Mở cửa hàng sửa chữa xe máy, thay thế phụ tùng có cần phải đăng ký kinh doanh không ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thưa luật sư, em đang dự định mở 1 cửa hàng kinh doanh sửa chữa, thay phụ tùng xe máy. Do chưa có kiến thức về luật nên muốn hỏi anh/ chị 1 số vấn đề về thủ tục như sau:1. Mở cửa hàng sửa chữa xe máy có cần phải đăng ký kinh doanh không. Nếu có thì cần những giấy tờ gì. Nếu không cần đăng ký thì khi cơ quan chức năng kiểm tra thì trả lời ra sao.

( nếu họ bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh) 2. Cơ sở để xác định các loại thuế phải nộp ( giả sử: nhân sự có 2 người làm và doanh thu khoảng 200 triệu/ năm ) thì các xác định các loại thuế hàng tháng, hàng năm như thế nào ( em cần cách tính toán cho tiết). Và thời gian nộp các loại thuế kể trên ?

3. Về phụ tùng kinh doanh kèm theo khi các nghành chức năng kiểm tra thì cần xuất trình các loại giấy tờ gì ?

4. Do chưa hiểu luật nên em cần anh/ chi tư vấn kỹ hơn về các hạng mục mà chưa được nêu và mong được anh chị tư vấn giúp em ạ ?

xin cảm ơn.

Người gửi : Ngô Văn Giáp

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Nghị đinh 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài

2. Luật sư trả lời:

2.1. Về thủ tục mở của hàng sửa chữa, thay thế phụ tùng xe máy

Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định về cá nhân hoạt động thương mại một cách thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh như sau: 1. Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây: …. đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, với trường hợp cá nhân kinh doanh dịch vụ sửa chữa xe và có thêm các phụ tùng xe máy cũng được áp dụng theo đối tượng cá nhân hoạt động thương mại.

Do đó, khi bạn mở tiệm sửa chữa xe và buôn bán một số phụ tùng xe máy không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh nên chúng ta không phải xin giấy phép kinh doanh. Vì vậy việc của bạn là chỉ cần chuẩn bị vốn, mặt bằng,nhân sự…

2.2. Về nghĩa vụ thuế phải thực hiện khi kinh doanh dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe máy

Căn cứ vào ví dụ bạn lấy như: Doanh thu khoảng 200 triệu/ năm và nhân sự gồm có 2 người như sau, thì thuế mà bạn phải nộp như sau:

a. Thuế môn bài

Đối tượng phải nộp thuế môn bài: Thì có bao gồm cả Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh, và thấy trường hợp của bạn không phải các trường hợp được miễn lệ phí môn bài quy định tại điều 3_ Nghị định 139/2016/NĐ-CP, ví dụ như các trường hợp: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính

Do đó, bạn phải thực hiện nộp lệ phí môn bài theo mức thu lệ phí như sau:

Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Trường hợp Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình tại quy định trên có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Với doanh thu giả sử bạn đưa ra thì bạn sẽ phải đóng lệ phí môn bài là 300.000 đồng trên 1 năm. Nếu bạn mới kinh doanh trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì bạn phải đóng lệ phí môn bài của cả năm, còn nếu kinh doanh trong thời hạn 6 tháng cuối năm mà có thực hiện kê khai lệ phí môn bài thì sẽ chỉ phải đóng 50% lệ phí môn bài của cả năm.

b. Thuế thu nhập cá nhân

Trường hợp của bạn, Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thuộc loại sau đây: Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ. 

Các căn cứ tính và cách tính thuế như sau: 

+ Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế          x          thuế suất

+ Thu nhập tính thuế    = Tổng thu nhập chịu thuế  –   (các khoản BHXH, BHYT, Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, các khoản giảm trừ gia cảnh)

+ Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – (các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế).

Theo đó:

– Các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế, gồm: 

+ Tiền lương, tiền công, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động;

+ Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ mua ngoài;

+ Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh;

+ Chi trả lãi tiền vay;

+ Chi phí quản lý;

+ Các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật được tính vào chi phí;

+ Các khoản chi phí khác liên quan đến việc tạo ra thu nhập.

– Các khoản giảm trừ gia cảnh: Là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh như sau: 

+ Giảm trừ đối với người nộp thuế ( là bạn) là 9 triệu đồng/ tháng

+ Giảm trừ với mỗi người phụ thuộc ( là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng như: con chưa thành niên, bị tàn tật không có khả năng lao động; bố mẹ không còn khả năng lao động; người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp dưới mức quy định…), phải đăng ký người phụ thuộc: là 3,6 triệu đồng/ tháng.

– Về thuế suất: Biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, 

+ Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định như sau: 

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm

(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

Theo đó, ví dụ: Thu nhập 1 tháng của bạn được 15 triệu đồng/ tháng ( đã từ đi các khoản tiền công thuê người làm…), khi đó được tính như sau: + Giảm trừ cho bạn: 9 triệu; cho con gái nhỏ dưới 18 tuổi là 3,6 triêu; còn lại thu nhập tính thuế bằng ( 15 – 9 – 3,6) = 2,4 triệu. Khi đó thuế bạn phải nộp = 2,4 triệu x 5%

Nếu thu nhập chịu thuế bằng 20 triệu/ tháng, trừ đi giảm trừ gia cảnh như trên sẽ còn lại ( 20 – 9 – 3,6)= 7,4 triệu thì khi đó thuế phải chịu sẽ bằng= (5 triệu x 5%) + [ ( 7,4 triệu – 5 triệu) x 10%] = 490.000 đồng.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ gọi số:  để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *