểm áp dụng Luật của Bác Hồ trước tòa án Mỹ vì chuyên gia làm chứng của bên Nguyên đưa ra lời chứng rằng luật áp dụng là Đạo luật gia đình của Nghị sĩ Trần Lệ Xuân được Quốc hội Sài gòn cũ thông qua cũng vào năm 1959).

– Thứ hai: Về bản sao giấy công nhận kết hôn. Tôi đã chỉ ra rằng đó là bản thứ (Duplicate) chứ không phải bản sao (copy) tuy trên bề mặt của tài liệu có ghi là “Bản sao”. (Cho đến trước thời điểm đó luật sư Mỹ đều quan niệm đó là bản sao từ bản chính của Giấy công nhận kết hôn). Từ đó mới có thể đánh giá ý nghĩa của các  bản xác nhận cuả UBND quận 5 về việc không lưu trữ sự kiện về cuộc hôn nhân của hai người (trong khi theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì việc lưu trữ hồ sơ về sự kiện hôn nhân tại UBND địa phương là điều kiện không thể thiếu được). Ngòai ra tôi cũng chỉ ra được 1 vấn đề là người chồng chưa đủ vào thời điểm lập giấy công nhận kết hôn và việc kết hôn phải tại UBND chứ không phải Cơ quan công chứng (như lời người vợ khai).

– Thứ ba: Về việc lấy được xác nhận của UBND quận 5 là giấy này giả mạo hoặc không có giá trị pháp lý thì không thể sử dụng được. Nếu muốn đạt được mục đích thì chỉ có cách yêu cầu tòa án nhân dân tuyên hủy giấy hôn thú do UBND lập hoặc đề nghị cơ quan công an điều tra kết luận giấy tờ đó là giả mạo. Nhưng thời gian để làm những công việc ấy không thể trong 2 tuần mà phải hàng tháng. Do đó tôi đã chỉ cho các luật sư Mỹ rằng chỉ còn 1 con đường đó là cần phải dựa vào luật (Luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam) để xác định giá trị pháp lý của tài liệu này. Tôi hiểu là điều này không phải là đơn giản vì cũng như tại Việt Nam, tòa án Mỹ sẽ chỉ chấp nhận pháp luật nước ngòai nếu như không trái với pháp luật của Mỹ (lúc đó tôi chưa biết Luật gia đình của bang California có phù hợp với luật của Việt Nam hay không). Do đó tôi đã tóm tắt một số quy định pháp luật chủ yếu về điều kiện để công nhận 1 hôn nhân được coi là có giá trị pháp lý. Đặc biệt là tôi đã nói rõ: Pháp luật Việt Nam không thừa nhận , có nghĩa là ngoài tại UBND thì không công nhận bất kỳ một nghi thức nào khác. Sau này tôi được biết luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam có nhiều điểm giống với đạo luật gia đình (Family laws and Rules) của bang California. Ví dụ trong bản yêu cầu tư vấn của luật sư Mỹ có sử dụng thuật ngữ ” Common law marriage” dịch sang tiếng Việt có nghĩa là hôn nhân do hỗ tươơng thỏa thuận không có sự thừa nhận về mặt Nhà nuớc. Theo luật của bang Californica thì không công nhận “Common law marriage”. Đó là lý do tòa án Mỹ đã chấp nhận sử dụng pháp luật Việt Nam (điều này cũng giống nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngòai tại tòa án Việt Nam nếu như không trái với luật pháp Việt Nam).

Cuối ngày hôm đó tôi đã nhận được bản fax trả lời của VPLS Mỹ cảm ơn về bản tư vấn đồng thời họ thông báo đã quyết định thuê VPLS Hoàng Long tư vấn pháp luật Việt Nam cùng với họ giải quyết vụ kiện tiêu hủy hôn thú tại tòa thượng thẩm Los Angeles.

Trong 3 ngày tiếp theo tôi còn thực hiện thêm một số yêu cầu tư vấn của luật sư Mỹ nhưng cũng chỉ xoay quanh các vấn đề về giá trị pháp lý của hôn nhân. Ngày 18/9/2003 tôi nhận được bản fax của VPLS Jessie Shaw thông báo tòa án Mỹ và đã được chấp nhận là chứng cứ để xem xét trong vụ kiện vào ngày 2/10/2003. Tuy nhiên tôi phải thực hiện thủ tục hợp pháp lãnh sự các tài liệu này theo quy định tại điều 1454 Đạo luật chứng cứ (Evidence Code) của bang California. Nhưng rất tiếc bản tư vấn công phu của tôi đã không được Cục lãnh sự -Bộ Ngoại giao thực hiện chứng thực vì rất nhiều lý do rất là vô lý. Vì vậy tôi đã bắt buộc phải tiến hành khiếu nại Cục lãnh sự và sau đó của tôi đã đến Bộ Ngoại giao và Bộ đã phải đứng ra thu xếp giải quyết. Lúc đó tôi được biết lý do thật từ chối yêu cầu của tôi rất đơn giản: đó là chỉ vì là lần đầu tiên có yêu cầu chứng thực lãnh sự đối với 1 bản tư vấn của luật sư. Trước đây chỉ có các yêu cầu đối với các tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gọi là các tài liệu công (public document), thêm vào đó tài liệu này lại để sử dụng tại tòa án Mỹ.  Cục lãnh sự sợ trách nhiệm nên đã đánh công văn hỏi Bộ tư pháp Cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận các bản tư vấn của luật sư và trong thời gian chờ trả lời của Bộ tư pháp Cục đã phải tìm nhiều lý do để trì hoãn. Tuy nhiên theo Cục lãnh sự cho biết thì họ cũng chẳng nhận được văn bản trả lời cụ thể của Bộ tư pháp về vấn đề này. Tuy nhiên cũng xuất phát có vụ việc của tôi nên ngày 7/12/2003 Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản hướng dẫn cho các Sở tư pháp là cơ quan có thẩm quyền xác nhận vào các bản tư vấn của luật sư để Cục lãnh sự thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.

Ngạn ngữ có câu “Trong cái rủi có cái may”. Chính do bản tư vấn không được hợp pháp hóa lãnh sự mà tôi có cơ hội là luật sư Việt Nam đầu tiên tham gia 1 phiên tòa tại Mỹ để làm  chuyên gia làm chứng về luật của Việt Nam.

               Kỳ sau: Những cảm nghĩ đầu tiên trên đất Mỹ.

         Những cảm nghĩ đầu tiên trên đất Mỹ

Luật sư, Tiến sỹ Phan Thị Hương Thủy

Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Long

Ngày 27/10/2003 tôi rời Hà Nội vượt qua Thái Bình Dương-đại dương lớn nhất nối giữa Châu á và Châu Mỹ, trên chuyến bay gần 1 ngày đêm, hết đúng một nửa vòng trái đất, để đến nước Mỹ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa thượng thẩm Los Angeles (bang California). Sở dĩ có chuyến du lịch “bất đắc dĩ” này là vì cho đến tận ngày xét xử, Cục l•nh sự-Bộ Ngoại giao, vẫn tìm đủ lý do để không thực hiện chứng thực hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu tư vấn của tôi để sử dụng như là chứng cứ tại tòa án. Tôi tên là “Thủy” nhưng rất ngại sông nước, mà chuyến bay lại đi qua biển nên cảm giác đầu tiên trong suốt cuộc hành trình rất căng thẳng. Sau này có người hỏi tôi tại sao lại không sợ khi tham gia tranh tụng tại toà án Mỹ. Tôi trả lời có lẽ vì đã được thử thách bằng trải qua nỗi khủng khiếp lớn nhất là ngồi trên máy bay bay 15 giờ đồng hồ không dừng (non-stop flight) vượt qua Thái Bình Dương lớn quá nên chẳng còn sợ gì nữa.

Vì múi giờ của Los Angeles chậm đúng 15 tiếng so với giờ Hà Nội, nên khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Los Angeles-một trong những sân bay lớn vào bậc nhất thế giới, thì vẫn là ngày 27. Bước chân ra khỏi chiếc Boing to như 1 tòa nhà khổng lồ, tôi lặng lẽ theo đoàn người đi đến nơi làm thủ tục hải quan. Quãng đường đi sao mà dài thế, một cảm giác cô đơn xâm chiếm tôi. Nhận thức đầu tiên của tôi là không khí của sân bay trong tình trạng báo động bởi hàng rào nhân viên an ninh và hải quan dày đặc và các phương tiện kiểm tra rất tối tân. Bất giác tôi nhớ lại khung cảnh an toàn, yên bình như sân bay quốc tế Nội Bài.

Khi xếp hàng chờ làm thủ tục hải quan, tôi lặng lẽ nhìn quanh, chẳng có ai đi một mình như tôi cả, hầu như ai cũng có bạn đồng hành, nhất là những người gốc Châu á  (chủ yếu là Trung hoa lục địa, Đài loan, Hồng Kông) họ đi thành từng nhóm. Tôi nhận thấy có đặc biệt là mọi người rất chịu khó xếp hàng, chứ không chen lấn, xô đẩy, thậm chí khi xếp hàng cũng rất thẳng hàng chứ không đứng lộn xộn. Phải mất gần 1 tiếng tôi mới ra được khỏi nơi làm thủ tục lý do là tôi không biết chọn tờ khai phù hợp với tình trạng của mình. ở nước Mỹ mỗi ngày có hàng triệu lượt người ra, vào nhiều mục đích khác nhau: du lịch, kinh doanh, hội nghị quốc tế, tỵ nạn chính trị, định cư. Lần thứ hai tôi đã rút kinh nghiệm cho nên chỉ mất đúng 5 phút tôi đã ra khỏi sân bay.

Rất nhiều người Mỹ đã hỏi tôi tại sao toà án Mỹ lại cần tôi tham gia phiên toà tại Mỹ. Người nhân viên hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh cho tôi đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi tôi khai nghề nghiệp “luật sư”, mục địch nhập cảnh là “tham gia tố tụng theo triệu tập của toà án Los Angeles” và rất tò mò hỏi tôi sẽ tranh tụng bằng ngoại ngữ gì tại toà án Mỹ? Điều này tôi đã quen bởi vì lần phỏng vấn đầu tiên tại Lãnh sự quán Mỹ tôi đã bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ vì đây là trường hợp đầu tiên công dân Việt Nam xin nhập cảnh vào Mỹ không phải vì các lý do thông thường khác… Sau đó nhờ có sự can thiệp tích cực của VPLS Mỹ cuối cùng tôi cũng đã được cấp thị thực nhưng phải trả 200$ để phỏng vấn và phải nộp 2000 $ trong tài khoản để chứng minh có thu nhập trong thời gian ở Mỹ. Sau này tôi được biết việc tham gia tố tụng của các luật sư mang quốc tịch nước ngoài tại toà án của bang California cũng không phải là phổ biến. Bản thân VPLS Mỹ cũng đã mất nhiều thời gian để thuyết phục thẩm phán chủ toạ triệu tập chuyên gia làm chứng từ Việt Nam sang.

Ra khỏi sân bay tôi được đón về thẳng trụ sở VPLS  Mỹ để thống nhất các vấn đề cho phiên tòa ngày mai. Qua cửa kính ô tô tôi ngắm nhìn phong cảnh Los Angeles trong cảnh hoàng hôn. Cảm nghĩ của tôi về Los Angeles là thành phố thật sạch sẽ và thanh bình của một đất nước không có chiến tranh. Chứ không giống những cảnh bạo lực mà tôi thấy qua các phim ảnh của Hollywood. Rất nhiều ô tô đẹp nối từng dòng dài vô tận nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng còi, và cũng không náo nhiệt ồn ào như ở Hà Nội. Chính cảnh thanh bình này đã làm cho tôi hiểu thêm vì sao nước Mỹ lại quá khủng khiếp vì sự kiện 11 tháng 9 đến thế. Dư âm của ngày kinh hoàng đó vẫn còn đến ngày nay, qua cảm nhận của sự căng thẳng khi bước ra khỏi máy bay tại sân bay quốc tế Los Angeles, qua sự kiểm tra gắt gao tất cả các hành khách, nhất là các hành khách đến từ các nước Hồi giáo. Đến bây giờ tôi vẫn còn ớn lạnh khi nghĩ đến “tai bay vạ gió” có thể xảy ra với tôi trong 2 chuyến đi Mỹ. Vì thời gian tôi qua Mỹ là thời gian được đặt trong tình trạng báo động do sợ đánh bom cảm tử.

Khi chúng tôi đến Văn phòng luật sư Mỹ thì trời đã xẩm tối. Trụ sở của VPLS Jessie Shaw đặt tại tầng 4 của tòa án, phải đi thang máy. May mà vẫn đi vào từ lối thang máy vì theo giải thích tôi được biết để đảm bảo an ninh, chống các vụ khủng bố, hết giờ làm việc thì các lối vào các tầng từ thang máy bị khóa nếu không biết mật mã, hoặc được người bên trong ra mở. Tâm lý luôn ở trong tình trạng đề phòng khủng bố luôn đè nặng trong tôi trong suốt thời gian ở đây. Thậm chí khi đưa tôi về khách sạn, người ta cũng dặn tôi nếu vào phòng thì phải chốt ngay cửa từ bên trong và có ai gõ cửa thì phải hỏi thật kỹ danh tính rồi mới được mở. Chính vì vậy tôi chỉ mong sớm xong phiên tòa để trở về Hà Nội ngay. ở Hà Nội lúc nào tôi cũng có cảm giác an toàn. Khi xa nhà tôi mới cảm nhận hết tình yêu đối với quê hương đất nước mới mãnh liệt làm sao.

Cảm nghĩ đầu tiên của tôi đối với các luật sư đồng nghiệp Mỹ là họ rất tận tuỵ làm việc, chứng tỏ họ rất yêu nghề. Đã hết giờ làm việc mà các luật sư vẫn đang làm việc miệt mài, có phòng còn có cả đương sự cùng ngồi làm việc. Không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng gõ máy lách tách, thỉnh thoảng có tiếng điện thoại reo lên ở 1 vài phòng làm việc nào đó. Tôi được giải thích là luật sư Mỹ làm việc rất nhiều vì tranh tụng tại tòa án Mỹ là theo phương thức: Các luật sư của các bên đặt các câu hỏi cho các bên trả lời rồi căn cứ vào các lời khai của đương sự và cả các chứng cứ thu thập được. Các luật sư trình bày quan điểm để bảo vệ thân chủ của mình. Tại phiên tòa, các luật sư hỏi là chính, thẩm phán chỉ ngồi nghe (tất nhiên là có hỏi nếu cần thiết) và có nhiệm vụ ra phán quyết. Chính vì vậy thời gian chủ yếu các luật sư sử dụng là đặt ra các bộ câu hỏi và hướng dẫn cho đương sự cách khai tại tòa. Ngòai ra thẩm phán cũng không tiến hành lấy lời khai của các đương sự.  ở Việt Nam không thế, thường là tòa án tiến hành lấy lời khai, còn tại phiên tòa chủ yếu chỉ đánh giá lại các lời khai và chứng cứ. Do đó việc tranh tụng tại tòa án chủ yếu mang tính hình thức. Nên các văn bản pháp luật về tố tụng đều có tên Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự….. Một điểm khác nữa là các luật sư Việt Nam (được mời bào chữa) thì chỉ vào nghiên cứu hồ sơ và tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ tại phiên tòa chứ công việc thẩm vấn lấy lời khai của đương sự lại thuộc trách nhiệm của tòa án. Với hình thức như vậy thì khó đạt hiệu quả vì nếu đương sự khai bất lợi thì luật sư bào chữa cũng chẳng thể cứu chữa được. Do đó hiện nay tâm lý khách hàng chọn hình thức thuê luật sư đại diện nhằm khắc phục tình trạng này và thực tế cho thấy đảm bảo hiệu quả của vụ án hơn. Bản thân luật sư cũng thấy tự tin vì có thể kiểm soát được tình hình hồ sơ và từ đó có thể thỏa thuận mức phí phù hợp với công việc và hiệu quả của công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

ở Mỹ phí luật sư được tính theo giờ làm việc, với mức trung bình khoảng từ 150$ đến 200$/1 giờ. Tôi nhẩm tính nếu theo cách tính phí luật sư như thế này thì một vụ kiện (ví dụ như vụ kiện tiêu hủy hôn thú mà tôi tham gia) kéo dài hàng năm thế này thì phí luật sư là rất lớn. Tuy nhiên nếu thắng kiện thì bên thua kiện phải trả cho bên thắng cả phí này. ở Việt Nam thì không tính phí theo giờ mà chỉ theo vụ việc. Như vậy rất thiệt thòi cho luật sư vì nếu tòa án giải quyết lâu vụ việc hoặc phiên tòa phải ho•n nhiều lần thì ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Nếu bản án của tòa án ghi nhận các chi phí trong đó có cả phí luật sư thì công tác thu thuế thu nhập cũng dễ hơn, chứ hiện nay luật sư cũng là 1 trong những đối tượng khó xác định thuế thu nhập.

Hôm đó tôi và các luật sư đồng nghiệp Mỹ làm việc đến 9 giờ đêm để xây dựng bộ câu hỏi và dự kiến các tình huống xảy ra tại phiên tòa nhưng chỉ liên quan đến mỗi một vấn đề: đó là chứng minh tôi là chuyên gia (Expert) theo quy định của pháp luật bang California. Sau bước này nếu tòa án công nhận là chuyên gia thì mới đi vào nội dung là làm chứng về các quy định của luật hôn nhân và gia đình tại Việt Nam liên quan đến việc kiện. Thủ tục này ở Việt Nam đã không được chuẩn bị vì chúng tôi chỉ tập trung đi vào nội dung luật hôn nhân và gia đình. Luật sư Mỹ nói rằng nếu bản tư vấn của tôi có con dấu của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội thì không cần phải thủ tục chứng minh tôi là chuyên gia. Tuy tôi đã nhận được từ Hà Nội bản fax bằng tốt nghiệp đại học và bằng học vị tiến sĩ luật của tôi. Luật sư Mỹ nói với tôi ở Mỹ cũng công nhận giá trị bằng tốt nghiệp của trường Đại học tổng hợp Matxcơva (thuộc Liên xô cũ) cấp. Còn trường hợp luật sư có học vị tiến sỹ thì ở Mỹ hầu như rất hiếm. Đơn giản là với cường độ làm việc như vậy thì thời giờ đâu mà làm tiến sỹ. Nhưng có điều nan giải là các tài liệu này chỉ là bản fax, chưa được Đại sứ quán Mỹ chứng thực nên chưa thể coi là chứng cứ để xem xét tại tòa án được. Tôi rất hiểu thủ tục bắt buộc này vì cũng như tại Việt Nam, tòa án Việt Nam chỉ chấp nhận các tài liệu bằng tiếng nước ngòai để xem xét như chứng cứ nếu đã được hợp pháp hóa lãnh sự.

Ngòai ra còn 1 điều quan trọng liên quan đến văn bản luật hôn nhân và gia đình Việt Nam ban hành năm 1959 và nhiệm vụ của tôi là phải cung cấp cho toà án Mỹ văn bản luật này dưới dạng xuất bản phẩm theo Luật xuất bản của Việt Nam vì tại Mỹ các bộ luật đều được in thành sách. Còn nếu sử dụng văn bản luật lấy từ đĩa mềm “Cơ sở dữ liệu luật” do Trung tâm thông tin và nghiên cứu khoa học của Văn phòng quốc hội Việt Nam giữ bản quyền thì phải thực hiện chứng thực hợp pháp hoá lãnh sự. Nhưng điều này là không thể tại Việt Nam. Đó chính là lý do mà chúng tôi thấy cần phải hoãn vụ kiện để có thêm thời gian chuẩn bị.

 Sáng hôm sau tôi dậy sớm để đến trụ sở Tòa thượng thẩm tòa án Los Angeles ở trung tâm thành phố Los Angeles, vì luật sư Mỹ thông báo phải đi trước 7 giờ phòng bị tắc nghẽn giao thông. Thời gian tôi sang đúng vào dịp các công nhân của nghiệp đoàn xe buýt đình công nên các tuyến xe buýt công cộng không hoạt động. Do vậy thành phố càng bị tắc nghẽn giao thông bởi các xe tư nhân. Ngồi trên xe ô tô con, tôi được chỉ một cảnh đình công- là một nhóm người đeo hoặc mang biểu ngữ, đứng tụ tập lặng lẽ ở bên đường, không ồn ào, không hô khẩu hiệu. Bên cạnh có 1 vài cảnh sát mặc quân phục đứng khoanh tay. Nếu không được bảo đó là họ đang đình công thì tôi cũng chẳng biết được. Thực ra ở Việt Nam  tôi cũng chưa chứng kiến 1 trường hợp đình công nào, ngoài xem các hình ảnh trên phim ảnh.

Khi đến trụ sở tòa án Mỹ tôi tranh thủ chụp ảnh ở bên ngòai vì bên trong tòa nhà không được chụp ảnh. Tôi ngạc nhiên vì tòa nhà rất to, cao 11 tầng nhưng cái cửa thì bé tý và hẹp chỉ 1 người đi vào. Khác hẳn với người Phương Đông thường nói “nhà cao” thì đi đôi với “cửa rộng”. Vừa bước qua cửa tòa nhà tôi thấy rất nhiều cảnh sát mặc quân phục đeo súng, trong tay cầm máy dò vũ khí đứng chắn ở cửa. Tôi được hướng dẫn phải đi qua một cửa như ở sân bay để soát vũ khí, còn túi xách cặp tài liệu thì bỏ trên băng chuyền chạy qua máy soi. Sau khi tôi bước ra khỏi cái cửa an ninh thì một nữ cảnh sát to cao gấp rưỡi tôi đã giơ máy rà quanh người tôi để kiểm tra một lần nữa. Tất cả mọi người vào đều bị kiểm tra như vậy vì sợ khủng bố (lại khủng bố). Toàn bộ máy ảnh, điện thoại di động bị giữ lại và làm thủ tục gửi giữ như ở siêu thị. Tôi được giải thích là không được chụp ảnh bên trong tòa nhà. Có nghĩa là tại phiên tòa cũng không được chụp ảnh (điều này khác với ở Việt Nam là các nhà báo, phóng viên vẫn có thể quay phim, chụp ảnh nếu được tòa án cho phép). Như vậy cũng không hẳn ở Mỹ cái gì cũng được tự do làm.

Vẫn còn sớm nên chúng tôi đến căng tin của tòa án đặt tại tầng 11. Trong thang máy có nhiều người còn cầm cả đồ ăn nhanh và cốc đầy cà phê vừa nói chuyện vừa ăn, uống. ở Mỹ người ta có thể ăn, uống bất cứ lúc nào kể cả khi đang đi. Tại đây có nhiều người vừa ăn, uống, trò chuyện và làm việc trên máy vi tính xách tay. Những luật sư khác với người khác ở chỗ họ đẩy các xe trong xếp đầy các hộp giấy đựng các tài liệu liên quan đến vụ kiện. Điều này cũng khác với Việt Nam vì hầu như luật sư không có nhiều tài liệu đến thế vì chứng cứ chủ yếu do tòa thu thập (đương sự có chứng cứ thì cũng nộp cho tòa), còn nhiệm vụ của luật sư là nghiên cứu và phát biểu quan điểm. Còn ở Mỹ vì luật sư có chức năng thu thập chứng cứ tại phiên tòa mới tung ra dần dần. Tôi bất giác nghĩ thầm giả sử đến lúc nào luật sư Việt Nam phải tự thu thập chứng cứ thì với mấy thùng đựng tài liệu kia thì chúng tôi làm sao mà di chuyển từ nhà đến tòa bằng xe máy được. Lúc đó lại phải tậu ô tô để vận chuyển tài liệu.

Trong thời gian chờ đợi tôi thấy nét mặt của luật sư Jessie rất căng thẳng bồn chồn, luật sư Grek thì đang lúi húi cắm phích cho máy tính xách tay để soạn thảo trên máy. Tôi rất thông cảm với tâm trạng của luật sư đồng nghiệp Mỹ vì tôi cũng có trạng thái như vậy trước các phiên tòa. Thường trước các phiên tòa tôi đều thức trắng để soạn các câu hỏi mà hội đồng xét xử sẽ thẩm vấn vào ngày mai (vì tôi thường ở vai đại diện đương sự) rồi tự phản biện các lập luận của mình để lựa chọn cách khai hiệu quả nhất. Tôi nói suy nghĩ của tôi cho Jessie là hay là xin ho•n vì tôi có linh cảm sẽ rất bất lợi nếu vào trận ngày hôm nay vì các luật sư Mỹ đặt hết niềm tin vào tôi. Nhưng một khi tôi chưa chứng minh được tôi là chuyên gia thì mọi lời chứng của tôi chẳng có giá trị gì hết. Đến bây giờ tôi mới cảm thấy việc Cục lãnh sự khăng khăng không hợp pháp hóa lãnh sự bài tư vấn của tôi quả là một trở ngại rất lớn cho các luật sư bên Bị. Tôi chẳng thể nào giải thích cho Jessie hiểu tại sao Cục lãnh sự lại từ chối tôi. Jessie bảo nếu là trở ngại từ phía Mỹ thì luật sư có thể thu xếp được vì luật sư ở Mỹ có quyền yêu cầu các cơ quan thực hiện nếu như pháp luật cho phép. Tôi buồn rầu giải thích cho Jessie biết tôi đã phải cung cấp cả bản tư vấn có công chứng nhà nước chứng thực lẫn xác nhận của Sở tư pháp Hà Nội nhưng cũng không ăn thua gì. Có nghĩa là tôi đã làm hết những gì tôi có thể.

Cuối cùng chúng tôi đã quyết định hoãn phiên tòa để có thời gian chuẩn bị thêm và đề nghị thẩm phán chủ toạ ấn định phiên xét xử vào ngày 20/11/2003. Ông Huỳnh Võ mừng rơn khi tôi đồng ý sang Mỹ vào ngày xét xử. Nhưng để “ràng buộc” tôi phải sang, ông đã mua vé khứ hồi luôn cho tôi (giá vé là gần 1.500$). Khi chào tạm biệt luật sư Jessie nhìn sâu vào mắt tôi và nói: “Bà sẽ quay lại chứ?”. Mặc dù vẫn chưa hết cảm giác ớn lạnh khi phải bay qua Thái Bình Dương đen ngòm và tình trạng báo động ở sân bay Los Angeles, tôi đã gật đầu và hứa sẽ quay lại. Chúng tôi tạm biệt nhau ở đây vì Jessie còn phải quay lại toà án vì có một vụ kiện khác. Cảm giác của tôi là dường như không có gì khác nhau giữa luật sư Việt Nam và luật sư Mỹ trong hành nghề luật sư- một nghề đòi hỏi bất cứ ai theo nó, phải có lòng tận tụy, say mê, miệt mài làm việc, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

  (Kỳ sau: Cơ hội tuyên truyền pháp luật Việt Nam tại toà án Mỹ )

 Luật sư, Tiễn sỹ Phan Thị Hương Thủy

Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Long

(: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1.

2.

3.

4.

5.

6.

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *