Các loại thời hiệu khởi kiện dân sự theo quy định mới

Xin chào bạn đến với chuyên trang tư vấn dịch vụ pháp luật. Sau đây là một số nội dung chỉ mang tính chất tham khảo. các bạn có thể đọc để hiểu thêm nhé.

Thực tế, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng một trong các bên thường khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp, tuy nhiên việc kiện ra Tòa phải trong thời hiệu khởi kiện thì Tòa án mới có thể giải quyết được.

Mục lục bài viết

1. Thời hiệu là gì?

Là thời hạn mà luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì sẽ phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện mà luật quy định. Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

Các khoảng thời gian sau sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện dân sự:

  • Sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan làm cho chủ thể không thể khởi kiện: là những sự kiện xảy ra bất ngờ, không thể lường trước được, không khắc phục được.
  • Khi người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện

Thời hiệu khởi kiện dân sự được tính như sau:

Đối với các vụ án dân sự, thời hiệu bắt đầu tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Đối với các yêu cầu giải quyết việc dân sự thời hiệu được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

2. Các loại thời hiệu thường gặp

2.1Thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không thỏa mãn một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo quy định của Bộ luật dân sự thì có đến 8 trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, giao dịch vô hiệu dẫn đến không phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ khi giao dịch được xác lập.

Thời hiệu yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập, thực hiện giao dịch chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự là 02 năm kể từ ngày người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, bị lừa dối đe dọa có thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày người bị nhầm lẫn, lùa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do nhầm lẫn, lừa dối;

Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình có thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức như không lập thành văn bản, không công chứng có thời hiệu yêu cầu là 02 năm kê từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.

Hết thời hiệu 02 năm nêu trên, nếu không có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì giao dịch có hiệu lực pháp luật.

Đối với trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, do giả tạo thì thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế, có nghĩa các bên có thể yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu vào bất kỳ thời điểm nào.

2.2 Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Tranh chấp hợp đồng dân sự là các tranh chấp liên quan đến những nội dung trong hợp đồng dân sự như: hợp đồng mua bán, hợp đồng vay, hợp đồng thuê…

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi của mình bị xâm phạm.

2.3 Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là bồi thường khi một người có lỗi và gây thiệt hại cho người khác, xuất phát từ quan hệ xã hội thông thường và không phát sinh từ hợp đồng. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thường hay gặp nhất đó là tai nạn giao thông hoặc thiệt hại do gia súc của người khác gây ra…

Trong trường hợp này các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại, trường hợp có tranh chấp về mức bồi thường hoặc bên có lỗi không bồi thường thì bên bị thiệt hại hoặc một trong các bên có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp về bồi thường, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm.

2.4 Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế

Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm đối với di sản thừa kế là động sản; 30 năm đối với di sản thừa kế là bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản thừa kế chết.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu Tòa án xác nhận quyền được thừa kế của mình hoặc không nhận quyền thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (ví dụ: anh A là con riêng của ông B, để được nhận một phần di sản thừa kế của ông B thì A sẽ có thời hạn 10 năm kể từ ngày ông B mất để yêu cầu Tòa công nhận là cha con và được hưởng thừa kế.

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Không áp dụng thời hiệu

Các trường hợp sau đây sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện, điều này có nghĩa người có quyền yêu cầu có thể khởi kiện vào bất kỳ thời điểm nào:

Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản

Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu

Tranh chấp về quyền sử dụng đất…

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, bài viết dựa trên các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015

Trong trường hợp khách hàng cần tư vấn cụ thể về thời hiệu khởi kiện dân sự có thể liên hệ đến tổng đài để được tư vấn cụ thể!

Trân trọng cảm ơn!

Trần Nguyệt- Bộ phận hỗ trợ khách hàng công ty Luật Minh KHuê

Nếu bạn cần thêm thông tin xin đặt câu hỏi vào ô hỏi đáp bên dưới để chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn nhiều hơn. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *