Công ty giữ văn bằng gốc của nhân viên giải quyết thế nào ?

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thưa Luật sư, tôi tên là Quyết. Vào tháng 08/2015 tôi có xin vào làm việc tại Công Ty TNHH TM&SX Nội Thất GN. Công ty yêu cầu nộp bằng gốc hoặc nộp tiền 10 triệu đồng thì sẽ được làm việc tại công ty. Tôi không có tiền nên tôi đã nộp bằng gốc tại công ty.

Đến tháng 10/2015 tôi có ký hợp đồng lao động với công ty thời hạn 3 năm, nếu tôi phá vỡ hợp đồng tôi phải trả phí đào tạo 3 tháng tương ứng 10 triệu đồng. Đến 25/11/2015 tôi làm đơn nghỉ việc với lý do gia đình khó khăn tôi xuất khẩu lao động nhưng không được lãnh đạo công ty cho nghỉ. Và hết 31/11/2015 tôi đã nghỉ. Khi tôi nghỉ tôi đã bàn giao đầy đủ công việc, công cụ làm việc,… cho công ty. Sau khi bàn giao công ty không có hẹn trả lại bằng gốc của tôi và lương tháng 11. Do công ty xuất khẩu yêu cầu bằng gốc để cho bên Nhật họ xét tuyển tôi, tôi đã qua công ty đặt vấn đề với ban giám đốc. Họ yêu cầu tôi đặt cọc vào công ty 10 triệu để nhận lại bằng gốc, và sau 1 tháng họ sẽ giải quyết. Do tôi không có tiền nên không nộp, một tháng sau tôi gọi điện cho giám đốc họ yêu cầu tôi làm việc với phòng hành chính.

Tôi đã làm việc và được yêu cầu nộp 10 triệu mới giải quyết. Tôi tiếp tục liên lạc với giám đốc và được trả lời nộp phí đào tạo thì mới giải quyết. Tôi biết tôi phá vỡ hợp đồng là sai, nhưng nếu bắt tôi nộp 10 triệu với tháng lương 11 thì đúng là tôi đi làm không lương mấy tháng cho công ty. Tôi thực sự rất bức xúc và bất công, vào công ty 1 mình tôi tự học, tự nâng cao, tôi không có người nào hướng dẫn, mà tôi nghỉ lại muốn thu phí đào tạo ?

Nay tôi viết mail này xin công ty tư vấn giúp tôi, Trân Trọng! 

>>  

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Xin giấy phép. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

 

: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Nội dung tư vấn:

Về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng:

Theo quy định tại khoản 2 điều 38 Bộ luật lao động 2012 về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.

Vì công việc bạn làm là công việc có thời hạn xác định khi nghỉ bạn phải báo trước ít nhất 30 ngày nên thời gian báo trước của bạn là từ 25/11/2015 đến 31/11/2015 mới nghỉ việc là không phù hợp với quy định của pháp luật về thời gian báo trước nên sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này.

Về vấn đề bồi thường chi phí đào tạo: 

–  Theo Điều 43 Bộ Luật Lao động 2012  quy định về nghĩa vụ của người lao động khi như sau:

“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Như vậy, pháp luật lao động hiện hành chỉ quy định người lao động phải  hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.  Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật lao động 2012.

–  Theo Điều 62 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về hợp đồng đào tạo nghề như sau:

” Điều 62: Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

c) Chi phí đào tạo;

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.” 

Như vậy, nội dung hợp đồng đào tạo nghề có quy định về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo. Người lao động chỉ phải bồi thường trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Do đó, việc có phải bồi thường chi phí đào tạo hay không sẽ căn cứ vào nội dung của hợp đồng đào tạo mà các bên đã thỏa thuận. Nếu trong hợp đồng đào tạo nghề giữa bạn và công ty chỉ quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì sẽ phát sinh nghĩa vụ bồi thường chi phí đào tạo.

Về vấn đề công ty không trả bằng gốc:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 thì khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không được “Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”.

Căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động 2012: Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012: người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ khác liên quan đến người lao động. Nếu trong quá trình lao động tại công ty, anh được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để làm cơ sở do Sở xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề thì anh hoàn toàn có quyền nhận lại chứng chỉ này.

Hiện nay, phía công ty không trả lại bằng gốc cho bạn, bạn có thể hỏi rõ phía người sử dụng lao động, yêu cầu họ đưa ra căn cứ pháp lý rõ ràng cho trường hợp này. Nếu họ vẫn không đưa ra được căn cứ pháp lý và không trả lại cho bạn bằng gốc bạn có quyền khiếu nại lên Hòa giải viên lao động thuộc Phòng lao động thương binh và xã hội cấp quận, huyện nơi công ty cũ đóng trụ sở theo quy định tại Điều 200 Bộ luật lao động 2012.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;”

Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn bị buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013NĐ-CP).

Để lấy lại hồ sơ gốc, bạn hãy đến trực tiếp yêu cầu công ty trả lại hồ sơ gốc cho mình. Nếu công ty không trả thì bạn hãy nhờ đến sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính công ty theo quy định trên và cơ quan có thẩm quyền sẽ buộc công ty đó trả lại hồ sơ gốc cho bạn. Cụ thể là bạn có thể làm đơn gửi đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở làm việc của công ty để xử phạt hành vi vi phạm hành chính của công ty.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với :  hoặc gửi qua email:  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Xin giấy phép.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn pháp luật Lao động –  

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *