Quy định về việc cử đại diện cá nhân làm Trưởng nhóm ?

Kính gửi Quý Công ty ! em có câu hỏi cần được quý công ty tư vấn giúp. Căn cứ theo NĐ số 63/2014/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu về lựa chon nhà thầu, tại Điều 42 quy định: Tư vấn cá nhân có thể bao gồm một hoặc một nhóm chuyên gia.

Trường hợp tư vấn là nhóm chuyên gia thì các chuyên gia phải cử đại diện để giao dịch với bên mời thầu. Cho em hỏi vậy trong trường hợp này: Nếu có biên bản cử thành viên làm đại diện Trưởng nhóm để thực hiện giao dịch thì trong biên bản các thành viên có cần ký tên từng người một chấp nhận, đồng thuận cử đại diện làm Trưởng nhóm không?

Em xin cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật doanh nghiệp của Công ty Xin giấy phép.

Quy định của pháp luật về việc cử đại diện cá nhân làm Trưởng nhóm ?

:

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Xin giấy phép. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

: Quy định chi tiết thi hành mốt số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

2. Nội dung trả lời:

Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định:

“Tư vấn cá nhân có thể bao gồm một hoặc một nhóm chuyên gia. Trường hợp tư vấn là nhóm chuyên gia thì các chuyên gia phải cử đại diện để giao dịch với bên mời thầu, chủ đầu tư.”

Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành thì không có quy định về hình thức cử đại diện của nhóm chuyên gia. Tuy nhiên, đối với việc cử đại diện để giao dịch với bên thứ ba phải được sự đồng ý của tất cả chuyên gia trong nhóm chuyên gia đó. Việc cử đại diện nhóm tham gia giao dịch với bên thứ ba là một trong những hình thức của đại diện theo ủy quyền. Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp đại diện theo ủy quyền, bao gồm:

– Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

– Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về hình thức cử đại diện của nhóm chuyên gia để xác lập giao dịch với bên thứ ba, tuy nhiên, pháp luật ở một số lĩnh vực có quy định cụ thể về việc cử đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cả nhóm.

Ví dụ tại Điều 29 Luật tiếp công dân 2013 về việc cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung trong việc tiếp công dân được quy định như sau:

“Khi nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân yêu cầu những người này phải cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân (sau đây gọi chung là người đại diện). Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trường hợp có từ năm đến mười người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên mười người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá năm người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.

Việc cử đại diện làm phát sinh hậu quả pháp lý được quy định tại Điều 139 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

– Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

– Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

– Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

Như vậy, việc cử đại diện để giao dịch với bên mời thầu, chủ đầu tư phải được lập biên bản. Hình thức biên bản cần có chữ ký của tất cả chuyên gia trong nhóm chuyên gia đó.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật, về luật đấu thầu và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Xin giấy phép.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư doanh nghiệp – Công ty luật Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *